Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lên tiếng về đề án tích hợp môn Lịch sử

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, môn Lịch sử không bị coi nhẹ mà ông khẳng định được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.

Chiều nay (16/11), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội xung quanh đề án tích hợp môn Lịch sử - vấn đề gây xôn xao thời gian qua.

Không xem nhẹ môn Lịch sử

Về câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đặt ra liên quan đến đề án tích hợp môn Lịch sử, Bộ trưởng Luận cho rằng, dư luận quan tâm đến môn Lịch sử vì không thấy tên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục mới.

Việc này tập trung chủ yếu vào chương trình phổ thông trung học, còn chương trình tiểu học, trung học cơ sở thì đều được nhất trí.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Luận nhấn mạnh: "Thứ nhất, môn Lịch sử không bị coi nhẹ mà chúng tôi khẳng định được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.

Theo ban soạn thảo báo cáo mà chúng ta đã kiểm tra, hiện các cháu ở THPT đang học 1,5 tiết/tuần học, trong thiết kế chương trình dự thảo sửa đổi đang lấy ý kiến các cháu không chuyên ban thì học bình quân 2,5 tiết Lịch sử/ tuần, tăng 1 tiết so với trước.

Còn các cháu học phân ban khoa học xã hội thì học 4 tiết/ tuần và tất cả đều bắt buộc. Như vậy, nội dung, khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên".


Đại biểu Lê Văn Lai.

Đại biểu Lê Văn Lai.

Bộ trưởng cũng giải thích vì sao lại có việc đưa vào môn Giáo dục công dân và Tổ quốc.

"Theo tinh thần chủ trương tích hợp và trong Luật Giáo dục quốc phòng an ninh mà Quốc hội thông qua thì có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử dựng nước, quốc phòng.

Anh em dự kiến đưa vào chỗ đó để tránh trùng lặp. Ngoài nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần giáo dục công dân với Tổ quốc, ở các môn học khác chúng tôi dự kiến có giảng dạy Lịch sử.

Ví dụ, trong Văn học cũng gắn với Lịch sử. Chúng ta dạy các cháu về Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo... mà không gắn với lịch sử thì không hiểu, tập trung được.

Trong Địa lý cũng gắn với Lịch sử, đây không phải là tên đất, tên đảo mà còn gắn với chiến công, quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc của cha ông, đối với vùng đất đó, bao gồm cả đất nước, từng khu vực, tỉnh, thành phố.

Giáo dục âm nhạc, mỹ thuật cũng gắn kết, hỗ trợ cho giáo dục lịch sử. Ví dụ, bây giờ chúng ta dạy các cháu cảm thụ bài hát "Câu hò bên bến hiền lương, Xa khơi"... nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không hiểu, cảm thụ được.

Rất nhiều môn học cũng làm giáo dục lịch sử, hỗ trợ lịch sử. Tóm lại, trong dự thảo không có ý giảm, không bắt buộc môn Lịch sử mà vấn đề cần thảo luận là ở chỗ, cần để riêng một môn Lịch sử hay để Lịch sử gắn bó với các môn khác.

Tôi nghĩ đó là vấn đề thật sự cần thảo luận còn khối lượng, kiến thức đã có rồi", ông Luận bày tỏ,

Cũng theo Bộ trưởng Luận, dự thảo hiện nay là do ban soạn thảo chương trình dự thảo sau khi thông qua rất nhiều các hội thảo với tất cả các đối tượng, các chuyên gia lịch sử cũng tổ chức 3 hội thảo ở Hà Nội.

 Ban soạn thảo và Bộ đang lắng nghe ý kiến rộng rãi 

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Bộ trưởng nói ngắn gọn, không giải trình dài và Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc lại câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai đưa ra trong phiên họp buổi sáng.

"Môn lịch sử sắp tới đây, theo quan điểm của Bộ trưởng còn được là môn độc lập trong sách giáo khoa không? chứ không nói tích hợp gì", Chủ tịch Hùng nêu.

Bộ trưởng Luận trả lời: "Hiện nay, ban soạn thảo và Bộ đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiếp thu, chúng tôi dự kiến sẽ có báo cáo làm việc với Ban Tuyên giáo TƯ, Hội đồng lý luận TƯ, Hội đồng QG giáo dục, Ủy ban VH, GD, các Hiệp hội. Sau đó, sẽ báo cáo với Thủ tướng CP.

Quan điểm, nếu tích hợp làm nhẹ môn học mà không tăng được chất lượng học thì không tích hợp. Còn việc tích hợp mà vẫn đảm bảo thì sẽ cho làm.

Chỗ này, chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia giáo dục và các chuyên gia lịch sử để có kết luận cuối cùng".

Về bản dịch mới của bài thơ Nam Quốc sơn hà ở thời Lý Thường Kiệt đang gây ra nhiều ý kiến tranh cãi, Bộ trưởng Luận cho hay, văn bản này xuất hiện lần đầu từ sách giáo khoa từ năm 2003 và tiếp tục được xuất bản những năm gần đây.

"Tôi không có cơ hội biết được năm 2003 vì lý do như thế nào để làm nhưng tôi xin khẳng định ý kiến cá nhân tôi là nếu thay đổi không cần thiết, không đem lại hiệu quả cao thì chúng tôi không thực hiện", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu thêm ý kiến, ĐB Lê Văn Lai nêu ý kiến: "Thời lượng chỉ là một yếu tố chứ còn nhiều vấn đề khác. Thầy giáo nào có thể dạy được môn tích hợp này, việc chuẩn bị của Bộ chưa đáp ứng được...".

Đại biểu Lai cũng cho rằng, khi môn Lịch sử được dạy bài bản, theo cách truyền thống mà vấn còn những hạn chế thì việc tích hợp không biết sẽ như thế nào.

Về bản dịch bài thơ Nam Quốc sơn hà, đại biểu Lai nhắn nhủ, Bộ trưởng nghe rồi, đã được Đại biểu quốc hội thông tin rồi thì sẽ có ý kiến như thế nào và tại sao phải đổi bản dịch đi vào lòng dân...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại