Thế nào là lãng phí?
Trong phần chất vấn của mình, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nêu:
“Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có thể giúp Chính phủ tính toán định lượng được những thất thoát, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.
Nhất là thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước... Có thể ước tính được những thất thoát, lãng phí đó chiếm bao nhiêu phần trăm GDP trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, từ năm 2011 đến nay?”.
Trả lời câu hỏi này của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: “Đây là câu hỏi mà đại biểu rất hiểu, vì anh Nguyễn Văn Phúc là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoạt động trong lĩnh vực này nhiều năm”.
Bộ trưởng Vinh nêu lại câu hỏi, có thể tính toán định lượng hay không?
"Có thể, tuy nhiên khó chính xác! Lãng phí, thất thoát trong việc quản lý các nguồn lực của nền kinh tế là rất rộng.
Hay cụ thể hơn là thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn Nhà nước vẫn còn nghiêm trọng, chưa kiềm chế được.
Chúng ta đã và đang làm rất quyết liệt, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương tích cực vào cuộc để ngăn chặn, nhưng lãng phí, thất thoát trong lĩnh vực này còn lớn, không chỉ đầu tư xây dựng cơ bản mà kể cả trong doanh nghiệp nhà nước.
Lớn là bao nhiêu thì không đơn giản mà định lượng được", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, tại kỳ họp thứ 6, cách đây 2 năm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng đề nghị cho biết thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả của các dự án, công trình diễn ra ở địa phương nào?
"Tôi đã làm công văn đề nghị các địa phương, các bộ ngành báo cáo. Sau 7 tháng thì chỉ có 5 tập đoàn lớn, 7 địa phương báo cáo kê khai danh mục công trình có lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả, nhưng con số đó không phản ánh hết”, Bộ trưởng Vinh nói.
Bộ trưởng Vinh cũng cho hay, đến nay ba Bộ có thể giúp Chính phủ tính toán, nhưng phải có thời gian và biện pháp tính toán.
Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Vinh nêu thêm câu hỏi: "Thế nào là lãng phí? Tôi báo cáo với Quốc hội, trước đây ở Quốc lộ 70, Công an Lào Cai bắt được một vụ đội trưởng đội thi công rút bớt thép chân cầu.
Đội trưởng là kỹ sư xây dựng, anh ta khai tôi rút bớt vì thiết kế thừa, có rút đi cũng không sao.
Vấn đề là tại sao vậy? Vì thiết kế ăn theo tổng giá trị công trình, tổng to thì ăn theo phần trăm càng lớn. Cơ quan thẩm định thiết kế dự toán cũng không phát hiện ra.
Đội trưởng đội thi công thì đảm bảo có rút cũng không sập. Cho nên lãng phí, thất thoát ngay cả trong lên dự án, thẩm định tổng mức đầu tư chứ không chỉ trong thi công bị rút bớt”.
Trách nhiệm thuộc Bộ nào?
"Về thất thoát thì phải căn cứ vào số liệu của kiểm toán, của thanh tra, nhưng con số đó không đủ. Trong sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì ngay cả đi học tập nước ngoài mà không hiệu quả cũng là lãng phí, mua sắm gửi giá cũng là thất thoát.
Đất nước muốn phát triển thì những vấn đề nhức nhối như vậy phải ngăn chặn, từng công việc phải siết chặt lại", Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Vinh, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vấn đề, nhưng Bộ kế hoạch - đầu tư quản lý Nhà nước, các bộ chủ quản quản lý công trình, phải chịu trách nhiệm quản lý đồng tiền xem có lãng phí hay không. Khâu thẩm định do Bộ Xây dựng.
Hay như đại biểu nào nói ký túc xá sinh viên ở Đà Lạt (xây dựng hàng trăm tỉ chỉ có một sinh viên đăng ký ở) thì đó là Bộ Xây dựng quản lý.
Cho nên, các Bộ chủ quản phải cùng với Bộ Kế hoạch -đầu tư, các địa phương siết chặt lại các quy định.
Trở lại phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Dũng cho rằng, trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực này liên quan đến việc xây dựng công trình, nghĩa là tiền bỏ ra xây dựng có hiệu quả hay không.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay: "Chưa có một số liệu chính xác và nghiên cứu toàn diện trong thất thoát thuộc lĩnh vực xây dựng là bao nhiêu phần trăm. Nhưng thất thoát là có thật và đây là vấn đề hết sức bức xúc".
Theo người đứng đầu ngành Xây dựng, sau khi có Nghị định 15 của Chính phủ, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành thẩm định giá trị gói thầu nhưng nếu đấu thầu không được minh bạch sẽ xảy ra thất thoát.
Ông Trịnh Đình Dũng cho rằng: "Chính vì vậy phải kiểm soát chặt chẽ về dự toán công trình. Qua kiểm tra số liệu dự toán ban đầu của các địa phương báo cáo, năm 2013 đã cắt giảm được 9,3%, năm 2014 là 5,39%, trong 9 tháng đầu năm nay cắt giảm được 5,66%.
Đây là số liệu cắt giảm được trong các tờ trình cơ quan Nhà nước thẩm định để thực hiện đấu thầu".