Bộ Công an đề xuất có đại tướng thứ hai

Ngành Công an về cấp hàm đại tướng chỉ có một người là Bộ trưởng Bộ Công an, so với quân đội là 3 người. Bộ đề xuất nhân vật thứ hai là Thứ trưởng cũng được phong hàm.

 Ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp của chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật.

Trình bày tóm tắt những nội dung sửa đổi của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ trưởng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết dự thảo đề xuất chức danh Giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM là cấp hàm trung tướng và có một số quyền hạn tương đương tổng cục trưởng (tương đương Bộ Tư lệnh bên lực lượng Quân đội).

“Ngoài ra còn có 3 thành phố trực thuộc Trung ương và 3 địa phương có dân số đông là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hoá, Nghệ An, và Đồng Nai, vị trí giám đốc Công an có cấp hàm trần thiếu tướng. Các tỉnh còn lại Giám đốc Công an chỉ hàm đại tá” - Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất.

Bộ Công an sẽ thêm một đại tướng

Theo Đại tướng Trần Đại Quang, dự thảo luật quy định thời hạn phong hàm cấp tá lên cấp tướng là 4 năm, còn từ cấp tướng trở lên thì không quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Quang, ngành Công an có điểm khác so với quân đội là về cấp hàm đại tướng chỉ có một người là Bộ trưởng Bộ Công an, so với Quân đội là 3 người (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam).

Do vậy, Bộ Công an đề xuất đối với trường hợp là Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng uỷ Công an nhân dân là nhân vật thứ hai của Bộ - cũng được phong hàm Đại tướng. Việc này cũng đảm bảo tương đương Quân đội và chia sẻ việc lãnh đạo lực lượng khi Bộ trưởng đi vắng.

Tương tự, Bộ Công an cho biết hiện các tổng cục trực thuộc, người đứng đầu có cấp hàm trung tướng. Vì thế dự thảo luật cũng đề nghị bổ sung quy định vị trí tổng cục phó phụ trách công tác Đảng có cấp hàng ngang cấp tổng cục trưởng. Việc này cũng tương đương cấp Chính uỷ tổng cục bên Quân đội.

Đáng chú ý, theo Đại tướng Trần Đại Quang, vị trí trưởng công an quận, huyện cấp hàm chỉ là thượng tá (tương đương với Chỉ huy Quân sự quận huyện).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng công an cho 3 Thứ trưởng Bộ Công an ngày 22-7-2013

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng công an cho 3 Thứ trưởng Bộ Công an ngày 22-7-2013.

Chỉ huy quân sự tỉnh cấp đại tá

Trình bày tóm tắt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, cho biết quá trình xây dựng dự thảo luật cũng có một số đề nghị cấp Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh là cấp tướng đối với một số trường hợp đặc biệt.

“Song việc xác định đâu là địa bàn trọng điểm cũng khó xác định nên dự luật không quy định mà chỉ là cấp hàm đại tá. Còn cán bộ nào phấn đấu tốt lên quân khu. Vì quy định như vậy các tỉnh sẽ có ý kiến vì đâu cũng có khó khăn mặt này mặt khác” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nhìn nhận.

Bộ trưởng Quốc phòng dẫn ví dụ tỉnh Lai Châu sẽ có ý kiến với địa phương đồng bằng đông dân là “chúng tôi về huyện xã mất cả ngày, phải leo rừng núi còn các anh đi xe hơi”. “Nên không thể theo hướng này. Dù luật có vênh với Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và thực tế là cả người đứng đầu lực lượng Quân đội và Công an địa tỉnh đều là Thường vụ nhưng một bên là thiếu tướng, bên là đại tá” - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, hiện chỉ có 2 vị trí đứng đầu Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh TP HCM quân hàm cấp tướng vì lý do lịch sử và vị trí.

Đáng chú ý, theo ông Phùng Quang Thanh, dự luật quy định đối với doanh nghiệp cấp 1 trực thuộc Bộ Quốc phòng sẽ không mang quân hàm cấp tướng như một số đơn vị hiện nay.

Cũng giống như Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân quy định từ đại tá lên thiếu tướng tối thiểu là 4 năm, còn ở cấp tướng thì không quy định cụ thể trong luật.

Mặt khác, theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, nếu cấp phó tổng cục trưởng, quân khu, quân đoàn mà cấp hàm trung tướng thì số lượng sẽ rất lớn. “Nhất là trong một đơn vị mà 2 ông đeo lon như nhau cũng khó coi lắm nên nhiều nơi không đồng tình” - ông Thanh nói.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng cho hay: “Có nhiều ý kiến cho rằng “nhiều tướng thế, rồi phong nhanh thế”. Nay chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền thì việc phong hàm là phải theo luật và có luật quy định. Vấn đề là giám sát đúng luật không”.

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Quốc phòng khẳng định: “Dự luật không quy định việc vượt cấp mà chỉ thăng quân hàm trước thời hạn, kể cả có chiến công đặc biệt”.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Doãn Khánh đồng tình với đề xuất tách lương khỏi hàm, cấp mà hưởng lương theo vị trí. “Chứ như trước đây áp dụng lương theo cấp hàm dẫn đến có sự dễ dãi trong phong hàm cấp” - ông Khánh đánh giá. Ông Khánh cũng đề nghị cần có quy định tỉ trọng sĩ quan trong toàn lực lượng vũ trang.

Chốt lại 2 nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an, Quốc phòng phối hợp làm rõ tình hình thực tiễn để tránh vênh nhau và sớm hoàn chỉnh đề trình Quốc hội. “Nhưng về lương sĩ quan thì không thể đưa ngay vào luật được mà để Chính phủ quy định chi tiết” - Thủ tướng kết luận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại