LTS: Không có bí kíp võ công nhưng với võ lâm đồng đạo thì lão võ sư Nguyễn Văn Thơ, người sáng lập môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông đã để lại cho hậu thế cả một gia tài võ thuật đồ sộ.
Bất cứ ai học võ cũng đều nương vào “gia tài” này, đó là triết lý “chiêu thức lợi hại nhất là chiêu thức đơn giản nhất”.
Cũng từ triết lý này, lão võ sư đã cho ra đời tuyệt kỹ “so đũa” lừng danh thiên hạ.
Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội của cao thủ võ Việt được ví như Hoàng Phi Hồng
Kỳ 2: Trận tỉ thí như phim kiếm hiệp rúng động Hà Nội
Môn đồ phản trắc
Võ sư Xuân Tùng kể, môn đồ phản trắc ấy tên T., tham gia môn phái từ năm 1981. Người này, võ sư Thơ chỉ xem là đệ tử “tục gia”, chứ không được “dâng lễ chân giò” như một số đồng môn khác.
Theo học đến năm 1984, bởi nôn nóng nên ông T. đã từ bỏ môn phái đi tìm thầy khác học.
Bẵng đi một thời gian dài, năm 1988, khi võ sư Tùng đang cùng sư phụ mình chỉ dạy cho các môn đệ tại võ đường (trong trường tiểu học Lương Yên) thì ông T. bất ngờ xuất hiện cùng với một người đàn ông lạ.
Ông T. gọi người đàn ông tuổi ngoài 30, cao to lực lưỡng ấy là sư phụ. Đưa người lạ mặt đến võ đường, chủ ý của người học trò cũ này không phải là để vấn an sức khỏe sư phụ cùng anh em đồng môn mà là để… khiêu chiến.
Thái độ ngông nghênh, ông T. đã buông những lời cay nghiệt ý nói mình đã sai lầm khi mấy năm trời theo học thứ mãi võ rẻ rúm, chẳng ích lợi gì. Chẳng đợi đệ tử mình kịp ngưng những lời xúc xiểm, người đàn ông lạ mặt kia đã hất hàm đưa ra lời thách đấu.
Võ sư Nguyễn Văn Thơ thời trẻ (Ảnh Internet)
Võ sư Phạm Xuân Tùng kể, suốt buổi hôm ấy ông phải làm bia cho các anh em đánh nên mệt, chân tay bả lả. Thấy thế sư phụ ông đã bảo: “Mời các anh về nhà nói chuyện, hôm nay cậu ấy mệt rồi, muốn đấu thì chờ vài hôm nữa”.
“Chờ vài hôm nữa tôi đánh với anh này cũng được nhưng hôm nay đến đây, tôi muốn đánh với ông. Ông là sư phụ, tôi cũng là sư phụ. Nếu ông sợ mình già yếu thì thôi, tôi không chấp làm gì”, người đàn ông ấy ngạo mạn.
“Đúng là tôi cao tuổi rồi, nhưng nếu anh chê tôi già yếu thì hôm nay tôi sẽ đánh với anh!”, đang ngồi uống trà võ sư Thơ nhổm dậy đáp.
“Mời ông ra đây!”, vừa nói người đàn ông lạ mặt vừa rút ngay hai thanh đoản côn gài sau lưng ra. “Ông dùng vũ khí gì?”, người đàn ông ấy hỏi.
“Hôm nay tôi sẽ cho anh biết thế nào là Sơn Đông mãi võ, vũ khí của tôi đây!”, võ sư Thơ lần trong túi áo ngực đưa ra chiếc khăn mùi xoa mà ông vẫn dùng để lau mồ hôi.
>> Xem thêm thông tin về Bí kíp võ công của các cao thủ võ Việt
Đòn độc mạnh hơn vuốt hổ
Nhìn thứ vũ khí ấy, lăm lăm hai đoản côn trong tay, người đàn ông lạ mặt ấy nhệch miệng cười khẩy.
Chẳng buồn để ý đến đối phương, lão võ sư ung dung nhúng một góc khăn vào chén trà rồi thắt nút thành cục to bằng đầu ngón tay. Chuẩn bị “vũ khí” xong, lão võ sư ra hiệu mời người đàn ông lạ mặt kia vào trận.
Nhận được lời mời trên, ngay lập tức người đàn ông lạ mặt ấy cầm đoản côn nhắm mặt lão võ sư thúc tới. Không cần di chuyển, lão võ sư nhẹ nhàng ngửa mặt tránh.
Ngay sau cú thúc lỡ trớn trên, người đàn ông lạ mặt lùi lại, tay kia bổ tiếp đòn nữa. Vẫn chẳng hề di dịch, vừa nghiêng người tránh đòn, lão võ sư vừa vảy luôn chiếc khăn mùi xoa vào mặt đối phương.
Chiếc khăn vừa tới mặt thì một tiếng đét vang lên. Tuy nhiên, đòn ấy xem ra chẳng hề hấn gì, gạt nước trên mặt, người đàn ông lại xấn đến.
Lần này ông ta thúc thẳng đoản côn vào bụng lão võ sư. Và lần này thì lão võ sư không tránh nữa, ông vận khí đón đòn.
Vận hết sức đâm mà thấy lão võ sư vẫn đứng trơ trơ, người đàn ông lạ mặt đã thu lại binh khí không đánh tiếp nữa.
“Ông thua rồi. Nếu hôm nay tôi dùng đoản côn có giấu đầu nhọn thì ông chết chắc rồi”, người đàn ông lạ mặt ấy vênh vang.
Thấy thái độ đối phương vậy lão võ sư chỉ mỉm cười rồi thủng thẳng bảo: “Anh xem mặt mình đi”. Nghe lão võ sư nói vậy, người đàn ông ấy vội vàng đưa tay lên xoa mặt. Lúc này, ông ta mới giật mình khi thấy nhân trung mình sưng tấy to bằng đồng xu.
Đó là dấu tích của nút thắt chiếc khăn để lại.
“Hôm nay tôi đấu với anh bằng khăn ấy chứ bằng thứ này thì…”, vừa nói lão võ sư vừa móc túi áo ra một chiếc khăn khác. Chiếc khăn này cũng chỉ nhỉnh hơn chiếc mùi xoa khi nãy một tẹo nhưng được làm bằng vải dù.
Ba góc của khăn được được “điểm xuyết” bằng 3 quả chùy sắt to cỡ hòn bi ve cùng 3 chiếc móc câu nhọn sắc nhọn.
Khi mọi người còn chưa kịp nhận ra thứ binh khí lợi hại ấy thì tiện tay lão võ sư vẩy luôn chiếc khăn vào gốc cây xà cừ ở ngay cạnh đấy. Những chiếc móc câu gắn trên khăn như vuốt cọp lột ngay miếng vỏ xà cừ to cỡ bàn tay.
“Nếu là khăn này thì mặt anh liệu có còn không!?”, vừa nói lão võ sư vừa thu khăn rồi đi vào trong uống trà.
Nhìn thân cây xà cứ bị bóc toác vỏ, người đàn ông lạ mặt vội vàng ngồi thụp xuống. Ông ta muốn bái lão võ sư làm… sư phụ.
“Người như các anh thì không nên học võ làm gì!”, vừa nhấp hụm trà, lão võ sư vừa thủng thẳng nói.
Theo võ sư Phạm Xuân Tùng, chiếc khăn mà sư phụ ông luôn đem theo bên mình ấy là thứ vũ khí do tự lão võ sư sáng chế. Ông gọi thứ binh khí lợi hại ấy là thiết phi xoa.
Võ sư Xuân Tùng hướng dẫn đệ tử luyện võ.
Người thầy hà khắc và những màn biểu diễn kinh hãi
Trong ký ức nhiều người, “gánh thuốc Sơn Đông” luôn nhắc nhớ tới hình ảnh những bài biểu diễn nội công khó tin và có phần kinh hoàng, kỳ dị.
Người của phái Sơn Đông có thể dùng mũi giáo nhọn để một người khỏe mạnh đâm thẳng vào yết hầu, hoặc có thể để cả tảng đá trên đầu rồi cho người khác dùng búa đập.
Kinh hãi hơn, luyện tập công phu, có người còn có thể quăng thân trên đống thủy tinh, mảnh sành sắc ngọt.
Theo võ sư Phạm Xuân Tùng, ngoài nội công kỳ diệu đặc thù của môn phái thì để biểu diễn được những tuyệt kỹ chỉ nhìn qua đã thấn dựng tóc gáy trên thì môn đồ Sơn Đông phải kiên nhẫn khổ luyện trong nhiều năm.
Theo võ sư Tùng, sư phụ ông, đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ nhận ít học trò nhưng đã dạy ai thì cực kỳ nghiêm khắc, thậm chí là khắc nghiệt. Ai không thực sự đam mê, không thực sự kiên nhẫn thì đương nhiên sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng.
Đại lão võ sư tự sáng chế ra một vũ khí lợi hại đó là độc xích chùy. Ông lấy vô số những con ốc, bu-lông bằng ngón tay rồi bọc lại trong một tấm lưới mắt cáo để tạo thành một quả chùy nặng mấy cân, to như quả bưởi.
Quả chùy ấy được lão võ sư nối với một sợi dây dài chừng 20m. Ngồi trên sập theo dõi các học trò luyện công, thấy ai lơ đãng, tập sai là ngay lập tức ông phóng chùy thẳng vào khửu tay, khửu chân.
Phóng quả nào là “ăn” ngay quả ấy. Nhiều người, sau buổi tập, dính mấy quả chùy ấy thì chỉ có về xoa dầu cả đêm.
Võ sư Xuân Tùng kể, ngày trước, lão võ sư Nguyễn Văn Thơ đã rèn các học trò vô cùng nghiêm khắc.
Màn biểu diễn dùng giáo cắm vào cổ, cổ vẫn lành và cán giáo cong vút ấy gọi là xà hầu công. Tập tuyệt kỹ này là hành trình đầy khổ ải, chông gai.
Ban đầu, người luyện phải tập nuốt sao cho yết hầu của mình trôi hẳn xuống phía dưới chứ không được để nằm giữa cổ. Người chuyên cần hoàn thành bài này cũng phải mất vài tháng.
Sau khi tống được yết hầu ra khỏi vùng nguy hiểm thì các môn sinh phải lấy những tay tre nhỏ như đầu đũa bó lại như cán chổi rồi cứ thế tự phang vào họng mình.
Hai tay hai nắm tay tre cứ thể bền bỉ vụt vào cổ mình chừng 5-6 tháng, khi da cổ đã dày, đã chai lỳ như da trâu thì chuyển giang đập bằng ống nứa, ống giang. Đập đến khi ông nứa này vỡ te tua thì chuyển sang ông khác.
Vượt qua cửa ải này thì đến bài dùng cổ đóng đũa xuống đất. Ban đầu là đũa được làm bằng tre tươi, sau là đũa khô. Cứ lấy cổ mà đè, bao giờ dùng một ấn mà chiếc đũa ngập 2/3 xuống đất thì mới gọi là thành công.
Theo võ sư Tùng, trước đây môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông có một đệ tử biểu diễn nội công, đặc biệt là xà hầu công rất cừ.
Môn sinh Thiếu Lâm Sơn Đông biểu diễn võ nghệ (Ảnh nhân vật cung cấp)
Người đó là võ sư nổi tiếng Trịnh Đức Hùng, môn đồ từng khiến nhiều người kinh ngạc khi chân trần nhảy từ trên ghế cao xuống đám thủy tinh được đập từ cả đống chai, lọ trong một giải đấu võ thuật do Liên đoàn võ thuật cổ truyền Hà Nội tổ chức năm 1987.
Xà hầu công của võ sư Trịnh Đức Hùng thì đạt đến độ thượng thừa, ông có thể ngửa cổ để môn sinh dùng cương đao chém mà chẳng hề hấn gì.
Võ sư Xuân Tùng bảo, nhiều người có khi vài năm đại lão võ sư chỉ cho tập đi tập lại một vài động tác. Ví như luyện cước pháp, có người phải tập đến 2-3 năm. Ban đầu, lão võ sư bắt học trò đá quét vào khúc chuối cao chừng nửa mét theo kiểu “phạt thảo tầm xà”.
Cứ dựng khúc chuối lên rồi đá đến khi nào quét chân thì khúc chuối lộn một vòng chống đầu kia xuống đất thì mới đạt.
Thành thục “phạt thảo tầm xà” thì đến màn đá ống tre. Thân tre được cắm sâu xuống đất, các môn sinh cứ thế móc chân vào. Sau cú móc trên thì tì ngay ống đồng để bẻ gốc tre.
Võ sư Xuân Tùng bảo, ngày nào cũng vậy, cứ sau muỗi buổi tập là ống đồng lồi lõi những vết tấy, sưng. “Chỉ đến khi đá móc rồi quật mạnh mà ống chân không thấy sưng, đỏ thì sư phụ mới cho chuyển sang bài tập khác”, võ sư Xuân Tùng nhớ lại.
(Còn nữa)