Lợi thế và tâm đầu ý hợp
Chuyến trước ông Võ Văn Út đi giữa năm 2012, theo mối quan hệ mở ra từ năm trước nữa. Một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên nuôi và chế biến cá chình, nhiều lần sang ĐBSCL tìm hiểu và đến lần thứ 20 vào cuối năm 2011, gặp ông Út tâm đầu ý hợp.
Ở chuyến đi lần thứ nhất, ông Út thấy Hàn Quốc nuôi cá chình trong bể xi măng và nhà kính rất hiện đại, nhưng người nuôi cá ở huyện Hồng Dân lại hơn hẳn về kỹ thuật nuôi trong ao đất.
Thời tiết ở Hàn Quốc có những tháng rất lạnh nên giá thành cá nuôi cao. Cơ hội liên kết rõ ra từ đó, để phát huy lợi thế hai bên. Mấy năm tiếp theo, huyện Hồng Dân tập trung tạo được đột phá trong kỹ thuật ương giống, nuôi thâm canh cá chình ao đất.
Ở ĐBSCL, nuôi cá chình lớn nhất là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nuôi cá chình cũng nhờ học từ dưới đó. Tuy nhiên, Cà Mau nuôi quảng canh còn ở Bạc Liêu, đặc biệt là huyện Hồng Dân nuôi thâm canh năng suất cao.
Ở ĐBSCL, nuôi cá chình lớn nhất là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nuôi cá chình cũng nhờ học từ dưới đó. Tuy nhiên, Cà Mau nuôi quảng canh còn ở Bạc Liêu, đặc biệt là huyện Hồng Dân nuôi thâm canh năng suất cao.
Ông Võ Văn Quang ở xã Ninh Hòa (Hồng Dân) được Bí thư Út giúp nuôi cá chình thành công với 1,5 ha, nay đang thử nghiệm nuôi mật độ mỗi mét vuông đến 10 con, gấp 40 lần ở Cà Mau. Với mật độ này, sau 4 tháng thu hoạch (bình thường một năm), trọng lượng cá nhỏ nhưng một năm nuôi được nhiều vụ.
Trước đây, cá chình giống thả nuôi cỡ 50 con/kg. Hiện nay, ở huyện Hồng Dân đã thả nuôi được giống cỡ 200 con/kg, khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ. Lại có người thâm canh cá chình lớn như ông Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, thả con giống cỡ lớn, sau một năm mỗi con đạt 5 - 6 kg, chỉ gần nửa héc-ta, một năm ông Tuấn thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Thành công lớn nữa ở huyện Hồng Dân là ương cá chình giống. Nhờ Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ, huyện Hồng Dân lập Trại thực nghiệm hai năm nay, hợp tác với Viện Thủy sản 3 ở Nha Trang, mỗi năm sản xuất khoảng 400.000 con giống. Riêng gia đình ông Út có cơ sở ương giống do con gái và con rể đều là kỹ sư nuôi trồng thủy sản trông nom, năm 2013 sản xuất được 600.000 con giống, năm nay ước một triệu con.
Liên kết
Sau chuyến đi đầu của Bí thư Út, các bước liên kết được triển khai cụ thể. Theo đó, phía Hàn Quốc lo nhà máy chế biến (công nghệ Nhật Bản) và thị trường tiêu thụ; Hồng Dân thành lập doanh nghiệp đối tác lo ương nuôi và địa điểm xây dựng nhà máy. Lúc đầu, nhà máy tính xây dựng ở Hồng Dân nhưng đường bộ chưa chạy được xe container và nhiều trắc trở khác.
Ở tỉnh Bạc Liêu lại chưa có khu công nghiệp cho nhà máy chế biến thủy sản. Cuối cùng, nhà máy tìm vị trí ở quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) và trên đó, lại có thêm một doanh nghiệp tiềm lực mạnh làm đối tác đầu tư nhà máy.
Bí thư Út tính toán, công suất nhà máy mỗi ngày 5 tấn cá nguyên liệu, thời gian đầu ở Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng hai phần, còn lại nhập từ Hàn Quốc. Dần dần, mở rộng vùng nuôi thâm canh ở Hồng Dân để đáp ứng. Sản phẩm chế biến tiêu thụ ở Việt Nam và Hàn Quốc.
Chuyến đi Hàn Quốc mới rồi, ông Út khảo sát giá ở Hàn Quốc, cho biết: “Giá cá nuôi ở Hồng Dân đầy sức cạnh tranh và còn có thể hạ thấp hơn nữa, nên cơ hội mở rộng thị trường là rất lớn. Hy vọng sẽ có hàng trăm hộ thâm canh cá chình ở Hồng Dân giàu bền vững”.
Mấy lần, đích thân ông phải sang Hàn Quốc bán cá là bởi có doanh nhân xứ kim chi từng nói thẳng: chỉ muốn làm việc với ông. Không có tư cách pháp nhân để ký các văn bản liên kết, nhưng ông đích thân đi tiếp thị và cuốn cả tập thể lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và người dân vào cuộc. Con cá chình liên kết với Hàn Quốc cũng là thành công của liên kết nhiều “nhà” trong nước.
Và tầm nhìn
Huyện lỵ Hồng Dân là thị trấn Ngan Dừa có khu thương mại sầm uất, cũ mới hài hòa những dãy phố chợ cao tầng, những ngôi nhà lồng đan xen công viên trải dài theo con sông nhộn nhịp tàu thuyền. Chủ tịch UBND huyện Lương Phương Đông cho biết, khu thương mại rộng hơn 4 ha.
Một buổi chiều, PV Tiền Phong cùng Bí thư Út đi đến khu thương mại. Ông tâm sự, sinh ra tại Ngan Dừa nhưng lấy vợ và ở thị trấn Phước Long vì trước năm 2000, hai huyện là một và nhờ có thời gian làm Bí thư Huyện Đoàn nên ông quen gắn bó với dân. Bây giờ, hằng ngày, ông vẫn chạy xe máy đi làm từ nhà ở thị trấn Phước Long đến Ngan Dừa, xa hơn chục cây số. “Cũng vất vả”, phóng viên nhận xét. Ông cười: “Nhưng vì vậy mà đỡ ăn nhậu nên có thời gian làm việc”.
Chuyến sang Hàn Quốc của Bí thư Út mới rồi, thống nhất kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến, dự kiến đầu năm 2015 đi vào hoạt động. Huyện Hồng Dân đã cử 4 nhân viên ở Trại thực nghiệm sang Hàn Quốc tập huấn, chuẩn bị cho liên doanh nuôi và mua cá chình đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, tại huyện Hồng Dân.
Ông kể: “Hồi đầu xây khu thương mại này, tôi bị dân vác dao đòi chém”. Đó là hồi mới chia huyện, khu này lau sậy mịt mù, Hồng Dân được gọi là “huyện lau sậy”.
Buôn bán ở huyện lỵ lúc đó chỉ có hai dãy phố cũ dài non cây số, nằm bên đoạn rạch cạn, ô nhiễm nặng. Ông Út làm Chủ tịch UBND huyện (năm 2006-2010), chủ trương lấp đoạn rạch ô nhiễm, xây dựng công viên và mở khu thương mại vào đám lau sậy dọc theo sông lớn.
Lợi ích cá nhân với tầm nhìn hạn hẹp chống lại việc cải tạo chợ cũ, mở chợ mới. Thưa kiện căng thẳng đến mức, vài doanh nghiệp ban đầu hào hứng tham gia, nửa chừng bỏ chạy. Rồi thanh tra, kiểm tra. Bầm dập nhưng tâm huyết một nhiệm kỳ chủ tịch huyện của ông đã để lại cho hôm nay công trình sinh lợi, còn ông có thêm biệt danh dân dã “Chủ tịch chợ” không dễ mấy ai làm quan có được.
Nay ông Út đi trên công viên lấp đoạn rạch ô nhiễm hồi nào, được dân phố chợ hỏi han. Ông dừng trước một quầy hàng, cười cười: “Nhớ tôi không?”. Cười theo: “Nhớ chớ”. Ông hỏi tiếp: “Sao hồi đó vác dao đòi chém tui?”. Họ cười vui hơn: “Thì chưa hiểu ra thôi, thế nên mới cần lãnh đạo có tầm nhìn xa”. Nay lại hy vọng con cá chình Hồng Dân thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu.