Chiều 26/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.
Đề án này vấp phải nhiều ý kiến phản đối khi phía Bộ Công an cho rằng nó trùng lặp với Đề án xây dựng dữ liệu cơ sở dân cư quốc gia và việc cấp chứng minh nhân dân (CMND) theo mẫu mới mà Bộ Công an đang thực hiện.
Mỗi công dân chỉ cần một mã số
Theo ông Ngô Hải Phan (Cục trưởng Cục kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp) kho số định danh cá nhân số CMND 12 số) mà hiện nay Bộ Công an đang quản lý đã thể hiện được một số điểm ưu việt như mỗi công dân có một số duy nhất, kho số có khả năng cấp cho công dân mà không trùng lặp, ổn định lâu dài.
Vì vậy, dự thảo Đề án của Bộ Tư pháp đã xác định số định danh cá nhân cấp cho công dân chính là số CMND mới (12 số) mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp cho công dân.
Tuy nhiên, số định danh cá nhân mới chỉ được quy định cụ thể tại một thông tư (số 10/2013/TT-BCA) của bộ Công an là chưa hợp lý mà cần một văn bản quy định pháp luật có giá trị cao hơn, làm cơ sở để các ngành khác sử dụng cố định.
Mặt khác, các ý kiến đều cho rằng, số định danh cá nhân được cấp cho công dân từ khi sinh ra (đăng ký khai sinh) đến khi chết đi (đang ký khai tử) nên việc quy định số định danh cá nhân tại Luật Hộ tịch là hoàn toàn phù hợp.
Đề án này cũng xác định một số nguyên tắc để hoàn thiện cơ sở pháp lý và phối hợp với ngành công an để triển khai việc cấp số định danh cá nhân.
Việc cấp số định danh cá nhân sẽ được triển khai từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành. Đề án đảm bảo đến năm 2020, toàn bộ công dân sẽ có số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân sẽ thay thế cho toàn bộ các số khác như số bảo hiểm, số y tế, số sổ bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu…
Đề án không đề xuất xây dựng dữ liệu cơ sở mới mà đưa ra yêu cầu điều chỉnh việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.
Cạnh đó, ông Nguyễn Công Khanh, Vụ trưởng vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp đề xuất: “Bộ Công an cấp CMND cũng phải dựa vào giấy khai sinh. Do đó hai ngành gặp nhau ở điểm gốc. Vì vậy, hộ tịch viên cấp xã sẽ là người cấp mã số định danh cá nhân và nhập liệu và cơ sở dữ liệu. Và khi đủ tuổi, công dân sẽ được cơ quan công an cấp CMND theo mã số này”.
Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an thế nào, ngành Công an cấp mã số lúc nào, ngành Tư pháp cấp mã số lúc nào thì đề án này vẫn chưa có phương án cụ thể.
Chỉ nên giao về một mối?
Trước đề án trên của Bộ Tư pháp, Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) cho rằng, đề án của Bộ Tư pháp có nhiều điểm trùng lặp với Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia mà Bộ Công an đã được giao thực hiện từ năm 2008.
Dự kiến cuối năm nay, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Cạnh đó, hiện nay Bộ Công an cũng đã cấp được hơn 30.000 CMND theo mẫu mới tại Hà Nội.
“Nếu công dân được cấp ngay từ khi sinh ra mã số định danh hầu như không có tác dụng vì tới khi họ đủ 14 tuổi thì mới phát sinh đầy đủ các loại giấy tờ khác. Nếu đến năm 2014 mới bắt đầu thực hiện và đánh số hơn 90 triệu công dân từ những trẻ sơ sinh thì phải đến gần những năm 2030 mã số này mới có tác dụng” – đại tá Dung băn khoăn.
Theo Đại tá Dung, Bộ Công an đã có báo cáo gửi Chính phủ, đề nghị không nên chỉ đạo bộ Tư pháp thực hiện đề án trên nữa do chồng chéo.
“Trên cơ sở đề án Bộ Công an đang xây dựng, Bộ Tư pháp nên có góp ý bổ sung, sửa chữa để việc cấp mã số cá nhân cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu được hoàn chỉnh chứ đừng nên xây dựng tới hai đề án. Điều này tạo ra hai hệ thống, làm tốn kém tiền của dân, của chính phủ” – ông Dung khẳng định.
Cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 90/2010/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó quy định số định danh cá nhân là một trong 22 trường thông tin cơ bản của công dân.
“Khi xây dựng Nghị định này, chúng tôi đã thu thập ý kiến của tất cả các bộ ngành và 22 thông tin này để dùng chung chứ không phải chỉ để Bộ Công an dùng” – ông Dung cho biết.