Như vậy, kể từ nay, ông Nguyễn Thanh Chấn chính thức được minh oan, không còn liên quan tới vụ án sau hơn 10 năm ngồi tù với mức án chung thân. Ngày 27.2, Cơ quan Điều tra Bộ Công an bắt đầu tiến hành làm việc với ông Chấn và gia đình.
Ông Chấn "mong cơ quan chức năng nhanh chóng bồi thường về những tổn thất đã gây ra để gia đình tôi sớm ổn định cuộc sống và vượt qua khó khăn". Được biết, vợ chồng ông Chấn đều đang bị bệnh, nhất là bà Chiến vợ ông, cho đến nay vẫn phải điều trị bệnh và tâm thần vẫn chưa được trở lại bình thường.
Chúng ta còn nhớ , ngay sau khi xác minh ông Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội giết người , Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan tố tụng khẩn trương minh oan, đền bù , khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan .
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, ông Chấn sẽ được bồi thường một số tiền không nhỏ. Đành rằng, một ngày tù với người oan sai, nó đau đớn đến nhường nào và không thể đổi bằng tiền cho dù số tiền ấy là bao nhiêu đi nữa .
Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm ra một giải pháp hợp lý về nguồn tiền chi trả người bị kết án oan với cách gọi và câu chữ sao cho hợp lý , không gây bức xúc .
Nếu lấy nguồn từ ngân sách Nhà nước, thực chất, về cơ bản là tiền thuế dân đóng góp thì khỏi bàn ! Điều này nghe rất khó xuôi tai và đễ gây bất bình trong xã hội .
Còn nếu vụ nào xử sai cũng bắt các cơ quan tố tụng è cổ ra đền thì cũng không ổn vì làm như vậy, tiền lương của công chức Nhà nước như hiện nay thì làm sao chịu nổi ? Ấy là chưa nói, có biết bao người thừa hành công vụ ở lĩnh vực này làm việc công tâm, dũng cảm, bản lĩnh. Họ, thậm chí người thân của họ phải chịu không biết bao áp lực trong mỗi vụ án .
Một cán bộ điều tra có con còn nhỏ vừa tâm sự với tôi rằng, cứ mỗi lần anh nhận điều tra vụ án nổi cộm nào là vợ anh (cũng là người trong ngành), tỏ ra lo lắng hơn trong những lần con họ đi học thêm về khuya . Vậy mà nếu không may xảy ra sai sót chỉ trong một vụ thôi, nay còn ở nhà thuê nên dù có bán hết đồ đạc trong nhà, họ cũng không đủ tiền đền thì nghiệt ngã quá , bất công quá !
Nếu quy định như thế , tôi e rằng sẽ không mấy ai dám nhận nhiệm vụ, nó sẽ làm nhụt ý chí chiến đấu của những lực lượng bảo vệ pháp luật, mà thực tế, không một xã hội nào lại có thể thiếu họ .
Song, nếu những người làm nhiệm vụ ở lĩnh vực này thiếu trách nhiệm, vô cảm trước nỗi oan sai của người vô tội thì cũng cần nghiêm khắc, quy trách nhiệm rõ ràng để xử lý họ theo mức độ vụ việc .
Còn nếu như họ có dấu hiệu cố ý làm lệch hồ sơ vụ án, bức cung và có "mùi" tiêu cực thì dứt khoát phải truy cứu trách nhiệm những cá nhân đó trước pháp luật . Đồng thời, phải tự bỏ tiền nhà mà đền những vụ dân oan sai. Như vậy, cán bộ tham gia tố tụng sẽ có trách nhiệm hơn với bị án .Chúng ta không thể dùng tiền Nhà nước - nói cách khác là tiền thuế các loại- để trả thay họ !
Xin quay lại vấn đề : Vậy thì Nhà nước nên lấy từ nguồn tiền nào để đền bù cho những vụ án xử oan sai ? Theo tôi, nên chăng Nhà nước sẽ lấy từ nguồn thu trong các vụ bắt giữ tang vật của bọn buôn lậu, người đi hối lộ bị lập biên bản, từ các vụ vi phạm pháp luật như đánh bạc, vi phạm Luật giao thông (trường hợp đua xe trái phép, sẽ bị tịch thu, các vi phạm khác thì cũng không được trích quỹ )..
Tuy nhiên, cũng lại không nên dùng tiền tang vật thu được trong các vụ án tham ô, tham nhũng (vì đó là tài sản công ) rồi đưa vào quỹ riêng. Mặc dù, nói cho cùng, khi chúng ta thu về từ các nguồn nào thì cũng là tiền Nhà nước. Với nguồn thu này, người dân cảm thấy nó có sự tách bạch: Chúng ta tôn trọng tiền thuế và các khoản dân đóng góp hơn và sẽ không gây bức xúc trong dân .
Nếu án oan sai trong xã hội ít đi thì số tiền trong quỹ này (có thể do Bộ Tài chính giữ và duyệt chi) sẽ trích thưởng hàng năm cho cán bộ ở các cơ quan điều tra, xét xử. Và có thể xem đó như một đòn bẩy khích lệ những" Bao công" có tinh thần lao động nghiêm túc, công tâm và hết lòng vì dân.