Hôm qua (2/3), không ít người dân Lai Châu đến chợ phiên bằng cách đi men qua lòng suối thay vì qua những chiếc cầu treo.
Sáng 2/3, tại xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu cùng diễn ra hai sự kiện chợ phiên vùng cao San Thàng và khai mạc Lễ hội Tú Tỉ đặc sắc của dân tộc Giáy. Do diễn ra đúng vào ngày chủ nhật nên đã thu hút đông đảo người dân và du khách về đây tụ hội.
Khi phải đối mặt với cây cầu treo ọp ẹp, xuống cấp để đến địa điểm tổ chức lễ hội và chợ phiên tại trung tâm xã San Thàng, hầu hết mọi người đều không dám đi qua. Nhiều người đã lựa chọn giải pháp “an toàn” là lội qua dòng suối cạn khô ngay dưới chân cầu.
Dẫn theo cả 3 con nhỏ đi xem Hội Tú Tỉ, trên đường về, chị Sẻ Thị Nứa ở bản trung tâm xã San Thàng, đã lựa chọn cách địu, dắt các con lội qua suối cạn. Chị Nứa nói: “Biết tin ở Tam Đường xảy ra tai nạn cầu treo, giờ thấy nhiều người đi trên cầu nên sợ không dám đi nữa”.
Ngày 2/3, xã San Thàng đã giao nhiệm vụ cho lực lượng dân quân và công an xã hướng dẫn người dân đi qua cây cầu treo này. Nếu thấy nhiều người cùng qua cầu thì ngăn lại, nhắc nhở, vận động để ít người một qua cầu, không để nhiều người cùng qua cầu một lúc. Nhất là chỉ cho một đến hai hai xe máy đi trên cầu cùng một lúc...
Để chữa “hội chứng sợ cầu treo” ở Lai Châu và có thể ở nhiều nơi khác nữa không thể chỉ bằng vận động mà phải bằng những việc làm thiết thực để giữ an toàn cho dân và dân tin.
Một số hình ảnh người dân và du khách đi qua cây cầu treo ở xã San Thành, TP Lai Châu ngày 2/3:
Không ít người đã quyết định lựa chọn giải pháp "an toàn", không đi trên cầu treo nữa mà lội qua dòng suối cạn khô ngay dưới chân cầu treo, đầy đá tảng, đá hộc.
Những người lựa chọn đi trên cầu đều có tâm trạng lo sợ, ái ngại và bước cẩn trọng nhưng nhanh chóng để qua cầu thật nhanh. Ảnh: Báo Tin tức
Những du khách nước ngoài không bị ám ảnh như những người dân bản địa nên vẫn “bình thường” qua cầu.
Lực lượng dân quân xã San Thàng hướng dẫn người dân qua cầu treo an toàn. Ảnh: Dân Việt