Hạn thế này, nước ở đâu
Ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết, trong một lần tháp tùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm Iceland vào khoảng giữa thập kỷ 1990, thấy nước này sản xuất nhôm ông rất bất ngờ. Tìm hiểu kỹ thì ra, sản xuất nhôm cần một số yếu tố như có nguồn điện, nước dồi dào, thuận tiện về vận tải, vị trí hoang vắng để giải quyết các vấn đề về môi trường... Khi Việt Nam manh nha ý định làm bô-xít, ông và các nhà khoa học đều cho rằng nước ta không có bất kỳ lợi thế nào để làm.
Giờ sau 4 năm, tất cả những cảnh báo đã trở thành sự thật. Mất cân đối về năng lượng và nước là cái có thể nhìn ngay thấy. Để làm ra 1 tấn alumina thì cần 1 tấn than và khoảng 3 - 4m3 nước trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, cả than và nước ở ta ngày càng khan hiếm. Như năm nay Tây Nguyên đang gặp hạn, nước cho nông nghiệp còn thiếu huống hồ cho sản xuất bô-xít.
Chủ đầu tư nói nước từ khâu rửa quặng chờ lắng bùn sẽ được tận dụng đưa vào sử dụng lại. Nhưng đây là lý thuyết, chờ nước lắng hết bùn để sử dụng lại phải đầu tư thêm những công trình kỹ thuật có liên quan, thời gian lắng bùn không ngắn. Nếu nước bùn rửa quặng không xử lý được triệt để mà thải ra các sông lạch, sẽ phát sinh nhiều khốn khó cho nước sinh hoạt và canh tác của nhân dân...
Quang cảnh nhà máy Tân Rai
Rồi vấn đề bùn đỏ, theo lý thuyết, có thể cô bùn đỏ để làm vật liệu xây dựng nhưng đấy chỉ là trong phòng thí nghiệm. Hơn thế, quy trình sản xuất alumina ở Tây Nguyên hiện nay là công nghệ ướt, sẽ phải đầu tư thêm thiết bị để chuyển sang quy trình khô, lại phải tính đến giá thành vật liệu xây dựng làm từ bùn đỏ, chắc chắn không rẻ.
Hiện nay, các nước sản xuất nhôm chủ yếu vẫn sử dụng biện pháp chôn lấp bùn đỏ, do đó địa điểm sản xuất alumina luôn luôn là các vùng thấp, trong các thung lũng, gần biển... Chưa thấy nước nào dám để hồ bùn đỏ treo cao 700 - 800m lơ lửng trên đầu các khu canh tác và có dân cư sinh sống như ở Tây Nguyên...
Cần nghiêm túc
Sau 4 năm có thể nói rằng chủ đầu tư đã không nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc làm thí điểm 2 dự án bô-xít Tây Nguyên. Theo nguyên tắc đã làm thí điểm thì toàn bộ các dữ liệu từ xây dựng, hoàn thiện, vận hành... đều phải được ghi chép và công bố minh bạch, để tính toán thiệt hơn, lỗ lãi, nên hay không nên tiếp tục khai thác bô-xít như cách đang làm...
Tuy nhiên, 4 năm qua, chủ đầu tư nói rằng đấy là bí mật kinh doanh, ngay cả các cơ quan quản lý cũng không được cung cấp các số liệu chính xác về chi phí đầu tư, chất lượng công trình, kết quả nghiệm thu công trình, các số liệu kinh tế kỹ thuật và các đánh giá khác...
Hiện, dù chủ đầu tư không công bố con số tổng đầu tư, nhưng ước tính đã bỏ ra khoảng 1 - 1,2 tỷ USD. Chỉ riêng việc trả lãi gần 4 năm cho vốn vay để xây dựng nhà máy là không nhỏ (lẽ ra không được phép kéo dài quá 2 năm). Ngoài ra, chỉ tính riêng về mặt kinh tế thì giá thành alumina tại nhà máy đã cao hơn giá thị trường khoảng 30 - 40USD/tấn do phải chi phí cho đường vận chuyển quá dài.
Bài toán kinh tế còn thiếu lời giải ở chỗ muốn đưa được 1 - 2 triệu tấn alumina/năm của 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ xuống cảng, ước tính cần đầu tư thêm khoảng 100 - 150 triệu USD hoặc hơn nữa đầu tư ban đầu cho việc sửa chữa lại khoảng 230km đường, và xây dựng lại các cầu thích nghi với loại xe có tải trọng 40 tấn, mở rộng công xuất của cảng...
Việc mở rộng sản xuất alumina 5 - 10 triệu tấn/năm hoặc hơn nữa mà đi đường bộ xuống cảng gần như là chuyện không thể mà mở riêng đường sắt và cảng riêng cho alumina lại phải đầu tư thêm vài tỷ USD nữa. Như vậy, càng nâng cao sản lượng alumina càng không cân đối được nguồn nước ở Tây Nguyên và càng thiếu than, môi trường càng bị tàn phá...