Bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi: “Tôi chưa bao giờ thấy cả!”

P. Hoàng |

Tỉnh Quảng Nam mới có quyết định bổ nhiệm một Giám đốc Sở 30 tuổi khi người này mới được bổ nhiệm chức Phó giám đốc Sở cách đó vài tháng đang làm xôn xao dư luận.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội khóa 11, đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.

PV: Thưa ông, tỉnh Quảng Nam vừa bổ nhiệm một Giám đốc Sở khi người này mới 30 tuổi. Thông tin cũng cho biết, giám đốc Sở này cũng chính là con trai của Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam vừa về hưu. Ông nghĩ sao về câu chuyện đó?

Trước đây dư luận hay phê phán việc bổ nhiệm những người quá tuổi và đề nghị “trẻ hóa” đội ngũ lãnh đạo bởi nếu không “trẻ hóa” thì sẽ gây cản trở cho sự phát triển của xã hội.

Tôi nghĩ tuổi trẻ rất quyết đoán và mạnh mẽ, còn những người lớn tuổi thì có sự thận trọng và nhiều kinh nghiệm.

Theo tôi, trong đội ngũ lãnh đạo vẫn cần cả 3 thế hệ là những người lớn tuổi, những người trẻ và tầng lớp trung niên.

 Các thế hệ này được lựa chọn cần kết hợp trên cơ sở đủ tiêu chuẩn  và được sự tin cậy của Đảng, của nhân dân và có quy hoạch rõ ràng.


Ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa 11.

Ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa 11.

Đối với những trường hợp có bố/mẹ làm lãnh đạo hoặc lãnh đạo trước khi nghỉ việc mà đưa con cháu vào thì cần rất cẩn trọng vì rất có thể sẽ bị tiếng là “cố đấm ăn xôi”.

Xã hội rất tôn trọng những người có công với đất nước và đào tạo thế hệ kế cận nhưng phải đủ tiêu chuẩn và được dư luận ủng hộ.

Nếu liên quan đến mối quan hệ con, cháu thì có thể làm cho người khác không nghĩ đó là “nhân tài”. Tôi nghĩ người dân và xã hội bây giờ tỉnh táo lắm! Không lừa dối được dư luận đâu!

PV: Ông đánh giá sao về  quan điểm “cha truyền con nối” và các lãnh đạo nên ứng xử thế nào trong việc sắp xếp công việc cho chính con mình vào các cơ quan do mình quản lý?

Tôi cho rằng một lãnh đạo đứng đắn, nghiêm túc và tỉnh táo sẽ không đưa con cháu mình vào làm việc ở các đơn vị mình quản lý và thường có tâm lý “né tránh” bởi họ đều muốn giữ tiếng thơm cho mình và tránh điều tiếng.

Đối với những người cố “lùi bước” để tìm cách lợi dụng mối quan hệ của mình “đôn” con, cháu mình lên giữ các cương vị quan trọng mà không đạt tiêu chuẩn thì sẽ gặp sự phản ứng của nhân dân.

PV:  Ông đã từng thấy một giám đốc cấp Sở nào được bổ nhiệm ở tuổi 30 chưa?

Từ tháng 4/2015, vị lãnh đạo trẻ nói trên của Quảng Nam vừa được bổ nhiệm làm Phó giám đốc sở và sau 5 tháng đã được bổ nhiệm lên Giám đốc Sở, ông có thấy như vậy là bất thường? Và theo ông thì sự việc ở tỉnh Quảng Nam có cần xem xét lại?

Tôi chưa bao giờ thấy cả! Giám đốc Sở ở tuổi 37 -40 là đã thấy rất trẻ rồi.  Ở nước ngoài có thể thấy tổng thống rất trẻ nhưng ở Việt Nam thì khác. Nói chung, tôi thấy trường hợp này là không bình thường.

Cứ tính toán, hơn 20 tuổi mới học xong Đại học, ra trường cũng phải thử việc, rồi mới thành chuyên viên. Sau đó được bổ nhiệm làm phó phòng, lên trưởng phòng… rồi mới lên lãnh đạo cấp Sở.Mỗi vị trí cũng phải vài năm.

Trong thời gian đó phải xem kết quả làm việc của anh như thế nào? Phải có sản phẩm để chứng minh được đó là những người tài, chứ chỉ nói họ đã qua vị trí này, vị trí kia thì không chứng minh và thể hiện được điều gì cả.

Việc đánh giá cán bộ hiện nay đôi khi chưa thực sự được đúng mức, không qua hiệu quả công việc mà qua vị trí.

Theo tôi, Nhà nước cần có quy định rõ hơn, có tiêu chí cụ thể hơn về việc này để tránh lợi dụng người thân quen để đề bạt vào những vị trí quá khả năng mà kết quả làm việc không khiến dư luận, nhân dân và những người dưới quyền ủng hộ, ghi nhận và khâm phục.

Tôi cho rằng, sự việc ở Quảng Nam cần xem xét lại quy trình xem đã đúng Luật, đúng các tiêu chí và đủ sự khách quan hay chưa!

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại