Dù còn rất nhiều việc phải làm mới có thể giảm được 5 phút bay, Cục Hàng không VN vẫn đề xuất tiếp tục nghiên cứu đường bay thẳng. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đồng ý với đề xuất này.
Bay thử như bay thật
3h sáng ngày 4/9, PV Báo Giao thông có mặt tại Trung tâm huấn luyện của Vietnam Airlines chứng kiến Tổ lái gồm Phó trưởng Ban An toàn chất lượng & An ninh của Vietnam Airlines Đinh Đức Tuấn, phi công huấn luyện bay A321 Trần Lê Vân Tùng cùng thanh tra bay Nguyễn Trung Kiên của Cục Hàng không Việt Nam thử nghiệm đường bay thẳng. Trên hệ thống buồng lái giả định (SIM) của máy bay A321, các phi công chở theo 10 tấn hàng (tương đương 150 hành khách) bay thực nghiệm đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất (còn gọi là đường bay “vàng”).
Trước giờ bay, tổ lái dành 15 phút để nhập các thông số để đường bay tối ưu và hiệu quả nhất, trong đó có việc bỏ qua mực bay thấp qua không phận Lào mà bạn đang khống chế (FL 240 - FL 280 tương đương 7.300m đến 8.500m); Bỏ qua các khu vực hạn chế bay thuộc quân đội quản lý, chọn mực bay tối ưu là khoảng 35.000 feet (10.668m) đồng thời bay theo phương thức tiếp cận cất hạ cánh tại sân bay hoàn toàn mới. Trao đổi với phóng viên, một phi công ví von, việc bay thử nghiệm đang được thực hiện trong các điều kiện hoàn hảo.
Trong vòng bốn tiếng, các phi công đã bay thử nghiệm đường bay thẳng chưa có trong thực tế và đường bay hiện nay các hãng hàng không đang bay giữa Hà Nội và TP HCM để so sánh. Ngoại trừ mực bay và đường bay mới, các thông số còn lại đều giống nhau từ trọng tải, tốc độ, mức nhiên liệu, sức gió… đến phương thức cất hạ cánh, bay bằng và động tác dừng lại trên đường băng. Kết quả cho thấy bay theo đường bay mới, đồng hồ máy bay báo tổng thời gian bay là 1giờ43 phút cho đường bay dài 643 dặm (1.190 km) với mức nhiên liệu tiêu thụ là 4.140kg.
Với các thông số tương tự, đường bay thực tế Nội Bài - Tân Sơn Nhất đang sử dụng cho ra kết quả 1giờ 48 phút bay với quãng đường 689 dặm (1.276km) và mức tiêu hao nhiên liệu là 4.330kg. Như vậy, đường bay thẳng qua không phận Lào, Campuchia nhanh hơn 5 phút, tiết kiệm 190 kg (giá nhiên liệu 1.000 USD/tấn) so với đường bay hiện hữu. Lãnh đạo Trung tâm huấn luyện bay cho biết, kết quả bay trên buồng lái giả định (SIM) cho ra kết quả chính xác như bay thực tế.
Tiếp tục nghiên cứu đường bay thẳng
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh nêu rõ, khi triển khai phương án hàng không thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua Lào, Campuchia cần giải quyết một số vấn đề như phía bạn hạn chế mực bay, vùng trời trong nước còn bị hạn chế bởi các khu vực huấn luyện, cấm bay của không quân…
Đặc biệt, phát sinh phí bay quá cảnh qua Lào và Campuchia là 650 USD/lượt tàu bay A321 khiến chi phí tiết kiệm chưa đủ bù đắp chi phí tăng thêm. Do vậy, để tiếp tục nghiên cứu đường bay này, cần Bộ Quốc phòng tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn về quản lý vùng trời, điều hành bay, cần tiếp tục đàm phán với Lào và Campuchia giảm giá điều hành bay.
Song hành với đó, tổ công tác thực hiện đường bay thẳng sẽ tiếp tục xây dựng, cụ thể hóa phương án đường hàng không và phương thức bay; Lấy ý kiến của các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng, các hãng hàng không Việt Nam; đàm phán, thỏa thuận với các đối tác Lào và Campuchia về thông số kỹ thuật cụ thể của đường hàng không, phương thức điều hành bay, phối hợp điều hành bay, các điểm giao cắt, các điểm chuyển giao biên giới của đường hàng không.
Được biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đồng ý với đề xuất tiếp tục nghiên cứu đường bay thẳng của Cục Hàng không VN. Trước đó, trong công văn gửi Thủ tướng, Bộ trưởng đã đề nghị được chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan phụ trách về hàng không dân dụng của Lào, Campuchia và Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện việc xem xét mở đường hàng không thẳng Hà Nội - TP HCM trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hoạt động bay, hiệu quả kinh tế. Mục tiêu là giảm thời gian bay, tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không, thời gian đi lại cho hành khách, giảm khối lượng khí thải, giảm mật độ bay dân dụng trên trục Bắc - Nam trong vùng trời VN...