Trao đổi với báo chí chiều 3/1, Bộ trưởng Thăng cho rằng hiện nay trách nhiệm về phương tiện cháy nổ không thuộc về ai, chứng tỏ có khoảng trống về phát luật. Ông yêu cầu phải có cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này.
“Từ năm 2012 với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải chịu trách nhiệm khi xe cháy nổ. Chúng ta không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng khi xe cháy nổ thì phải có cơ quan chịu trách nhiệm”, ông nói.
Để cụ thể hóa trách nhiệm của những người liên quan, Bộ trưởng Thăng giao lãnh đạo Cục Đăng kiểm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để xác định rõ trách nhiệm đăng ký đăng kiểm, kiểm tra kiểm soát phương tiện.
Cháy xe Attila Elizabeth hồi tháng 9/2011 ở TP Bắc Giang. Ảnh: T.D.
Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Đăng kiểm, để ngăn ngừa phương tiện cháy nổ, Cục đề xuất các biện pháp như ngành công an cung cấp thông tin khi xảy ra các vụ cháy nổ xe máy để ngành đăng kiểm đưa ra giải pháp tốt hơn; tăng cường quản lý cơ sở bảo dưỡng, bảo hành xe, có quy chuẩn nhất định đối với các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa xe máy; nghiên cứu và ban hành thêm các vật liệu chống cháy để lắp trên ôtô và xe máy.
Theo Lãnh đạo Cục Đăng kiểm, năm 2010, Hà Nội xảy ra 42 vụ cháy ôtô và xe máy; năm 2011 xảy ra 89 vụ ôtô và xe máy. Phương tiện bị cháy nổ có nhiều nhãn hiệu.Các nguyên nhân được xác định như: với xe máy, cháy nổ do chập điện chiếm 11%, va chạm chiếm 4,6%, cố ý đốt xe chiếm 2%, chưa rõ nguyên nhân chiếm 72%.
Với ôtô, chập điện chiếm 6%, va chạm chiếm 4%, tiếp xúc với vật dễ cháy chiếm 8%, do hỏa hoạn chiếm 28%, chưa rõ nguyên nhân chiếm 50%. Xe ôtô cháy do nguyên liệu dầu diezen chiếm 70% và xăng chiếm 30%.
Sau khi xảy ra nhiều vụ cháy nổ xe cơ giới, ngành đăng kiểm đã có văn bản gửi Viện khoa học hình sự đề nghị thông báo kết quả giám định; yêu cầu các cơ sở sản xuất kiểm soát chất lượng và báo cáo xe cháy nổ với nhãn hiệu của mình; khuyến cáo người sử dụng không lắp đặt các thiết bị, phụ tùng không rõ nguồn gốc.
Theo Đoàn Loan
VNE