Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ việc thi tuyển Tổng cục trưởng

“Nhiều Giám đốc Sở GTVT muốn tham gia thi tuyển cục trưởng nhưng đỗ thì không sao, trượt thì “chết” với mấy ông địa phương...”

PV: Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng, việc thi tuyển sẽ chỉ giúp tuyển được người tài mà không tuyển được người có đức. Ông sẽ giải bài toán này như thế nào?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ GTVT tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp Tổng Cục, vụ… nhưng vẫn phải bảo đảm các quy định quản lý cán bộ của Đảng và Nhà nước chứ không phải chỉ thi mà không theo một nguyên tắc nào. Ngoài ra còn các quy định về công chức, viên chức và các vị trí. Thi thì đảm bảo sự công bằng, công khai, dân chủ, minh bạch. Nhưng những người tham gia thi cũng phải đảm bảo cả điều kiện phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị. Rất nhiều người có đủ điều kiện dự thi, nhưng trước khi thi, căn cứ vào quy chế, Ban Cán sự Đảng họp và quyết định đối tượng nào đủ điều kiện để tham gia dự thi chứ không phải ai cũng được thi. Người dự thi phải đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, phẩm chất cán bộ, lúc thi chỉ khẳng định về chuyên môn, anh giỏi thì anh đỗ.

PV: Dư luận cho rằng, những ứng viên có đạo đức tư chất tốt thì sẽ hạn chế được tham ô tham nhũng, ông nghĩ sao về nhận định này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Việc làm này cũng hướng tới mục tiêu chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát. Công tác này phải rất nhiều giải pháp đồng bộ mà Tổng Bí thư đã kết luận tại Hội nghị chống tham nhũng. Đây là một cuộc đấu tranh kiên trì, bề bỉ, đòi hỏi không được nóng vội và gian khổ lâu dài, quyết liệt nhưng phải kiên trì. Không phải vì hôm nay do bức xúc của báo chí cho  nên ngày mai phải hết tham nhũng..

PV: Bộ GTVT đã tổng kết sau lần thi đầu tiên chưa, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi đã tiến hành tổng kết. Sở dĩ, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thi tuyển là vì có tổng kết từ cuộc thi thứ nhất, đánh giá được những ưu điểm, nhược điểm của kỳ thi.

Cái được thứ nhất là dư luận xã hội đánh giá rất cao do rất công khai, dân chủ, minh bạch. Bộ trưởng và Vụ trưởng Tổ chức cán bộ không có mặt trong Ban Giám khảo. Trong lúc thi, chúng tôi mời cả các nhà báo tới dự, thậm chí một số người dân ở Hà Nội do hôm ấy là ngày nghỉ nên cũng xin vào xem và chúng tôi đã đồng ý.

Thứ 2, những người đã thi đỗ là người có đức có tài, bản thân người đó cũng thể hiện sự quyết tâm, còn những người không thi đỗ thì cũng tâm phục khẩu phục, rất vui vẻ, không có điều gì phàn nàn.

Thứ 3, là tạo ra luồng sinh khí mới cho anh em phấn đấu, bởi người ta nghĩ muốn phấn đấu , tiến thân, phát triển thì chỉ có bằng con đường rèn luyện về phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, vừa rồi, do quy định nên phạm vi đối tượng tham gia còn hẹp, chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Khâu tuyên truyền của cũng chưa tốt. Nhiều Giám đốc Sở GTVT gặp tôi có nói muốn tham gia nhưng đỗ thì thì không sao nếu trượt thì “chết” với mấy ông địa phương...  Thực tế là có tâm lý như vậy nên nhiều người muốn thi nhưng ngại. Vì thế, chúng tôi rút kinh nghiệm là phải tuyên truyền, làm việc với địa phương tạo điều kiện cho cán bộ đi thi. Nếu họ đỗ là cái tốt, không đỗ thì cũng là học hỏi để về địa phương làm tốt hơn vì trong qúa trình thi họ cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm.

Vừa rồi, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ trúng tuyển, việc đầu tiên là xin gặp 3 người cùng thi bị trượt xin 3 đề án để nghiên cứu, tiếp thu những cái tốt. Đấy là một sự cầu thị, một sự khôn ngoan. Nếu vừa rồi chúng ta làm tốt, động viên để các địa phương tạo điều kiện và động viên các cán bộ của địa phương tham gia nhiều hơn thì tốt hơn.

PV: Vậy kỳ thi sắp tới Bộ GTVT sẽ tiến hành như thế nào, thưa ông?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bây giờ thì đã có quy chế đầy đủ rồi. Dự kiến cuối tháng 7 đầu tháng 8 sẽ thi Vụ trưởng Vụ GTVT, tháng 10 thi Vụ trưởng An toàn giao thông, sau đó cuối quý IV sẽ thi Cục trưởng đường thủy nội địa, tiếp đó là thi vào vị trí Chủ tịch TCT quản lý bay.

PV: Vậy với những cán bộ mà Ban cán sự Đảng của Bộ GTVT đã quy hoạch thì giải quyết như thế nào, lại là “quy hoạch treo”, thưa ông?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Để xin phép được tổ chức thi thì chúng tôi phải báo cáo các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Nội vụ. Bởi nếu tổ chức thi thì sẽ vướng một số qui định hiện hành, trong đó có việc muốn bổ nhiệm phải nằm trong quy hoạch, nhưng thi thì làm sao mà nằm trong quy hoạch được. Trong qui hoạch thì một vị trí có 3 người, nếu thế thì chỉ có 3 người trong qui hoạch được thi? Thế thì phải xin phép. Rồi các điều kiện như phải có bằng lý luận chính trị cao cấp, chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp… thì khi thi tuyển rồi, bổ nhiệm rồi, trong quá trình sử dụng cán bộ, cơ quan chủ quản sẽ tạo cơ hội để họ hoàn thiện nốt những văn bằng đó. Còn những cán bộ đã ở trong diện quy hoạch rồi thì cũng phải nỗ lực để thi.

Thi tuyển như vậy thì mới chọn được cán bộ trẻ, chứ yêu cầu người có đầy đủ bằng cấp thì phải có độ tuổi nhất định.

PV: Bộ GTVT có nghiên cứu việc thi tuyển cán bộ trước đó ở các đơn vị khác không, thưa ông?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi đã đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở Quảng Ninh, Bộ GD-ĐT và một số địa phương đã thực hiện thi, nhưng họ chỉ mới chỉ thi tuyển lãnh đạo cấp phó thôi.

PV: Vậy với những người đã thi trượt thì có cơ hội tiếp theo không, thưa ông?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hoàn toàn có cơ hội, thậm chí có cơ hội hơn bởi họ đã có kinh nghiệm.

Vì Bộ GTVT mới làm thí điểm nên Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo đề án thí điểm. Khi đã thành đề án thì việc tổ chức thi sẽ đồng bộ, các đơn vị cứ chủ động làm chứ không phải xin phép nữa.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại