“Chúng tôi không giấu dịch, nếu giấu dịch thì đã không công bố 108 ca tử vong. Nhưng trong y học phải chính xác. Trong số 108 ca tử vong được công bố cần tách ra là có 25 ca tử vong hoàn toàn do sởi, còn các trường hợp khác là tử vong do mắc bệnh khác rồi nhiễm sởi hoặc bị sởi nhẹ nhưng trên cơ địa trẻ bị các bệnh khác như suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh, bệnh chuyển hóa, …" - bà Tiến nói rõ
Trả lời về vấn đề chống dịch có bị chậm trễ không, khi mà dịch xuất hiện từ cuối tháng 12/2013 nhưng đến đầu tháng 2/2014 mới triển khai biện pháp phòng chống, bà Tiến thẳng thắn, không phải Bộ Y tế không chống dịch.
Chiến dịch tiêm sởi có từ trước Tết Nguyên đán 2014 nhiều, khi thanh tra tiêm chủng mở rộng đã có kế hoạch tiêm sởi. Thời điểm cuối năm ngoái Bộ đã làm nhiều chiến dịch khi sởi mới xuất hiện ở miền núi phía Bắc. Các tỉnh đó giờ dịch “hạ nhiệt” rồi, đỉnh dịch bây giờ đang là Hà Nội và TP.HCM (nhưng TP.HCM không có ca tử vong).
Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin đúng lịch, đủ số lượng quy định.
Sau khi đi thị sát tình hình tại BV Nhi Trung ương và có buổi làm việc để tìm ra nguyên nhân khiến dịch sởi diễn biến bất thường, đề ra biện pháp giảm số mắc và số tử vong, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo chí:
Bộ trưởng cho biết hiện nay dịch sởi tại Việt Nam có điều gì đáng lưu ý? Virus sởi có biến đổi độc lực không?
Ca mắc sởi gia tăng nhưng có tính chu kỳ, dịch sởi ở Việt Nam đang lặp lại chu kỳ năm 2009-2010, số mắc không cao bằng nhưng số tử vong lại cao hơn.
Lý do số tử vong cao hơn là vì tất cả bệnh nhân nặng của miền Bắc gần như chuyển hết về BV Nhi Trung ương, các BV khác có bệnh nhân sởi nhưng không có tử vong. Bệnh nhân dồn hết lên đây gây quá tải, dễ nhiễm trùng bệnh viện.
Trong số tử vong được công bố thì cần lưu ý là có những trẻ tử vong trên nền bệnh khác và bị nhiễm sởi, không phải tất cả đều tử vong vì sởi.
Trên cả nước chưa phát hiện chủng virus sởi mới, nhưng độc lực có mạnh hơn hay không thì hiện chưa khẳng định được.
Nhưng con số 108 ca tử vong tại BV tuyến Trung ương - nơi có trình độ chuyên môn, trang thiết bị tốt nhất - cũng là điều rất đáng lo, thưa Bộ trưởng?
Không tin tuyến dưới, bệnh nhẹ cũng đòi chuyển
BV Nhi TƯ đã quá tải nặng hơn 2 tháng nay nhưng công văn và chỉ đạo của Bộ Y tế cũng đã có từ 2 tháng trước. Song có thực tế là các BV vệ tinh cho biết bệnh nhân không chịu vào, có vào thì đều muốn chuyển tuyến (kể cả bệnh nhẹ) nên BV muốn giữ cũng không được. Trong khi đó, nếu lên đến tuyến trên thì cũng không thể từ chối tiếp nhận. Có tình trạng bệnh nhân nhẹ cũng muốn chuyển tuyến và chấp nhận hưởng BHYT ít đi, nhưng nếu không cho chuyển thì họ cũng chấp nhận bỏ BHYT để vượt tuyến – Bộ trưởng Y tế nói.
Đúng là đáng lo, số tử vong năm nay cao bất thường so với các năm trước. Số trẻ tử vong do sởi là 25 ca là một vấn đề đau đớn và tỷ lệ tử vong này là cao ở BV Nhi TƯ.
Sau buổi làm việc sáng nay, vấn đề quan trọng nhất để giảm số tử vong thì phải giảm số mắc bằng cách phải phân tán bệnh nhân ra. Bệnh sởi lây dễ dàng qua đường hô hấp, nếu cứ đổ dồn về BV Nhi Trung ương thì sẽ quá tải, càng dễ lây lan.
Vì thế, Bộ Y tế đã mời cả lãnh đạo các BV như Bạch Mai, Nhiệt đới Trung ương, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa đến để cùng “chia lửa” và hạ hỏa dịch sởi.
Các BV này đều là BV vệ tinh của các BV lớn nên có bác sỹ của tuyến trên ở đó. BV Đống Đa là BV vệ tinh của BV Nhiệt đới TW, bệnh nhân không nhất thiết bị sởi cứ phải vào BV Nhiệt đới TW gây quá tải thêm làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Sởi thông thường là lành tính, nếu bệnh nhẹ chỉ cần chữa ở nhà hoặc tuyến dưới, nguy cơ tử vong cao trên cơ địa viêm phổi, tim bẩm sinh, bệnh chuyển hóa, …
Chất lượng vắc xin và diện bao phủ của tiêm chủng cũng gây băn khoăn, khi có 4,4% trẻ tử vong đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Vắc xin sởi là vắc xin chất lượng rất tốt. Nếu tiêm đúng lịch và tiêm đủ 2 mũi thì hiệu lực bảo vệ là 95%, như vậy vẫn có khoảng 5% trẻ đã tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể mắc sởi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm sởi mũi 1 đạt 97% và mũi 2 thấp hơn, đạt 87%. Đây là tỷ lệ trong giai đoạn này, còn giai đoạn trước đó thì nhiều người do lo ngại vấn đề tiêm chủng nên tỷ lệ có thấp hơn.
Hà Nội chiếm 1/3 số mắc và 1/2 số tử vong do sởi của cả nước
Bộ trưởng Y tế thông tin: Hà Nội là địa phương có số mắc và số tử vong do sởi cao nhất cả nước (riêng số mắc Hà Nội chiếm 1/3 tổng số mắc cả nước và số tử vong là 1/2).
Về vấn đề công bố dịch, Bộ trưởng Y tế cho biết thẩm quyền công bố dịch sởi thuộc về UBND tỉnh, thành phố (theo quy định của Luật phòng chống bệnh Truyền nhiễm). Tại buổi làm việc với Bộ trưởng, khi được hỏi về việc Hà Nội có công bố dịch sởi hay không, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết sẽ xin ý kiến UBND TP Hà Nội rồi mới quyết định.
Tính đến ngày hôm nay (16/4), số mắc sởi được ghi nhận đã tăng mạnh lên con số trên 7.000 người. Ông Nguyễn Văn Kính, GĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đây chỉ là vấn đề thống kê, cập nhật số liệu chứ không có chuyện “tô hồng” thực tế bởi nếu không áp dụng các biện pháp phòng chống thì mỗi ngày số ca mắc có thể rất cao, lên tới cả triệu ca.