Bộ trưởng Thăng truy trách nhiệm cao tốc đội giá 5.000 tỷ đồng

Sau kết luận cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đội giá lên 2,5 lần của kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã vào cuộc, làm rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân liên quan.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam, nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư từ 2005, theo hình thức vừa thiết kế vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng. Dự án được đưa vào khai thác từ năm 2012. Dự án do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Ngay sau kết luật của tổng kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để truy rõ trách nhiệm cụ thể, công khai minh bạch toàn bộ các vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Thăng giao Thanh tra Bộ GTVT rà soát lại toàn bộ kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Trước mắt “tổng tư lệnh” ngành giao thông yêu cầu thuê một đơn vị kiểm định độc lập của Bộ Xây dựng để kiểm định toàn bộ dự án.

Toàn bộ những trường hợp không đạt yêu cầu, phía nhà thầu phải khắc phục, nếu không khắc phục được thì thanh toán theo giá thực tế khối lượng. Người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu Thanh tra Bộ cùng với chủ đầu tư VEC làm rõ trách nhiệm của các công ty, đơn vị, cá nhân liên quan, đặc biệt khi nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán.

Đề nghị giải trình rõ những nội dung kiểm toán nhà nước yêu cầu, ông Thăng cũng đề nghị tất cả những công việc trên phải hoàn thành và báo cáo Bộ trong tháng 4/2014.

Đối với VEC cùng các đơn vị thuộc bộ, Bộ trưởng Thăng đề nghị tiếp thu kết luận của các cơ quan nhà nước, không được đổ thừa cho các yếu tố khách quan và không được lặp lại những khuyết điểm như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Sau hàng loạt vụ việc tiêu cực, Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ xử lý thế nào đối với cán bộ sai phạm? (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Trước đó sau khi vào cuộc thanh kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận công trình cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đội giá lên mức 2,5 lần so với kế hoạch đầu tư ban đầu: từ 3.734 tỉ đồng lên mức 8.974 tỉ đồng.

Ngay sau kết luận này, VEC đã phản pháo kết luận trên, và cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là điều bất khả kháng với các lý do như chậm giải phóng mặt bằng, chịu lãi suất cao, chi phí vật liệu tăng…

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng ngành giao thông đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm. Từ vụ sập cầu Chu Va 6 làm hàng chục người chết, đến vụ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đội giá 2,5 lần, rồi ngay sau đó là vụ nghi án nhận hối lộ 80 triệu Yên của quan chức ngành đường sắt.

Đa số các vụ việc đều có liên quan đến vấn nạn tiêu cực, tham nhũng vốn thường xuyên xuất hiện trong các dự án giao thông.

Trước hàng loạt các vụ việc xảy ra, dư luận đang chờ đợi xem “tổng tư lệnh” ngành giao thông sẽ xử lý thế nào đối với những cán bộ thuộc cấp liên quan đến những vụ việc tiêu cực nổi cộm trong thời gian qua.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại