Chân dung người “tham”… học
Vốn là người thông minh, ham mê học hỏi, lại được tiếp xúc với những sách vở liên quan đến ngôn ngữ từ nhỏ nên Nguyễn Thị Phương Thùy (SN 1981) sớm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở thành một giảng viên xuất sắc của khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Tốt nghiệp Đại học năm 2002, với thành tích đặc biệt xuất sắc, Phương Thùy không phải học thạc sĩ mà được chuyển thẳng làm nghiên cứu sinh. Thời gian làm nghiên cứu sinh với Thùy quả thực rất bận rộn.
“Một lần sau giờ dạy, bước ra khỏi lớp thì có một số bạn đi cùng để hỏi bài, trong nhóm sinh viên đó phần lớn bạn nào cũng to cao trong khi đó mình vừa gầy vừa thấp. Khi các bạn vây lại để nghe giảng bài, một mình bé tí đứng giữa bất ngờ có một bạn nói là cô "tí hon" giảng bài nghe mãi không chán. Cũng chính từ đó biệt danh tiến sĩ "tí hon" được gọi và nhắc đến mãi” - chị Thùy chia sẻ.
Mặc dù không phải làm luận văn cao học nhưng thời gian ấy chị vẫn tham gia học các chuyên đề cao học để bổ sung kiến thức, đồng thời tập trung làm đề tài nghiên cứu sinh.
Ngoài những buổi lên giảng đường, tự học tập nghiên cứu trên thư viện và ở nhà, chị còn tất bật với công việc do khoa phân công như phụ trách lớp tại chức, trợ lý cho sinh viên, phụ trách hoạt động đoàn…
Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị chia sẻ: “Ngoài thời gian dành cho học tập và công việc trợ lý do khoa giao, mình đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cộng tác viết báo, làm gia sư… Mình thấy những công việc đó giúp mình có thêm kinh nghiệm giảng dạy thực tế và học hỏi được nhiều điều. Thầy cô, bạn bè bảo mình sao mà tham học thế?”.
Khó khăn là vậy nhưng chị vẫn hoàn thành việc nghiên cứu trước thời hạn. “Nếu không bận rộn với công việc của trường và ham đi dạy thêm thì mình vẫn có thể bảo vệ luận án sớm hơn rất nhiều”, chị Thùy cho hay.
Cầm tấm bằng Tiến sĩ khi mới 27 tuổi, Phương Thùy khiến không ít người nể phục bởi tài năng và thành tích học tập xuất sắc của mình.
Vốn là một cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn tốt nên năm 2006, chị được khoa Ngôn ngữ học tin tưởng phân công giảng dạy tại trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương (Quảng Đông, Trung Quốc).
Gần nửa năm công tác, chị Thùy đã có những dấu ấn và rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu. Thực tế giảng dạy và những kiến thức đúc kết từ sách vở đã giúp cho chị ngày càng tạo được lòng yêu mến đối với học sinh.
Ở cương vị của một giáo viên, nhưng chưa bao giờ chị quên nhiệm vụ học tập. Chị tâm sự: “Mình được cử sang đó đi dạy chứ không phải đi học. Tuy nhiên mình luôn nghĩ trong đầu rằng ngoài việc “cho chữ” thì cần phải học hỏi để “nhận” thêm nhiều chữ” hơn nữa. Môi trường giáo dục có một sự khác biệt riêng và có điểm mạnh riêng. Đó là điều ta cần quan sát và tiếp thu”.
Khi trở về nước tiếp tục công việc nghiên cứu, chị lại đón nhận một niềm vui mới đó là thi đỗ chương trình đào tạo liên ngành của Viện khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng khoa học xã hội Hoa Kỳ. Chị theo học chương trình đào tạo này nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy và làm việc ở trường. Đến năm 2008 chị vinh dự được bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp nhà nước.
Giới trẻ nên mạnh dạn và thẳng thắn hơn
Cầm tấm bằng Tiến sĩ trong tay, nữ giảng viên trẻ dường như vẫn không ngừng học hỏi. Và cơ hội lại đến khi trường Đại học Quốc gia Hà Nội có đề án cử cán bộ sang Canada để bổ trợ kiến thức, chị là một trong những cán bộ đi du học.
Mặc dù đã có gia đình và đặc biệt là con nhỏ nhưng nhờ sự chia sẻ, tạo điều kiện của gia đình, chị vẫn lên đường tu nghiệp. Chị quan niệm, mỗi lần đi ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu là cơ hội để cho mình hoàn thiện và học hỏi.
“Thời gian học ở Canada, tôi thấy mình rất may mắn khi được dự giờ trong các buổi giảng dạy, thuyết trình của các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành của nước bạn. Từ đó tôi đã tiếp thu và chọn lọc được rất nhiều phương án, phương pháp giảng dạy khoa học”, chị Thùy cho biết.
Nhớ lại những kỉ niệm trong thời gian ấy, chị Thùy chia sẻ: "Ở Canada, ngoài phương pháp giảng dạy, điều khiến tôi ấn tượng đó là trang thiết bị, phương tiện học tập của nước bạn. Mỗi sinh viên một bàn riêng, khi vào lớp thì sóng điện thoại dường như không có.
Một lần tò mò tôi đã ngồi đếm số bóng đèn trong một phòng học, đếm xong mình thấy khá bất ngờ khi gần đến 100 chiếc. Ngoài ra, hệ thống thư viện được mở cửa 24/24h phục vụ cho nhu cầu học tập, tra cứu. Không thể kết luận cứ có phương tiện tốt là học giỏi song đó cũng là điều chúng ta nên học tập".
Đúc rút những kinh nghiệm trong quá trình học tập và giảng dạy tại nước ngoài, chị Thùy cho rằng, để hiệu quả học tập tốt hơn, các bạn trẻ ngày nay nên chủ động bày tỏ ý kiến và trao đổi chuyện học hành với giáo viên.
Trong một chuyến công tác ở Trung Quốc, chị Thùy vô cùng ấn tượng khi thấy các bạn sinh viên rất thẳng thắn trao đổi chuyện học tập, tâm tư suy nghĩ với thầy cô.
“Tôi đã chứng kiến cảnh sinh viên lên phòng chủ nhiệm khoa nói chuyện thẳng thắn như hai người bạn. Tất nhiên giữa thầy và trò vẫn có khoảng cách về tôn ti nhưng trong cách nói chuyện họ rất thẳng thắn nhưng cũng không kém phần thân mật”, chị Thùy nhớ lại.
Tiến sĩ Thùy (đứng ở thứ tư hàng thứ nhất từ trái sang) chụp cùng các chuyên gia nước ngoài tại Quảng Châu. (ảnh nhân vật cung cấp).
Là một người đang giảng dạy về chuyên ngành ngôn ngữ học, khi chia sẻ về một số ngôn ngữ của giới trẻ hiện tại chị Thùy cho rằng: “Hiện nay, giới trẻ đang lạm dụng nhiều chữ nước ngoài trong văn nói và sử dụng một số ngôn từ không được chuẩn mực. Nếu như sử dụng ít và chỉ dùng để nói đùa thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên nếu để nó đi vào tâm thức của một thế hệ thì không nên”.
Khi được hỏi về nguyện vọng hay mong muốn gì trong cuộc sống hiện tại chị Thùy cười và nói: "Là một người làm trong ngành giáo dục, điều khiến mình đang trăn trở nhất bây giờ là cần có một chính sách tốt nhất cho các con em dân tộc miền núi. Mong cho con em những vùng dân tộc miền núi luôn ăn no, ăn đủ, học hành tử tế".
Mặc dù được đi đến những môi trường giáo dục hiện đại nhưng khi đề cập đến một lời mời công tác ở những quốc gia có điều kiện giảng dạy tốt hơn, chị Thùy lắc đầu cười và nói: “Việt Nam là quê hương và nơi đây vô cùng đẹp. Dù đi đâu chăng nữa, tôi vẫn luôn muốn học hỏi để cống hiến cho nên giáo dục nước nhà, đặc biệt là cống hiến cho trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc Gia Hà Nội”.