Bộ trưởng Phát đề nghị sửa luật Hình sự để "xử thực phẩm bẩn"

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Phát kiến nghị với Quốc hội khi xem xét Bộ luật Hình sự đề nghị sửa đổi Điều 155 về sử dụng chất cấm và Điều 244 để có cơ sở mạnh xử lý an toàn thực phẩm.

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi, trồng trọt, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết:

Về thực trạng này, Bộ đã xác định toàn ngành là phải cố gắng hết sức mình, làm tất cả những gì làm được theo quyền hạn và trách nhiệm để chấn chỉnh tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...

Trong đó, tập trung vào 5 nhóm giải pháp: tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách; hỗ trợ nhân dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và vật tư chất lượng tốt; kiểm tra giám sát xử lý vi phạm...

"Các giải pháp đó chúng tôi đang triển khai thực hiện nhiều năm và có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, có một số mặt cải thiện nhưng chưa bền vững. Gần đây tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã được phát hiện.

9 tháng đầu năm, qua giám sát có 1% thuỷ sản, 10% rau và 7,6% thịt có dư lượng vượt mức cho phép. Vấn đề là nhân dân không phân biệt được chỗ nào an toàn, không an toàn nên có cảm giác hầu hết là không an toàn.

Thực tế không phải như vậy. Con số tôi nêu là cao. Nên cần phải nỗ lực giảm, đồng thời làm để nhân dân có thể phân biệt được đâu là an toàn, là không an toàn", Bộ trưởng Phát nói.

Về nguyên nhân chính của thực trạng này, theo Bộ trưởng Phát không phải do thiếu quyết tâm.

"Quyết tâm trong lãnh đạo Chính phủ rất quyết liệt, địa phương cũng vậy. Cơ sở pháp lý đã đầy đủ, nhưng chính là việc triển khai hướng dẫn tổ chức sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân chưa đủ sâu rộng để tạo ra sự chuyển biến căn cơ.

Mặt khác, bộ máy và nguồn lực thực hiện công việc cũng hạn chế", ông Phát nêu.

Vị Bộ trưởng này cũng nhấn mạnh, giải pháp trong giai đoạn tới là tiếp tục thực hiện 5 khâu công việc như đã báo cáo, đặc biệt chú trọng sản xuất theo chuỗi, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm vi phạm.

Theo Bộ trưởng, trước sự quyết liệt cơ quan chức năng, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm, đặc biệt ở phía Nam.

Xét nghiệm bình quân trước đây các mẫu dương tính là 16%, tháng này còn 3-4%; tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy; cần sự phối hợp mạnh mẽ các ngành, các cấp và các đoàn thể.

"Dùng chất cấm, phun thuốc bừa bãi không thể nào qua mắt được nhân dân. Các đoàn thể có thể giúp chúng tôi thể hiện rõ trách nhiệm của mình", ông cho hay.

Bộ trưởng cũng kiến nghị với Quốc hội khi xem xét Bộ luật Hình sự đề nghị sửa đổi Điều 155 về sử dụng chất cấm và Điều 244 để có cơ cơ sở pháp lý mạnh xử lý vi phạm nghiêm trọng và an toàn thực phẩm.

đại biểu trần ngọc vinh
 
Từ cuộc sống hàng ngày và phản ánh của cử tri, tôi nhận thấy, vấn đề này không những không giảm mà có chiều hướng gia tăng về số lượng, mức độ nguy hiểm như thịt lợn chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất, chứa thuốc trừ sâu. Rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi con người chúng ta chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại