Dự án nghĩa trang “Công viên Thiên đường xanh” tại huyện Phổ Yên, Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía nhân dân.
Theo đơn thư tố cáo, nguyên nhân khiến người dân không đồng ý và phản ứng mạnh mẽ khi dự án bắt đầu được triển khai là do chính quyền UBND xã Thành Công đã “vi phạm quy chế dân chủ”, “Bí thư xã lập phe cánh”, “mập mờ, nhiều khuất tất trong phổ biến, tuyên truyền về dự án”.
Điều đáng chú ý là khi trao đổi với phóng viên về vấn đề nêu trên, ông Dương Đình Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) nói: “Dân ở đây kém hiểu biết lắm. Đấy, như lần họp dân hồi đầu tháng 3/2013 đấy, huyện với xã tổ chức họp dân, có cả nhà đầu tư đến nữa. Mới nói được vài câu là chúng nó (chỉ người dân – PV) đã hò reo nhau lên phá bĩnh, lạc hậu đến mức độ như thế thì bảo tôi phải làm thế nào được. Nhố nhăng, dở nọ dở kia, ngu và bố láo thế chứ...”.
Bất ngờ trước những lời lẽ đầy sự miệt thị, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Khá - ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH.
Bà Nguyễn Thị Khá - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Bà Nguyễn Thị Khá tỏ ra ngạc nhiên và cho hay: “Bí thư xã có nói như thế hay không thì tôi không biết nhưng nếu đúng như vậy thì cách nói của ông ta đã không thể hiện được vị trí, vai trò trên cương vị một Bí thư Đảng uỷ xã.
Đối với những người lãnh đạo là các công bộc của nhân dân thì phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân bày tỏ ý kiến của mình và phải biết lắng nghe ý kiến của người dân: “nghe dân nói, nói dân nghe”. Bây giờ người dân nói, vị bí thư đó có nghe không và khi ông ấy nói thế, người dân nghe sẽ nghĩ như thế nào?”.
Theo lời vị Bí thư xã Thành Công Dương Đình Sáu, ông này đã 17 năm 6 tháng giữ chức chủ tịch xã ở xã Thành Công rồi sau mới chuyển sang làm bí thư. Bên cạnh đó, ông Dương Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết: "Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo có xóm lên đến 46%".
Nói về trách nhiệm của người lãnh đạo trong bối cảnh địa phương còn khó khăn như vậy, bà Khá cho rằng: “Khi nhận xét về dân trí của người dân ở một số nơi có điều kiện khó khăn, mức sống còn chưa cao thì trách nhiệm của người lãnh đạo phải được đặt cao hơn. Tại sao lại chửi dân như thế?
Nếu đúng như thế thì ông Bí thư xã đó nên tự xem xét lại mình. Trong bối cảnh, chúng ta đang thực hiện theo phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết TƯ 4 thì tinh thần phê và tự phê phải rất cao. Tinh thần phê và tự phê thể hiện ở chỗ mình phải tự xem lại bản thân trước khi người khác phê cho mình. Với một vị lãnh đạo mà nói về người dân trên địa bàn của mình như vậy thì phải tự xem xét lại bản thân trước khi bị phê bình”.
“Khi soi lại mình mà thấy mình làm sai thì phải xin lỗi và tự sửa chữa. Còn khi soi lại, họ không thấy thì lại là một vấn đề khác. Nghị quyết TƯ 4 đánh giá cao sự tự giác”, vị ĐBQH này nói tiếp.
Nói về một loạt hiện tượng quan chức nói người khác “ngu”, bà Nguyễn Thị Khá chia sẻ: “Đó là những trường hợp đáng tiếc. Dân ta vẫn có câu: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” nhưng có lẽ, với những vị cán bộ phát biểu trước công luận và dân chúng thì nên uốn lưỡi nhiều hơn 7 lần trước khi nói”.