Trong “bức tranh” Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn từ nay đến 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 11 “hình ảnh” (mục tiêu) chính.
Theo đó, về tổng thể, Việt Nam sẽ phấn đấu tốc độ tăng dân số thấp hơn hiện tại 0,2% sau 10 năm nữa để không quá 93 triệu người và ổn định ở mức này (khoảng 1%) vào năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình cao của thế giới thay vì trung bình như hiện nay….
Chất lượng dân số sẽ là mục tiêu chính của chính phủ và toàn xã hội trong 10 - 15 năm nữa
Về chi tiết, so với hiện tại, sau 10 - 15 năm nữa, sẽ “thu nhỏ” tỷ suất chết ở trẻ dưới 5 tuổi từ 5 - 10%; “mở rộng” tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh thêm 10 - 30 lần và tăng tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc lên 5 - 13 lần; sẽ “dành thêm” sự sống cho 10 - 15 bà mẹ trên mỗi 100.000 ngàn ca sinh sống, như vậy không chỉ đạt mà còn vượt Mục tiêu Thiên niên kỷ là giảm xuống còn 58,3 ca tử vong trên 100.000 ca sinh.…
Ngoài ra, cũng sẽ chú trọng sàng lọc ung thư đường sinh sản ở phụ nữ trong độ tuổi 30-54; cải thiện sức khỏe sinh sản của người chưa thành niên và thanh niên; giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn;
Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nạn nhân của bạo lực vì lý do giới tính; cải thiện sức khỏe sinh sản của nhóm dân số đặc thù (người di cư, người khuyết tật, người nhiễm HIV, người dân thuộc dân tộc có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi)…
Để hoàn thành “bức tranh” đúng tiến độ là các biện pháp với 13 dự án cụ thể đi kèm như: dự án Truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và kế hoạch hóa gia đình; dự án Đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; dự án Nâng cao chất lượng giống nòi; dự án Nâng cao năng lực quản lý chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình; đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đề án Tổng thể nâng cao chất lượng dân số...
Theo Thu Phương, Tú Anh
Dân trí