Người dân Sầm Sơn đến chật hội trường để phản ánh những tâm tư nguyện vọng của mình tới Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, ngay từ sáng sớm 7-3, mọi tuyến đường dẫn vào Hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh, thiếu niên thị xã Sầm Sơn tại thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), an ninh đã được tăng cường, thắt chặt để cuộc đối thoại trực tiếp diễn ra tốt đẹp.
Hàng trăm chiến sĩ công an, lực lượng cảnh sát cơ động CSCĐ đã được điều động về đây để đảm bảo an ninh trật tự.
Theo dự kiến, có hơn 700 ngư dân là chủ phương tiện của 705 tàu, thuyền (bè, mủng) sẽ được tham dự cuộc đối thoại và đưa ra các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mình trước Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến.
Bắt đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã thông tin tóm tắt về một số dự án đầu tư phát triển kinh tế và đặc biệt là các dự án về phát triển du lịch ở thị xã Sầm Sơn.
Theo đó, phát triển du lịch là 1 trong 5 mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế của Thanh Hóa từ năm 2015 – 2020, mà trong đó thị xã Sầm Sơn sẽ được xây dựng thành đô thị trọng điểm về du lịch của Quốc gia.
Đến 8 giờ 30 phút hội trường nơi diễn ra buổi đối thoại đã chật kín người, phía ngoài khuôn viên trung tâm, hàng trăm người dân Sầm Sơn cũng đã có mặt để theo dõi cuộc hội thoại.
Ai cũng mong chờ lãnh đạo tỉnh có những quyết định hợp lòng dân.
Lực lượng an ninh được thắt chặt để buổi đối thoại diễn ra tốt đẹp
Là một trong những người dân Sầm Sơn lên tiếng, bà Hà Thị Bản vợ của chủ tàu Văn Đình Mùi (ở phố Sơn Thủy, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn) cho biết rất đồng tình với chủ trương của tỉnh về dự án nhưng tha thiết để lại cho ngư dân mấy trăm mét bờ biển để neo đậu tàu thuyền.
“Tàu nhỏ, ngày ngày chúng tôi cũng kiếm được ít moi, ít cá, vẫn đủ sống, Giờ đóng tàu mới nhà nước có hỗ trợ đến 40%, chúng tôi cũng không có tiền để đóng” - bà Bản nói.
Hội trường xôn xao khi bà Nguyễn Thị Tròn (ở phố Đa Hải, phường Trung Sơn) nêu ý kiến muốn giữ lại khoảng 1.000 m bờ biển cho dân đậu tàu thuyền, không muốn chuyển đi nơi khác.
“Các đồng chí lãnh đạo hãy lắng nghe dân, hãy thương dân, quý dân như con. Biển là tất cả của chúng tôi” - bà Tròn bày tỏ.
Bà Hà Thị Bản đề nghị để lại mấy trăm mét bờ biển để ngư dân mưu sinh
Ngư dân Chính (xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn) cho rằng lãnh đạo hãy vì nhân dân, chia sẽ giúp đỡ nhân dân.
“Chúng tôi chỉ muốn giữ lại một số mét bờ biển để sinh sống lâu dài, chúng tôi không muốn nhận tiền đền bù. Mong ý kiến đó được các lãnh đạo quan tâm” - ông Chính nói.
Ông Nguyễn Hữu Tỵ (phường Trường Sơn) thắng thắn cho biết ông đồng ý với việc cải tạo bãi biển, nhưng các cấp lãnh đạo không cho dân biết, không lắng nghe tâm tư của dân trước khi cãi tạo lại bờ biển.
Ngư dân Hải cho rằng các đồng chí lãnh đạo cần kiểm tra lại bờ biển, có quy hoạch lại cho ngư dân 1 làng nghề để phát triển.
“Dù phát triển cái gì thì người dân cũng phải được hưởng lợi, dù ít hay dù nhiều thì Sầm Sơn cũng phải được hưởng. Chứ đưa các dự án về đây mà ngư dân không được lợi gì mà còn mất nghề thì phát triển mà làm gì?” - ngư dân Hải bày tỏ.
Tại cuộc đối thoại với người lãnh đạo cao nhất tỉnh Thanh Hóa, ông Hải đề nghị: “Tôi cũng đã nghe thông tin về việc Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án về việc gây rối trật tự công cộng.
Bà con chúng tôi là dân đi biển không hiểu luật chỉ mong các cấp chính quyền dơ cao đánh khẽ”.
Bà Vũ Thị Minh (xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn) cho biết các cấp làm vội lắm, không lắng nghe dân và đề nghị chính quyền để lại cho ngư dân một diện tích nhỏ bờ biển để mưu sinh.
Ông Văn Công Bình (ngụ phường Trường Sơn) bức xúc: “Chẳng có đời thủa nào mà ngư dân chúng tôi cào ngao ở vùng biển của mình mà lại bị cấm vì khai thác trái phép.
Chúng ta đang hô hào bám biển, giữ biển thế mà từ khi tập đoàn FLC về đây, họ đã cấm chúng tôi cào ngao, ai cho họ cái quyền đó.
Báo đài nói nhiều về việc, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, nhưng khi các anh thực diện dự án này dân chúng tôi có biết không, các anh có trao đổi với dân không. Tất cả chúng tôi đều không được biết”.
Đã có hàng chục ý kiến thể hiện tâm tư nguyện vọng của ngư dân, nhưng đa số họ không muốn nhận tiền hỗ trợ, đền bù không muốn chuyển nghề, chỉ muốn được giữ lại 1.000 m bờ biển cho người dân tiếp tục bám nghề.
Sau khi lắng nghe ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của người dân Sầm Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho rằng để xảy ra những việc như vừa qua là điều đáng tiếc, bản thân ông cũng xin nhận trách nhiệm về những việc đó.
“Vừa qua cũng có nhiều thông tin không tốt về Sầm Sơn, có một số người đã lợi dụng lôi kéo, hô hào người dân.
Tôi xin khẳng định lại biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của người dân chúng ta, trong đó có Sầm Sơn.
Tuy nhiên, biển phải được nhà nước quản lý, quy hoạch để phát triển đi lên. Biển không giao cho đúng một ai hết, nếu làm như vậy là trái với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”.
Ông Chiến nói tiếp: “Sầm Sơn là một trong những bãi biển đẹp của cả nước, nhưng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của nó nên tỉnh đã đưa ra chủ trương cải tạo lại bờ biển, biến Sầm Sơn thành bãi biển đẹp nhất của cả nước.
Biển Sầm Sơn có đẹp, có tuyệt vời hay không thì hình ảnh của bà con Sầm Sơn cũng rất qua trọng. Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã bỏ ra hơn 3.000 tỉ đồng và kêu gọi khoảng 10.000 tỉ đồng để giúp Sầm Sơn ngày một phát triển nhanh hơn”.
Nhà lãnh đạo cao nhất tỉnh Thanh Hóa nêu rõ người dân có đồng tình thì nhận tiền đền bù, chưa nhận tiền thì tiếp tục làm việc sinh sống bình thường, không phải chuyển đi đâu hết, chính quyền có ai cấm đâu.
“Nếu ai tìm thấy một văn bản có thông tin phải di dời tàu, thuyền của người dân từ ngày nào đến ngày nào thì gửi lên cho tôi, tôi sẽ xử lý việc này” - ông Chiến cam kết.