Chưa phạt xe vì nhiều vướng mắc
Vấn đề xử phạt xe không chính chủ cho đến thời điểm này vẫn tồn tại 2 phương án là xử phạt và không. Tuy nhiên, đến bản dự thảo lần thứ 6 Nghị định xử phạt vi phạm giao thông vừa được công bố, phương án ưu tiên là không xử phạt. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, khi triển khai Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã có vướng mắc phát sinh liên quan đến việc xử phạt hành vi này.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan bổ sung sửa đổi quy định; trong thời gian chờ đợi, cần ban hành văn bản, chưa thực hiện xử phạt với hành vi này. Thứ trưởng Trường cũng xác nhận: Bộ đã đề xuất tạm thời chưa xử phạt hành vi này trong dự thảo Nghị định xử phạt mới.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng (Vụ An toàn giao thông-ATGT thuộc Bộ GTVT)-thành viên Ban soạn thảo cho biết: một trong những vướng mắc trong vấn đề này là trách nhiệm thực hiện sang tên đổi chủ hiện nay được quy định cho người chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng phương tiện.
Quy định chưa rành mạch này gây khó khăn cho việc xác định đối tượng xử phạt. Cũng theo ông Tùng, trong thời gian chưa xử phạt hành vi này, người dân vẫn nên tiếp tục thực hiện việc sang tên đổi chủ bởi trong Bộ luật Dân sự hiện nay đã quy định trách nhiệm liên đới của chủ xe; đặc biệt là trong các trường hợp xe chưa sang tên đổi chủ gây tai nạn.
Về hành vi đội mũ bảo hiểm rởm, không đảm bảo chất lượng, ông Tùng cho biết, dự thảo không quy định xử phạt hành vi này, nhưng về nguyên tắc vẫn có thể xử phạt được.
“Một chiếc mũ chỉ được gọi là mũ bảo hiểm khi đúng theo quy chuẩn do Nhà nước ban hành. Mũ “bảo hiểm thời trang” không khác gì chiếc nón hay mũ cối, không thể gọi là mũ bảo hiểm. Vì thế, về nguyên tắc, CSGT vẫn có thể xử lý” – ông Tùng nói.
Dự thảo lần này không quy định phạt tiền đối với chủ phương tiện chưa đóng phí bảo trì đường bộ. Nguyên nhân được Ban soạn thảo đưa ra là hành vi này thuộc lĩnh vực phí và lệ phí nên sẽ được quy định trong Nghị định khác.
Giảm phạt để phù hợp với thu nhập người lao động
Chưa có thống kê toàn bộ các hành vi vi phạm sẽ được giảm mức phạt, nhưng theo ban soạn thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có ít nhất khoảng 20 nhóm hành vi được giảm mức phạt bằng tiền.
Các hành vi điều khiển ôtô chạy quá tốc độ trên 35 km/h; ngược chiều đường cao tốc; người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở được giảm từ 10 triệu đồng xuống 8 triệu đồng. Các hành vi vi phạm về điều kiện, kinh doanh vận tải cũng được giảm từ 6 xuống 5 triệu đồng...
Theo ông Tùng, ngoài việc giảm mức phạt tiền, điểm mới của dự thảo là chia nhỏ hành vi vi phạm với mức phạt tiền khác nhau. Chẳng hạn, cùng một hành vi vượt đèn đỏ trước đây nay được chia thành 2 mức độ là “đè vạch” và vượt vạch với hai khung phạt khác nhau, “đè vạch” thấp hơn vượt qua vạch.
Một điểm mang tính chất tháo gỡ nữa của dự thảo lần này là không còn tồn tại hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe vĩnh viễn mà chỉ áp dụng mức phạt tối đa là tước bằng lái 4 tháng.
Một lãnh đạo Vụ ATGT nói: “Qua thực tiễn cho thấy, mức phạt cao không phải là giải pháp tối ưu để giảm vi phạm giao thông. Ngoài mức phạt phải đi kèm với tuyên truyền để người dân tự giác.
Đặc biệt, các lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm phải triệt để và thực hiện đầy đủ quy định pháp luật. Việc giảm mức xử phạt cũng phù hợp với thu nhập của người lao động hiện nay”. Trước đó, trong một văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, Ban Dân nguyện của Quốc hội tổng hợp ý kiến cử tri của 8 tỉnh, trong đó có cả Hà Nội nêu: “Mức phạt quá cao không phù hợp với nông thôn”.
Dự thảo dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 7 này.