Chưa có 1 chương trình, nhiều bộ sách
Ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã có phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.
Nhiều đại biểu cho rằng, sách giáo khoa hiện hành nặng tính hàn lâm, chuyên sâu, xa rời thực tiễn, chủ yếu phục vụ thi cử khiến giáo viên và học sinh gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Đánh giá về chất lượng phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận nội dung chương trình, sách giáo khoa chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, không có tổng chủ biên chương trình, sách giáo môn học từ lớp 1 đến lớp 12.
Trong một số SGK còn có những thuật ngữ tương đối trừu tượng, có những nội dung nặng nề với phần đông học sinh.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tất cả những khó khăn, vướng mắc và hạn chế trên sẽ được Bộ tháo gỡ dần từ nay đến năm 2015 để hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Trong khi đó, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nêu ra vấn đề: "Luật Giáo dục quy định cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa. Nhưng gần đây rộ lên ý kiến về một chương trình, nhiều bộ sách. Quan điểm của Bộ Giáo dục như thế nào?".
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc đổi mới sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT nghiên cứu và đặt ra vấn đề này trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hệ trọng và nghiêm túc nên Bộ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc đổi mới sách giáo khoa phải đảm bảo yêu cầu thống nhất từ trung ương đến địa phương, có sự kế thừa và vì vậy không được nóng vội và cần có thời gian để nghiên cứu.
Bộ trưởng Luận cũng hứa hiện tại chưa thể đưa ra một phương án cụ thể, khi có phương án khả thi ông sẽ báo cáo lại.
Đánh giá chất lượng không chỉ qua kết quả thi tốt nghiệp THPT
Đại biểu Trần Minh Diệu (tỉnh Quảng Bình) nêu ra những bất cập trong kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông dẫn tới nảy sinh tiêu cực và bệnh thành tích.
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Cho đến nay, việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của các trường, các huyện, tỉnh, thành là dựa vào chỉ số tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Do đó có bệnh chạy theo thành tích, nhiều trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%.
Chính vì vậy, Bộ đã có chủ trương tách kết quả thi tốt nghiệp với việc đánh giá chất lượng dạy và học giáo dục phổ thông. Việc làm này sẽ giúp làm giảm gánh nặng về thành tích cho các Sở GD-ĐT và khiến các tỉnh sẽ tổ chức kỳ thi mang tính trung thực, không gian lận.
Xung quanh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông tin, trước kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Bộ GD-ĐT có tổ chức một cuộc họp mật với 63 giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố.
“Kết quả đã có rất nhiều Sở ngành làm nghiêm túc, nhưng vẫn có không ít tỉnh chưa quán triệt sâu sắc chủ trương này”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp, lắng nghe ý kiến của công luận, của báo chí và thông tin, Bộ GD-ĐT quyết định chấm lại hơn 10.000 bài thi của các cơ sở giáo dục có tỷ lệ tốt nghiệp tăng đột biến của 17 tỉnh, thành phố.
Sau khi chấm lại xong, Bộ GD-ĐT có công văn mật gửi Bí thư, Chủ tịch, Giám đốc Sở các tỉnh, thành về kết quả kỳ thi.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Năm nay các công văn này được gửi theo chế độ mật. Nhưng bắt đầu từ năm sau việc này sẽ trở thành định kỳ và sẽ công khai trong công luận.
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Tòng Thị Phóng - phó chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ thành lập ủy ban giám sát nội dung thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và chất lượng giáo dục phổ thông trong thời gian tới.