Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra sáng nay (26/5), Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã cho biết, tình hình phát triển kinh tế đang đi đúng hướng, bám sát mục tiêu mà trung ương và Quốc hội đã đề ra, đó là ưu tiên phát triển kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ phát triển kinh tế ở mức hợp lý.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2013 giảm 0,06% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng thì chỉ có 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm từ 0,35 – 0,57%; còn lại 8 nhóm hàng công nghiệp và dịch vụ khác, chỉ số giá tiếp tục tăng từ 0,02 – 0,36%; riêng nhóm dịch vụ y tế tăng 1,92%.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam
“Diễn biến kinh tế trong nước và ngoài nước có lúc này lúc khác, nhưng kinh tế của nước ta đang có chiều hướng đi lên, các chỉ số đạt được có nhiều tín hiệu tích cực đáng mừng. Đặc biệt là công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện, như hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho lao động nông thôn, lao động mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, chú trọng thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ cứu đói…
Dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ cũng đang có nhiều cố gắng về mặt chính sách để điều chỉnh lương tới đây, không chỉ với công nhân viên chức nhà nước mà với cả khối doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đam nói.
Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Đam cũng nói về những hạn chế trong công tác điều hành của Chính phủ, đó là: “Chính sách lớn thì có, nhưng để đi vào cuộc sống thì chậm và cần phải khắc phục khó khăn để làm nhanh hơn, tốt hơn.
Thí dụ, việc ra đời Công ty Quản lý nợ đã có chủ trương thực hiện cách đây một thời gian nhưng vừa rồi mới thực sự được triển khai; Những gói hỗ trợ nông dân còn chậm, xử lý nợ xấu cũng chậm, mặc dù Chính phủ đã đôn đốc các bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết”.
Theo người phát ngôn của Chính phủ, các số liệu về xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nhưng nếu không quyết liệt hơn mà để cho những điều này chững lại thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng vĩ mô và ảnh hưởng tới cả cấu trúc nền kinh tế.
“Chúng tôi mong muốn, nhân dân sẽ cùng với các nhà khoa học, các doanh nghiệp phối hợp với chính phủ đề cùng đẩy lùi khó khăn, mang lại nhiều kết quả tổt đẹp hơn cho nền kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Đam nói”, Bộ trưởng Đam nói.
Trước những thông tin cho rằng, nguy cơ “thiểu phát” đã hiện hữu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay: “Đối với Chính phủ thì lạm phát hay thiểu phát thì đều đáng lo, có lần tôi đã nói rằng lạm phát thì như là ‘sốt nóng’ còn thiểu phát như ‘sốt rét’.
Có chuyên gia đã phân tích cho rằng nguy cơ thiểu phát đã hiện hữu, và nguy cơ lạm phát có thể trở lại, không được chủ quan… năm ngoái chúng ta cũng đã có một giai đoạn ngắn các chỉ số giá tiêu dùng giảm và đã có ý kiến cho rằng sẽ có thiểu phát, thậm chí có ý kiến suy diễn cho rằng sẽ dẫn tới suy thoái nền kinh tế, thậm chí suy thoái kép, nhưng đúng một tháng sau thì chúng ta lại thấy nguy cơ lạm phát rất rõ.
Trước tình hình hiện nay, Chính phủ vẫn đang kiên định mục tiêu Quốc hội thông qua, đó là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý”.
Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đức Đam cũng đã khẳng định số liệu Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 này là hoàn toàn trung thực.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: “Báo cáo ra Quốc hội, báo cáo lên Chính phủ, và thông tin tới báo chí tại các cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ đều thông qua một quy trình kiểm duyệt hết sức chặt chẽ. Phần nhiều các số liệu trong báo cáo được lấy từ các cơ quan thống kê của nhà nước, mà việc tập hợp, thống kê các số liệu ấy đều được thực hiện theo quy định của luật rất chặt chẽ.
Tôi nói phần lớn là vì có một vài số liệu mang tính điều hành không lấy từ số liệu thống kê vì số liệu thống kê thì phải chờ tới định kỳ để thống kê. Nhưng về cơ bản các số liệu khi được báo cáo ra Quốc hội, ra trung ương đều được xem xét hết sức thận trọng, có báo cáo của các bộ, ngành bằng các văn bản quy phạm pháp luật rất chặt chẽ.
Số liệu báo cáo như thế nào thì Chính phủ báo cáo chính xác với Quốc hội như vậy, còn các số liệu ấy có đáng tin cậy hay không thì nếu có ý kiến phân tích và chỉ ra, Chính phủ hết sức cầu thị và sẽ xem xét lý do là vì sao, nếu do công tác thống kê có vấn đề gì thì phải chấn chỉnh. Đây là việc làm rất thường xuyên và Chính phủ hết sức quan tâm.
Tôi xin nói thêm, cách đây vài tháng, trong một cuộc họp rất sôi nổi tại Chính phủ thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận trách nhiệm là có số liệu thống kê chính xác về tình hình doanh nghiệp, và sau vài tháng thì ngành kế hoạch đã có một bảng thống kê tình hình cụ thể tới từng doanh nghiệp.
Chính phủ luôn sát sao với các số liệu thống kê, bởi vì nếu số liệu thống kê không đúng thì chính sách có khi là sẽ không trúng. Tôi xin khẳng định rằng Chính phủ không bao giờ tô hồng số liệu, không bao giờ báo cáo không trung thực với Quốc hội.
Chính phủ luôn nghiêm khắc nhìn nhận thẳng vào những yếu kém để rút kinh nghiệm, làm tốt hơn. Chúng tôi xin tiếp tục tiếp thu các ý kiến, không chỉ về số liệu thống kê mà cả các mặt khác để khắc phục những gì Chính phủ còn yếu kém”.