Bí quyết bỏ túi “nghìn đô” từ nuôi gà đen quý hiếm

Hải Đăng |

Gà đen Ayam Cemani là một giống gà quý có nguồn gốc từ đảo Java của Indonesia hiện đang được vườn Chim Việt (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đưa về nhân nuôi thử nghiệm rất thành công.

Anh Trần Nhữ Giáp – chủ Vườn Chim Việt - nơi đang nuôi hàng trăm con gà “nghìn đô” quý hiếm cho biết, dù là loài vật rất quý, song, nếu có kiến thức và kỹ thuật thì nuôi loại gà này cũng rất đơn giản.

Chỉ cần một chút thời gian bỏ ra là có thể chăn nuôi và chăm sóc tốt cho loại gà này.

Theo anh Giáp, cũng giống như tất cả các loại gia cầm đang nuôi tại Việt Nam, gà Ayam Cemani cũng sinh trưởng phát triển qua các giai đoạn.

Đơn cử như giai đoạn úm gà con rất cần nhiệt độ vì thế trong khoảng 25 ngày tuổi, người nuôi nên để ý kỹ lưỡng, luôn thắp sáng bằng bóng điện đỏ, một phần giữ nhiệt tốt, một phần giúp gà ăn uống liên tục trong vòng 24h để gà con có thể phát triển một cách nhanh nhất.

Thức ăn chủ yếu là cám gà con, bổ sung thêm loại vitamin tổng hợp trộn thêm thuốc úm (có bán tại các hiệu thuốc gia cầm, thủy cầm).

Theo anh Giáp, người nuôi nên lưu ý một điều nhỏ, khi nở ra gà con hầu như không có lông, chỉ có một chút tại đầu 2 cánh gà, vì vậy nhiệt độ để sưởi và giữ ấm cho gà (nhất là trong mùa đông này) phải được duy trì.

Cũng theo anh Giáp, người nuôi cần duy trì và thực hiện đúng quy trình làm vacxin cho gia cầm để đảm bảo cho chăn nuôi về sau đồng thời giảm nguy cơ chết đến 90% trong quá trình nuôi.

Sau khi gà được 1 tháng tuổi, tùy vào điều kiện và thời tiết từng vùng mà chúng ta có thể tùy cơ ứng biến.

Lúc này sức đề kháng của gà đã tương đối tốt, vì vậy ban ngày ta nên tắt bóng điện, cho gà ra nơi thoáng mát (nhiệt độ trong khoảng từ 25-35 độ), ban đêm duy trì nhiệt độ này bằng cách thắp điện cho gà.


Anh Giáp cho biết: Gà đen Ayam Cemani thương phẩm dòng quý hiếm này có giá hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào mẫu mã và khách chơi.

Anh Giáp cho biết: Gà đen Ayam Cemani thương phẩm dòng quý hiếm này có giá hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào mẫu mã và khách chơi.

“Sau khi gà ngoài 1,5 tháng tuổi, chúng ta có thể nuôi gà như bình thường, thức ăn bổ sung kèm thêm rau, củ và các loại quả, nếu có điều kiện một tuần có thể bổ sung 1-2 lần các loại sâu.

Ngoài môi trường nuôi nhốt, chúng ta có thể nuôi theo cách thả vườn như gà ta thông thường, thức ăn lúc này có thể bổ sung các loại ngô, thóc…, nuôi đến khi gà đạt cân nặng trên dưới 1,5kg là có thể thịt và bán cho khách” - anh Giáp chia sẻ.

Ngoài ra, đến thời gian gà sinh sản, để cho tỷ lệ ấp nở của trứng đạt cao, anh Giáp khuyến cáo người nuôi nên bổ sung các loại vitamin như kẽm, magie, nên nuôi nhốt theo tỷ lệ 1 trống 2 mái hoặc 3 mái.

“Trong thời gian gà sinh sản tuyệt đối không được dùng các loại vacxin hay kháng sinh. Nếu dùng chắc chắn ấp nở sẽ không thành công. Đối với gà bị bệnh nên tách riêng điều trị, tránh lây lan cho cả đàn” –anh Giáp khuyến cáo.


Gà đen Ayam Cemani được nuôi nhốt trong lồng sắt rất rộng, đảm bảo cho gà có thể chạy nhảy giúp chất lượng thịt ngon như được thả ngoài tự nhiên.

Gà đen Ayam Cemani được nuôi nhốt trong lồng sắt rất rộng, đảm bảo cho gà có thể chạy nhảy giúp chất lượng thịt ngon như được thả ngoài tự nhiên.

Cũng là một người có thâm niên nuôi gà đen Ayam Cemani và hiện đang nuôi hàng chục con giống và thương phẩm, anh Nguyễn Văn Tâm ở Bắc Giang cho biết:

Để nuôi được gà đen có chất lượng tốt nhất nên cho gà ăn những thức ăn tự nhiên, có sẵn như lúa, ngô…, sẽ tốt cho gà hơn vì thực tế nếu cho ăn thức ăn tổng hợp nhiều dưỡng chất gà cũng không lớn nhanh hơn hay to hơn nuôi bằng thức ăn tự nhiên là mấy.

“Tại Indonesia theo quan sát của tôi thì đa phần người nuôi chọn phương pháp nuôi bán công nghiệp: thức ăn tổng hợp + thức ăn tự nhiên sẵn có, đây có lẽ là sự lựa chọn khá hợp lý và phù hợp với điều kiện của mọi người” – anh Tâm cho hay.

Anh Tâm cho biết thêm, anh đã từng thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi giống gà này ở một số nước trên thế giới, người nuôi vẫn nhốt những chú gà vào một cái lồng tre hoặc gỗ rất hẹp theo cách truyền thống.

Điều này gây khá nhiều tranh cãi vì theo những lý thuyết căn bản về chăn nuôi khi nhốt trong không gian chật hẹp vật nuôi rất dễ bị stress và ảnh hưởng tới sự sinh sản và sinh trưởng của vật nuôi.

“Tuy nhiên, khi tới Indonesia điều này được chứng minh ngược lại, chúng tôi có dịp đi thăm một số trang trại khá có tiếng tại đây và họ nuôi một số lượng gà khá lớn trong không gian cực kì chật hẹp và tối nhưng những chú gà phát triển khá tốt, thậm chí nhìn chúng có vẻ lanh lợi hơn hẳn (có thể một phần do dòng giống tốt)” –anh Tâm nhớ lại.


Cận cảnh trứng gà đen.

Cận cảnh trứng gà đen.

Với phương pháp nuôi nhốt, anh Tâm cho rằng, về mặt khoa học có vẻ hơi kì quặc nhưng đây là một điều khá thú vị để học hỏi từ những chủ trang trại ở đó. Ngoài nuôi nhốt thì chúng ta có thể nuôi gà Cemani theo kiểu gà thả vườn.

Với bản tính tò mò, hiếu kì cộng thêm khả năng ăn rau đáng kinh ngạc thì không có gì lạ nếu sau một thời gian cỏ cây trong khu vườn của bạn có thể bị chúng ăn đến mức trơ cành.

Theo anh Tâm, đối với gà trưởng thành chúng ta cho gà ăn 2 lần 1 ngày vào sáng sớm và chiều. Riêng với gà Ayam Cemani mái, để nâng cao sức sản xuất trứng chúng ta nên cho ăn thức ăn tổng hợp cộng thức ăn tươi.

Với những trứng có đực (cồ) có thể dùng gà mái hoặc ngan, vịt để ấp, hiện nay khi công nghệ phát triển chúng ta có thêm lựa chọn là những chiếc máy ấp trứng.

Cũng theo anh Tâm, gà Ayam Cemani là giống gà không ấp vì vậy nếu chú gà mái Ayam Cemani của bạn đột nhiên đòi ấp thì đó quả thực là một trường hợp khá hiếm.

Sau mỗi đợt trứng, gà Ayam Cemani mái sẽ ngưng đẻ để có thời gian tích trữ thêm năng lượng cho lứa đẻ tiếp theo.

Trung bình 1 năm gà Ayam Cemani tại trang trại của anh đẻ trung bình 80 quả (thông thường là 60 quả) tức là 3-4 ngày gà Cemani sẽ đẻ 1 quả và cũng giống đa phần những giống gà khác trứng gà Ayam Cemani nở sau 21 ngày ấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại