Lời tòa soạn: Ngày 14/4/2014, vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chết người, ném xác phi tang xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền chưa được tìm thấy. Bác sĩ Tường bị truy tố về hai tội: “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 BLHS và tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.
Hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi về việc chị Huyền chết trước khi bị vứt xác hay chết sau khi vứt xác bởi hai tình huống này có liên quan trực tiếp đến tội danh của bác sĩ Tường. Các luật sư đã có những phân tích xác đáng quanh những vấn đề pháp lý liên quan đến bác sĩ Tường. Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin gửi tới độc giả loạt bài: “Xét xử Bác sĩ Tường khi chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền - những điểm cần làm rõ”.
Bài 1: Vụ Cát Tường là án chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta
Bài 2: Bác sĩ Tường đang hưởng nguyên tắc “suy đoán theo hướng có lợi…”
PV: Có ý kiến cho rằng việc truy tố Tường về 2 tội danh như trên khi chưa tìm thấy xác chị Huyền dường như hơi vội vàng. Ý kiến của luật sư như thế nào về vấn đề này?
LS. Bùi Phương Lan: Theo quy định của pháp luật thì để chứng minh một tội phạm đã xảy ra, cần căn cứ vào chứng cứ bao gồm: Vật chứng, lời khai, kết luận giám định, biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác. Do đó việc tìm thấy hay không tìm thấy xác nạn nhân chỉ là một trong những căn cứ để xác định tội phạm. Trong trường hợp không tìm thấy (hoặc không thể tìm thấy) xác nạn thân thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể căn cứ vào rất nhiều loại chứng cứ khác để giải quyết vụ án. Khi mà các chứng cứ này được thu thập đúng quy định của pháp luật, logic với nhau, phản ánh đầy đủ bản chất vụ việc thì các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để giải quyết vụ án mà không nhất thiết phải chờ tìm được xác nạn nhân.
Chúng ta không nên nghĩ rằng một vụ án giết người (hay liên quan đến chết người) thì nhất thiết phải tìm được xác nạn nhân mới có thể xét xử được. Trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự trên thế giới và tại Việt Nam, có không ít trường hợp các vụ án liên quan đến chết người nhưng vì một lý do nào đó không thể tìm được xác (có thể do kẻ phạm tội cố tình thủ tiêu xác nạn nhân), nhưng vụ án đó vẫn đã được điều tra, truy tố, xét xử căn cứ vào các chứng cứ có giá trị pháp lý khác mà hoàn toàn không vi phạm quy định của pháp luật. Việc thủ tiêu xác nạn nhân chỉ có thể gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử thôi chứ không thể ngăn cản công lý được thực hiện.
PV: Thưa luật sư, quan điểm “trọng chứng hơn trọng cung” trong vụ án này cần được xem xét dưới góc độ như thế nào?
LS. Bùi Phương Lan: Cho đến nay, với các chứng cứ đã thu thập được, không thể nói rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã “trọng cung hơn trọng chứng” bởi vì: Trong vụ án này, để chứng minh hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập rất nhiều loại chứng cứ như lời khai bị can, bị cáo, lời khai người liên quan, lời khai nhân chứng, vật chứng liên quan như xe máy, ô tô, dụng cụ y tế, sổ sách, chứng từ, điện thoại, rất nhiều biên bản về hoạt động điều tra ... Về nguyên tắc, tất cả các loại chứng cứ đó (nhân chứng, vật chứng) đều phục vụ cho việc chứng minh hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo. Việc chưa tìm được xác nạn nhân không làm thay đổi bản chất pháp lý là đã có tội phạm xảy ra.
PV: Luật sư muốn nói gì về quyết tâm tìm thi thể chị Huyền của Công an TP Hà Nội trước đây và tại thời điểm này?
LS. Bùi Phương Lan: Trong một vụ án hình sự liên quan đến tính mạng con người thì tìm kiếm xác nạn nhân là một việc rất quan trọng không chỉ phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà còn liên quan đến các vấn đề tâm linh đối với người đã mất. Việc tìm được xác nạn nhân sẽ giúp cơ quan điều tra làm rõ được rất nhiều các vấn đề liên quan đến vụ án. Chính vì vậy, ngay từ khi vụ việc xảy ra, cơ quan điều tra đã chủ động tiến hành rất nhiều biện pháp nghiệp vụ để tìm kiếm xác nạn nhân. Mặc dù đã gần 6 tháng tìm kiếm, cho đến nay, việc tìm kiếm vẫn không có kết quả.
PV: Có ý kiến cho rằng chừng nào chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền, với những lời khai tại cơ quan điều tra của bác sĩ Tường thì chưa thể cáo buộc Tường phạm tội. Luật sư thấy ý kiến này như thế nào?
LS. Bùi Phương Lan: Theo quy định của pháp luật về chứng cứ thì việc tìm được hay không tìm được xác nạn nhân chỉ là một trong các loại chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Thực tiễn xét xử án hình sự trên thế giới và tại Việt Nam đã cho thấy nhiều vụ án không tìm được xác nạn nhân, nhưng căn cứ vào những chứng cứ khác, tội phạm vẫn bị xét xử và kết án.
Đúng là nếu chỉ căn cứ riêng vào lời khai, lời nhận tội của bị cáo Tường tại cơ quan điều tra thì chưa đủ căn cứ kết luận bị cáo Tường phạm tội. Tuy nhiên, trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai, lời nhận tội của bị cáo Tường để buộc tội mà còn thu thập rất nhiều chứng cứ khác như lời khai của các bị can, bị cáo khác, lời khai nhân chứng, người liên quan, sổ sách, chứng từ, vật chứng ... Sau khi xem xét, đánh giá lời khai, lời nhận tội của bị cáo Tường tại cơ quan điều tra phù hợp với các chứng cứ khác, các cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể buộc tội cho bị cáo Tường.
PV: Trong trường hợp buộc phải tuyên án Tường phạm tội, theo luật sư, HĐXX sẽ gặp khó khăn ở những điểm nào khi chưa tìm thấy thi thể chị Huyền?
LS. Bùi Phương Lan: Trong thực tiễn xét xử án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng thường áp dụng nguyên tắc “Suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo”. Trong vụ án này, khi mới xảy ra vụ việc, nhiều quan điểm cho rằng phải khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về hành vi “Giết người”. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, xác minh, do không tìm được xác nạn nhân nên chưa có các căn cứ pháp lý xác định nguyên nhân cái chết của chị Huyền. Chính vì vậy, bác sĩ Tường đã bị khởi tố theo tội danh “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” quy định tại điều 242 Bộ luật Hình sự, một tội danh nhẹ hơn rất nhiều so với tội “Giết người”. Về bản chất pháp lý, có thể thấy rằng việc áp dụng tội danh theo điều 242 đối với bác sĩ Tường đã thể hiện việc áp dụng nguyên tắc “Suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo” của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Có quan điểm cho rằng khi không tìm được xác nạn nhân thì không chứng minh được nạn nhân đã chết, do đó không có đủ cơ sở pháp lý vững chắc để buộc tội bị cáo Tường. Thông thường, trong các vụ án liên quan đến việc có người chết mà không tìm được xác, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, phía người phạm tội thường đưa ra suy luận này để bào chữa cho mình. Tuy nhiên, trong vụ án cụ thể này, lập luận này không thể gây khó khăn cho HĐXX bởi vì toàn bộ các chứng cứ được thu thập, lời nhận tội của bị can, bị cáo ... đủ cơ sở để HĐXX kết luận chị Huyền đã chết.
Việc chưa tìm được xác nạn nhân chỉ liên quan đến vấn đề xác định nguyên nhân cái chết để định tội danh. Và chính vì chưa xác định được chính xác nguyên nhân cái chết nên bị cáo Tường đang được hưởng nguyên tắc “Suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo” với tội danh “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” quy định tại điều 242 Bộ luật Hình sự, một tội danh nhẹ hơn rất nhiều so với tội “Giết người”.
PV: Theo quan điểm cá nhân của luật sư, các nhà chức trách có nên tìm bằng được thi thể chị Huyền rồi mới đưa bác sỹ Tường ra xét xử hay không?
LS. Bùi Phương Lan: Kể từ khi xảy ra vụ án đến nay đã gần 6 tháng, cả gia đình nạn nhân và các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm xác nạn nhân. Tuy nhiên, đến nay, việc tìm kiếm vẫn không có kết quả. Theo quy định của pháp luật thì tòa án không thể, không cần thiết phải chờ tìm bằng được xác nạn nhân rồi mới đưa vụ án ra xét xử, bởi vì:
Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định về thời gian điều tra, truy tố và xét xử một vụ án hình sự, theo đó, một vụ án hình sự, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, sẽ có một thời hạn tối đa để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử. Khi đến hạn, vụ án phải được giải quyết dứt điểm, không thể chờ đợi được.
Thêm nữa, đối với vụ án này, việc tìm được hay chưa tìm được xác nạn nhân không phải là căn cứ khiến vụ án thuộc trường hợp không thể giải quyết được. Với các chứng cứ đã thu thập được, với việc áp dụng nguyên tắc “Suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo”, việc tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử mà không cần chờ tìm thấy xác nạn nhân là cần thiết và đúng quy định của pháp luật.
Ngay cả trong trường hợp sau khi đã xét xử, kết án các bị cáo mà lại tìm được xác nạn nhân thì pháp luật cũng đã có những quy định để giải quyết trường hợp này. Giả sử trường hợp sau này tìm được xác nạn nhân, tiến hành khám nghiệm, nếu đủ căn cứ chứng minh nguyên nhân nạn nhân chết đúng như lời khai của các bị can, bị cáo, nhân chứng và người liên quan, chứng cứ mới này không làm thay đổi bản chất vụ án thì không ảnh hưởng gì đến bản án đã được xét xử.
Còn trong trường hợp khi tìm được xác nạn nhân, đủ căn cứ chứng minh nguyên nhân cái chết không đúng như các chứng cứ đã thu thập được hiện nay, và điều này làm thay đổi bản chất vụ án, tội danh của các bị cáo thì đây có thể được coi là một chứng cứ mới, chưa được biết vào thời điểm xét xử vụ án, Cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm để hủy bản án, trả hồ sơ về điều tra, xét xử lại.
Xin trân trọng cảm ơn luật sư!