Xung quanh việc Bộ Công an ban hành Thông tư 11 và 12 khẳng định sẽ phạt xe không sang tên đổi chủ từ ngày 15/4 tới đây là trái với quyết định của Thủ tướng, phải đến hết năm 2014 mới xử phạt, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại Điều lệ An toàn giao thông đường bộ được ban hành từ năm 1995 đã quy định xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông không đăng ký chính chủ.
10 năm sau, tức năm 2005, Nghị định 71/CP ra đời quy định rõ nghĩa vụ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới là đối tượng phải đăng ký sở hữu tài sản. Tức là chuyển từ việc xử phạt đối tượng điều khiển sang xử phạt đối với chủ phương tiện.
"Bản thân nghị định quy định đúng nhưng CSGT đã hướng dẫn không sát tinh thần như vậy, quay sang truy người điều khiển phương tiện giao thông về nguồn gốc của phương tiện giao thông mình đang điều khiển.
Trong khi quy định về phương tiện giao thông cơ giới được quy định bởi Bộ Luật dân sự nhưng việc sửa sai cần theo từng giai đoạn.... Vì thế Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng phải có kế hoạch rất cụ thể vừa tạo điều kiện cho người dân khắc phục lỗi này”, Bộ trưởng Đam nói.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Khi cần đăng ký chính chủ thì đương nhiên phải đi kèm với chế tài xử phạt và việc xử phạt vi phạm phải đúng đối tượng là phải chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển".
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam:“Theo thống kê chưa chính xác, hiện cả nước có hơn 10 triệu phương tiện giao thông đang vi phạm quy định – xe không chính chủ.
Hiện lực lượng Công an không phạt người điều khiển mà chỉ kiểm tra chủ phương tiện. Không phải cứ đụng vào phương tiện vi phạm nào là phạt ngay mà cái chính là tạo điều kiện cho dân đăng ký lại.
Nếu thủ tục này thuận lợi mà chi phí không đáng kể thì người dân chấp nhận. Quan trọng là làm sao không tái phạm mới”.
Bộ trưởng Đam cũng nhấn mạnh, hiện Chính phủ đã chỉ đạo bộ Công an cùng với các bộ ngành liên quan có giải pháp cụ thể để giải quyết việc tồn trên 10 triệu xe không chính chủ.
"Hiện bộ Công an và bộ GTVT đang tiến hành soạn thảo nghị định sửa đổi và đang lấy ý kiến nhân dân. Chính phủ sẽ bàn bạc với tinh thần quản lý tốt xã hội hơn nhưng phải tạo thuận lợi cho người dân và khắc phục những tồn tại của nhiều năm trước đây, mà những tồn tại này do hai phía, một phía do lỗi của người dân và một phía do lỗi ở quy định của Nhà nước”, Bộ trưởng Đam cho hay.
Liên quan tới việc tàu cá Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc sử dụng vũ lực uy hiếp, đặc biệt là vụ bắn cháy tàu cá Quảng Ngãi vừa qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam phản đối các hành động vi phạm không những chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm nguyên tắc luật pháp quốc tế, tuyên bố DOC về ứng xử trên Biển Đông và tính vô nhân đạo của những hành vi như vậy. Việt Nam đã có phản đối chính thức như lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Chia sẻ với những rủi ro mà ngư dân phải gánh chịu khi đánh bắt trên biển, ông Đam cho hay, chủ trương chung của Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ để ngư dân khai thác nguồn lợi chính đáng của đất nước.
"Ngư dân bỏ lưới ra thì không biết làm gì để sống. Vì thế, Chính phủ đã giao cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn nữa để bà con ngư dân tiếp tục phát triển nghề của mình", ông Đam nói.