Bộ trưởng không thể là 'góc khuất'

Việc quá đề cao vị trí của bộ khiến địa vị pháp lý của bộ trưởng trở thành "góc khuất" của chế định bộ, thậm chí "tập thể lãnh đạo bộ" có xu hướng lấn át bộ trưởng như hiện nay khiến không phát huy tối đa tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của bộ trưởng.

Tại hội thảo "Chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp" do Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 8/3, nhiều ý kiến xoáy vào vai trò của bộ trưởng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn , thực tế hiện nay chưa có sự phân định rõ ràng giữa "bộ" và 'bộ trưởng", còn có sự nhầm lẫn giữa khái niệm "bộ" với "bộ trưởng".

Bộ trưởng là người đứng đầu cơ quan quản lý có thẩm quyền riêng (thẩm quyền của cá nhân người đứng đầu ngành, lĩnh vực). Bộ là khái niệm chỉ một cơ quan mà người đứng đầu là thành viên Chính phủ, hoạt động theo chế độ thủ trưởng.

Bộ trưởng không thể là 'góc khuất'
 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Khải - Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, mặc dù Hiến pháp 1992 chỉ quy định bộ, cơ quan ngang bộ là đối tượng quản lý của Chính phủ, nhưng luật Tổ chức Chính phủ và các nghị định của Chính phủ lại quá đề cao vị trí của bộ, xem nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng như nhiệm vụ 'phái sinh" của bộ. Do đó, trên thực tế, địa vị pháp lý của bộ trưởng trở thành "góc khuất" của chế định bộ.

"Chính vì lẽ đó, trách nhiệm của bộ trưởng chưa được khẳng định với tư cách là thành viên Chính phủ do Thủ tướng giới thiệu, Quốc hội phê chuẩn và chịu trách nhiệm chính trị trước quốc dân đồng bào và người đứng đầu hành pháp (Thủ tướng). Định chế bộ cần khẳng định là cơ quan của Chính phủ, giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chứ không phải bộ, thậm chí "tập thể lãnh đạo bộ" có xu hướng lấn át bộ trưởng như hiện nay" - tham luận của TS Khải nêu.

GS.TS Phạm Hồng Thái (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ ra: Nếu trong thành phần của Chính phủ có nhiều phó thủ tướng cũng dễ dẫn đến tình trạng phó thủ tướng 'làm thay" bộ trưởng.

"Thực tiễn đã chứng minh rằng nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền bộ trưởng - thủ lĩnh ngành nhưng khi có quyết định lại phải xin ý kiến của phó thủ tướng. Cơ chế này làm cho hoạt động hành chính nhà nước bị chậm trễ và cũng dễ dẫn đến tình trạng bộ trưởng 'đẩy việc lên trên' để tránh trách nhiệm" - ông Thái cho hay.

Đề cao trách nhiệm bộ trưởng

Theo ông Phạm Tuấn Khải, sửa Hiến pháp lần này cần thể hiện nguyên tắc "kết hợp chế độ tập thể với chế độ Thủ tướng, trong đó đề cao vai trò cá nhân Thủ tướng, các bộ trưởng". Đây là nguyên tắc hiến định của nhiều hiến pháp trên thế giới.

Mục đích của nguyên tắc này là kích thích tinh thần trách nhiệm chung của các thành viên Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của hành pháp, vai trò lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng - người đứng đầu Chính phủ và cá nhân bộ trưởng trước Chính phủ, Thủ tướng và trước bộ, ngành mình phụ trách.

Bộ trưởng không thể là 'góc khuất'
Cần xác định Chính phủ là một tập thể mạnh khi các thành viên có chung lợi ích và trách nhiệm cao trước tập thể. Ảnh: Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nó sẽ giúp tránh tình trạng bộ trưởng chỉ biết việc của bộ, ngành mình hoặc nếu tham gia tư cách thành viên Chính phủ chỉ "cưỡi ngựa xem hoa" hoặc "có liên quan thì tham gia".

"Cần xác định Chính phủ là một tập thể mạnh khi các thành viên Chính phủ có chung lợi ích và trách nhiệm cao trước tập thể Chính phủ" - theo ông Khải.

Chính vì lẽ đó, theo ông, chế định này chỉ cầ n quy định Chính phủ gồm Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Bởi lẽ, phó thủ tướng cũng là thành viên Chính phủ, giúp Thủ tướng thực hiện một số nhiệm vụ do Thủ tướng phân công.

Hơn nữa, nếu quy định như hiện nay thì có rất nhiều lĩnh vực các phó thủ tướng cần phải phụ trách và như vậy sẽ dẫn đến có nhiều phó thủ tư ớ ng. Trên thực tế, sẽ dẫn đến tình trạng nhiều bộ trưởng sẽ "kính chuyển các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực".

"Việc quy định như đề xuất sẽ tăng thêm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của bộ trưởng đối với ngành, lĩnh vực mình phụ trách và đề cao trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách là thành viên của Chính phủ. Sẽ là hợp lý hơn, nếu chức danh phó thủ tướng được quy định tại luật Tổ chức Chính phủ", ông Khải nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại