Thêm vào đó, Luật Phí, lệ phí chuẩn bị thông qua đưa giáo dục, y tế vào giá, tức là tới đây sẽ được điều chỉnh bởi cơ chế thị trường. Ông Minh cho rằng đó là những vấn đề đặt ra cho việc tăng tương.
“Tôi chưa đồng tình với kết luận do khó khăn nên chưa tăng lương cơ sở. Cần thiết giảm một số nguồn chi khác để tăng lương” - đại biểu Minh bày tỏ quan điểm và kiến nghị QH dù kinh tế khó khăn thì năm 2016 cố gắng tăng một mức nào đó hợp lý.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu QH TP.HCM Trần Du Lịch thì lo ngại về tình trạng việc thu ngân sách không đủ để chi thường xuyên, tất cả khoản đầu tư phát triển đều phải đi vay.
“Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất là tiết giảm chi thường xuyên. Bàn tăng lương, tôi thưa rằng muốn tăng phải cắt chỗ nào, QH phải quyết chỗ nào. Không thể vay để tăng lương được” - ông Lịch nói.
Kế đó, đại biểu Lịch đề xuất cắt giảm chi phí tiếp khách, đi nước ngoài, sơ kết, tổng kết…. “QH phải quyết chuyện đó. Chúng ta đừng biến chuyện đi nghiên cứu nước ngoài để đi du lịch nhà nước trả tiền”.
“Bộ máy phình thế này lấy gì tăng lương. Chừng nào bộ máy hành chính chúng ta không có dự toán để chi tiếp khách như nước ngoài thì mới tăng lương được” - ông Lịch nói thêm.
“Tôi đồng tình với anh Trần Du Lịch là cắt giảm. Nhưng tôi đề nghị năm nay cần cắt giảm dứt khoát về biên chế trong bộ máy nhà nước.
Động thái này sẽ làm lộ rõ ra những khuyết tật của cơ cấu biên chế và tổ chức bộ máy của chúng ta, từ đó nảy sinh vấn đề thực tiễn là cần đổi mới bộ máy” - Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Tuy nhiên, đối với bài toán “tinh giản biên chế để tăng lương”, đại biểu Nguyễn Văn Minh lại cho rằng “khó”, vì nếu muốn tinh giản thì đòi hỏi cán bộ hai năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng thực tế hầu hết trong số họ đều hoàn thành nhiệm vụ.