Mặc dù cướp được cả một tài sản kếch xù, nhưng chúng chủ yếu chi tiêu cho những thú vui thác loạn của cá nhân, còn người thân của họ vẫn sống lay lắt với phận nghèo tận đáy của xã hội.
Bủa vây và sa lưới
Vào đầu thế kỷ XXI, trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh miền Nam liên tục xảy ra hàng loạt vụ cướp kinh hoàng. Trong đó, bọn cướp sẵn sàng dùng súng nã vào những nạn nhân chống cự. Trong quá trình điều tra, công an khá thận trọng trong việc lấy lời khai, thu thập bằng chứng với quyết tâm đưa các đối tượng ra ánh sáng. Mặc dù vậy, tất cả thông tin về bọn cướp đều mù tịt. Lắm lúc, lực lượng công an rơi vào ngõ cụt trong quá trình điều tra.
Sau một thời gian, công an phát hiện, mặc dù các vụ cướp xảy ra nhiều nơi, đầu đạn rơi tại hiện trường cũng không giống nhau nhưng tất cả quá trình của các vụ cướp đều có cùng điểm chung là chờ chủ tiệm vàng dọn về, đeo bám rồi ra tay. Từ điều này, công an xác định, tất cả những vụ cướp vàng chấn động trong khoảng thời gian ngắn trên địa bàn là cùng một băng nhóm gây ra.
Nhận định, đây là một băng cướp tàn độc, manh động, chuyên nghiệp, chỉ nhắm đến những tiệm vàng có số lượng lớn, đồng thời sẵn sàng dùng súng để ra tay đối với những người chống cự. Do đó, Tổng cục Phòng chống tội phạm Bộ Công an quyết định xác lập chuyên án để truy xét.
Những trinh sát, điều tra viên giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất, được điều động để tham gia chuyên án đặc biệt này chỉ với một quyết tâm cuối cùng là bắt các đối tượng quy án. Từ khi chuyên án được mở cho đến khi bắt được các đối tượng đã ba lần thay đổi trưởng ban chuyên án, từ trung tướng Nguyễn Việt Thành đến trung tướng Phạm Thành Nam và cuối cùng là thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến.
Từ đầu năm 2011, hàng chục trinh sát, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của các phòng 4, 5, 8 ở Cục Cảnh sát hình sự từ Hà Nội được Bộ Công an điều tăng cường hỗ trợ cho Cục Cảnh sát hình sự phía Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, các trinh sát lần tìm và xác định nghi án 8 đối tượng thuộc băng cướp khét tiếng này. Trong đó, người đứng đầu là Lê Anh Kiệt (SN 1964, quận 8, TP.HCM). Kẻ giúp sức và là cánh tay phải đắc lực của đàn anh này là Huỳnh Minh Tiếm.
Dưới trướng hai tên này là Nguyễn Văn Nhãn (tự Lùn, SN 1957, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), Đặng Văn Phước (SN 1951, tỉnh An Giang), Phan Văn Tưởng (SN 1973, tỉnh Tây Ninh), Trần Hữu Lộc (SN 1978, quận 7, TP.HCM), Nguyễn Tấn Thông (SN 1976, huyện Trảng Bàng, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Đức Công (SN 1968, quận 8, TP.HCM). Trong đó, có ba tên là Lộc, Thông và Công đã chết do ăn chơi trác táng và sốc ma túy.
Các đối tượng còn sống, ngoài Nhãn vẫn hoạt động trong giới giang hồ, bốn tên còn lại đều ẩn mình khá tốt và tạo cho mình vỏ bọc kín đáo. Tiếm là chủ sở hữu hai chiếc xe ủi, san lấp mặt bằng ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Mỗi buổi sáng, Kiệt chở vợ ra chợ đầu mối lấy rau về bán ở đường Lê Văn Lương, quận 7. Riêng Tưởng sở hữu một ga-ra nổi tiếng, thường xuyên nhận nhiều hợp đồng sửa chữa ô tô lớn.
Vào giữa năm 2011, các điều tra viên phát hiện Tưởng có chuyến sang Campuchia mua súng, sau đó giao cho Kiệt cất giữ. Công an nghi ngờ băng nhóm này đang định trở lại chốn giang hồ nên trinh sát bám sát suốt ngày đêm. Bên cạnh đó, một mũi trinh sát khác lại phát hiện, Nhãn và Tiếm thường xuyên lui tới ở quận 4 và để ý một tiệm vàng tại đây.
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, trưởng ban chuyên án, nhận định, có thể, băng nhóm này sẽ thực hiện vào một ngày mưa để dễ dàng xóa bỏ dấu vết. Thời gian đó là tháng 10, mùa mưa của TP.HCM nên các trinh sát, điều tra viên phải làm việc cật lực hơn rất nhiều, tránh trường hợp để bọn chúng thoát tội.
Ngày 8.10.2011, tổ trinh sát đeo bám Kiệt, nhận thấy gã có nhiều dấu hiệu khác thường. Rạng sáng hôm đó, gã vẫn chở vợ đi chợ mua rau, nhưng sau đó cố thủ trong nhà, không hề bước ra đường. Đến chừng 17 giờ, Kiệt dắt xe đi khỏi nhà. Hôm đó trời lại mưa.
Nghi ngờ bọn chúng sẽ thực hiện vụ cướp vào chính đêm hôm đó nên thiếu tướng Tuyến ra lệnh phải bám sát đối tượng, đồng thời biết gã đến đâu thì phải báo về cho lãnh đạo để có phương thức hành động phù hợp. Kiệt đến quán cà phê Thu Hồng (Lê Văn Lương). Nhiều trinh sát nhanh chóng được điều động, giả vờ là khách vào uống cà phê đồng thời nhiều chiến sĩ khác được rải khắp ở bên ngoài.
Chừng 18 giờ cùng ngày, hai đối tượng Tiếm và Nhãn cũng đến quán cà phê với một bao vũ khí trên tay. Ngay khi bọn chúng đang ngồi, bàn tán về kế hoạch sẽ cướp tiệm vàng ở quận 4 vào tối hôm đó, công an liền ập đến bắt giữ. Chừng 23 giờ cùng ngày, lệnh bắt khẩn cấp Tưởng được ký và một nhóm điều tra viên ập vào nhà bắt. Khi tra tay vào còng, gã chỉ kịp lí nhí: “Em xin bán hết tài sản để bồi thường, xin đừng tử hình em”.
Đến chết vẫn thể hiện bản chất “giang hồ chính hiệu”
Trinh sát Hồ Sỹ Cường, người trực tiếp lấy lời khai Kiệt ban đầu cứ ngỡ có lẽ phải đấu trí, dùng nhiều mưu mẹo mới moi được thông tin. Tuy nhiên, không như các đàn em của mình, khúm núm, sợ sệt, lí nhí trả lời, Kiệt tỏ ra là đàn anh thực sự trong giới giang hồ, rành mạch nhận tội và kể hết tất cả những phi vụ đã thực hiện cũng như ai chính là kẻ dùng súng nã vào nạn nhân.
Hắn khẳng định, mình là đại ca trong băng nhóm này. Khi thành lập “bang hội”, mỗi lần ra tay, hắn lại dõng dạc: “Nếu trong lúc cướp, nạn nhân chống trả, đứa nào cầm súng mà không bắn thì họng súng sẽ chĩa vào đầu thằng đó và chính tao sẽ là người bóp cò”. Cũng chính vì mệnh lệnh này mà trong các phi vụ cướp cứ hễ nạn nhân bám đuổi, cố lấy lại tài sản thì chúng lại nã súng không thương tiếc.
Không chỉ thế, Kiệt còn thể hiện bản chất "giang hồ chính hiệu" khi thừa nhận: “Tôi là đại ca của băng cướp. Trước khi ra tay, chính tôi sẽ là người trực tiếp khảo sát tình hình, thói quen của chủ tiệm vàng, mỗi khi ra về họ sẽ đi đường nào… Khi đã quyết định, khâu chuẩn bị phải thật hoàn hảo. Đối với tôi, đã ra tay thì phải thành công nếu không là vô tài bất tướng”. Khi được thẩm vấn về việc dùng súng bắn các nạn nhân, giọng hắn lạnh tanh thừa nhận: “Tôi đã làm thì tôi thừa nhận. Tôi nhận tội hết”.
Kiệt khiến các trinh sát cũng phải bất ngờ khi “tỏ lòng”: “Tôi không nghĩ mình bị bắt sớm thế. Khi ra tay thực hiện các vụ cướp vàng, tôi biết chắc chắn, ngày này cũng sẽ đến. Nhưng tôi thừa khả năng và có rất nhiều chiêu đối phó với công an nên cứ nghĩ ít nhất cũng phải 60 tuổi chứ không phải mới 47 như bây giờ. Mà lúc đó già rồi, tôi chết cũng không còn hối tiếc”.
Kẻ cầm đầu khẳng định, từ trước đến nay, cứ mỗi lần thực hiện thì băng cướp này phải có ít nhất hai khẩu súng để “Lỡ khẩu này có chuyện gì thì lại có khẩu khác tiếp ứng”. Thế nhưng, trong phi vụ cuối cùng, trước khi thực hiện thì đã có chuyện bất thường xảy ra. Kiệt yêu cầu Tiếm đưa cho Nhãn 17 triệu đồng để sang Campuchia mua hai khẩu súng.
Tuy nhiên, do Nhãn là kẻ nghiện ma túy nặng, lúc đó, số tiền cướp vàng trước đó đã tiêu sạch nên khi có số tiền lớn trong tay hắn liền dùng tất cả mua ma túy để thỏa cơn nghiện. Biết được chuyện này, Tiếm lại phải chi tiền lần hai đưa cho Tưởng gần chục triệu sang Campuchia. Với số tiền này, bọn chúng chỉ mua được một khẩu súng K54 và 3 viên đạn. “Có lẽ, cũng vì điều này mà chúng tôi bị bắt còn nếu không thì ít nhất băng cướp này cũng phải tồn tại cả chục năm nữa”, Kiệt cho biết.
Trong quá trình lấy lời khai, Kiệt còn kể rằng, trước khi bị tóm bốn ngày, hắn đã nằm mơ điềm xấu là mình bị bắt. Vốn là một kẻ hoạt động trong giới giang hồ, những giấc mơ như thế cũng khiến hắn phải suy tư rất nhiều. “Tôi đã nhận thấy điều gì đó không hay nên có ý định không làm, nhưng Tiếm và Nhãn quá hối thúc vì đã hết tiền tiêu, không ngờ điềm báo trong giấc mơ là sự thực”.
Khi được thẩm vấn về “núi vàng” cướp được, Kiệt thừa nhận, sau mỗi phi vụ, bọn chúng liền chia nhau theo kiểu người nào có công nhiều thì được chia nhiều, ai có công ít thì được chia ít. Hầu hết số vàng cướp được bọn chúng đưa về, dùng hàn khò lại thành cục rồi đem đi bán và mua vàng miếng cất giữ, tiêu xài. Nói là cất giữ, nhưng thực chất, tất cả bọn chúng đều dùng số vàng cướp được tung vào các trò ăn chơi đàn đúm. Đến khi bị bắt, số vàng cướp được đều đã bốc hơi theo các cuộc ăn chơi trác táng.
Sự thực về kẻ cầm đầu
Suốt quá trình lấy lời khai, Kiệt đều hùng hồn thừa nhận mình chính là ông trùm, đàn anh của băng cướp này. Tuy nhiên, thấp thoáng trong lời khai của gã cũng như các đàn em thì Kiệt chỉ là hình nhân thế mạng, còn kẻ đứng sau giật dây chính là Huỳnh Văn Tiếm. Khi băng cướp bị tóm, đầu gã đã chấm muối tiêu. Đến lúc ra trước vành móng ngựa, đầu gã đã bạc trắng, chân tay yếu, run rẩy, không đứng lâu được nên xin chủ tọa “đặc cách” được ngồi trong suốt ba ngày phiên tòa diễn ra.
Tiếm sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 11 đứa con ở ấp Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Gã là con thứ tư. Tiếm mang bên mình danh sách tiền án tiền sự dài dằng dặc khiến những người mới đọc vào ai cũng phải cảm thấy ớn lạnh. Gã nhiều lần vào tù vì các tội "Cướp tài sản", "Chế tạo, tàng trữ vũ khí trái phép"…
Khoảng năm 1992, Tiếm đang thi hành án tại Trại giam Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước) thì gặp Kiệt đang thụ án 6 năm tù giam vì tội "Giết người". Qua đôi mắt già nua, sành đời, Tiếm nhận thấy, đằng sau Kiệt là cả một con người lạnh lùng, có khả năng tổ chức và rất quyết đoán nên tìm mọi cách để kết thân. Suốt thời gian ngồi trong tù, Tiếm và Kiệt trở thành đôi bạn thân và là đại bàng trại giam. Hai người mãn hạn tù cùng lúc và trước khi chia tay đã trao đổi số điện thoại, địa chỉ với lời hứa: “Sau này có gì bọn mình còn liên lạc”.
Sau khi ra tù, Tiếm về quê sống lương thiện được một khoảng thời gian ngắn bằng công việc tay chân. Nhận thấy, công việc đang làm quá cực khổ, tiền kiếm lại không được bao nhiêu. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cũng không có cách gì để giàu lên một cách nhanh chóng. Một lần, ngồi xem phim, hắn nhìn thấy một vụ cướp tiệm vàng nên nảy sinh học theo.
Nghĩ là làm, hắn lận lưng khẩu súng K59 từ Tây Ninh xuống Sài Gòn rủ người bạn tù lúc xưa thực hiện cùng. Tuy nhiên, lúc này, Kiệt mới bị tai nạn nên từ chối và giới thiệu đàn em của mình là Lộc. Phi vụ đầu thành công, cơn khát vàng của Tiếm ngày càng được đánh thức. Hầu hết trong tất cả các phi vụ, Tiếm luôn là kẻ rủ rê, xây dựng kế hoạch cùng với Kiệt.
Khi tung tích các đối tượng bắt đầu bị rò rỉ, thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến đã gọi đại tá Hồ Sỹ Tiến (nguyên Phó C45) và đại tá Phạm Văn Tám trực tiếp xuống tận Tây Ninh để xác minh về Tiếm. Tuy nhiên, lúc đó, thông tin về gã lại là một đối tượng tên Tím hoặc Tiến đã từng bị tai nạn giao thông.
Sau một thời gian tìm hiểu, công an đã phát hiện người đó có những đặc điểm nhận dạng như đã được các đồng chí của mình thông tin trước đó. Tuy nhiên, hồ sơ tai nạn giao thông thể hiện, người đó có tên là Tiến chứ không phải là Tiếm. Sau vụ tai nạn, cán bộ địa phương cũng như người dân ở đây đều cho rằng, do bị gãy hai chân nên việc đi lại của Tiếm rất khó khăn. Bên cạnh đó, do vụ tai nạn quá nặng, bị chấn thương sọ não, đầu óc gã giờ đây đã ngơ ngơ. Thậm chí, trong hồ sơ vụ tai nạn cũng có kết luận Tiếm bị ngơ ngơ.
Tuy nhiên, bằng con mắt nhà nghề, hai đại tá Tiến và Tám nhận thấy đằng sau vẻ ngơ ngơ của Tiếm là cả một điều bất bình thường. Hồ sơ vụ tai nạn thể hiện, sau khi sự việc xảy ra, phía gia đình Tiếm không hề đòi tiền bồi thường. Tiếp sau đó, gã được đưa lên TP.HCM với lý do chữa bệnh nhưng mất dạng trong một khoảng thời gian dài.
Các điều tra viên nghi ngờ, có thể, do Tiếm biết trước, ngày xộ khám của mình trước sau gì cũng sẽ đến nên đã “chạy” trước tình trạng “ngơ ngơ” để sau này dễ bề thoát tội. Công an nhiều lần mặc thường phục, giả vờ là người dân tiếp cận và “thử” độ “điên” của Tiếm. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp cận, bằng con mắt tinh tường, những đồng chí này đều khẳng định: “Đằng sau bề ngoài ngơ ngơ là một con người bình thường”. Cũng chính vì phát hiện này, gã đã bị theo dõi sát sao cho đến ngày bị bắt.
Theo hồ sơ kết luận của cơ quan công an điều tra, Tiếm đã có hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép bốn khẩu súng quân dụng và đã có hành vi giết người trong các vụ cướp tiệm vàng Kim Thanh và Từ Minh. Hậu quả gã gây ra khiến ông Doãn Mỹ tử vong, ba người khác bị thương tật từ 6% đến 31%. Đồng thời, gã đã tham gia 8 vụ cướp vàng với vai trò chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu. Tổng số tiền gã hưởng được trong các phi vụ cướp vàng lên đến 3,4 tỷ đồng, gấp gần ba lần đối với Kiệt.
Số vàng cướp được giờ ở đâu?
Theo kết luận điều tra của cơ quan công an, băng nhóm này thu hơn 800 lượng vàng, 84 viên kim cương, 605 triệu đồng… với tổng trị giá đến thời điểm hiện nay hơn 33,3 tỷ đồng. Khi phiên tòa xét xử băng nhóm này diễn ra, nhiều người vẫn thắc mắc với số tài sản khổng lồ như vậy, bọn chúng đã sử dụng để làm gì và giờ nó ở đâu, còn bao nhiêu.
Với câu hỏi này, bọn chúng đều khẳng định đã sử dụng vào các cuộc ăn chơi trác táng, nuôi bồ nhí… Đến khi ra tòa, tất cả số tài sản này đều không còn một đồng. Thế nhưng, có lẽ, ít ai biết được rằng, băng cướp này thu được tài sản kếch xù nhưng chỉ đáp ứng thú vui chơi xa xỉ của riêng mình và để người thân sống lay lắt trong cuộc sống đói nghèo.
Lê Anh Kiệt được xem là kẻ cầm đầu trong băng nhóm này, được hưởng hàng trăm cây vàng, thế nhưng, vợ con hắn vẫn phải sống trong căn nhà thuê nho nhỏ, rách nát ở quận 8. Hằng ngày, hắn vẫn siêng năng trong việc chở vợ ra chợ đầu mối lấy rau.
Vợ con hắn sống một cách khắc khổ, nợ nần đầm đìa. Nhiều lần các con không có tiền nộp học, vợ hắn phải chạy vạy khắp nơi để mượn tiền cho con. Riêng hắn, vẫn ung dung chơi cờ tướng, cười nói một cách vui vẻ. Theo nhận định của nhiều hàng xóm, trước khi bị bắt, Kiệt luôn được mọi người nhận xét là hiền lành, chất phác, chăm chỉ làm ăn và tỏ ra thương cảm với cái nghèo của gia đình hắn. Đến khi thông tin Kiệt bị bắt được đăng tải, những người hàng xóm mới tá hỏa bởi sự tàn độc cũng như cách ăn chơi trác táng.
Bà Thanh (tiểu thương chợ Phạm Thế Hiển, quận 8, nơi vợ của Tiếm bán rau) chia sẻ: “Hằng ngày cứ thấy vợ hắn tần tảo, chắt bóp từng đồng mọi người đều thương. Thế mà, hắn lại đi cướp, kiếm được cả núi vàng cũng không giúp gì, lại còn ăn bám vợ”. Theo một số người khác, Kiệt không chỉ sống tệ bạc với vợ con, mà còn là đứa con bất hiếu với người mẹ già nua, tàn tật đang ở huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An.
Còn về kẻ khát vàng Huỳnh Văn Tiếm được chia lợi nhuận nhiều nhất trong các phi vụ thì lại máu gái, thường xuyên cặp bồ với các cô gái giang hồ. Thậm chí, có lúc, gã cùng lúc hẹn hò cùng nhiều mỹ nữ. Đặc biệt, từ khi bắt đầu cướp, gã vẫn cặp bồ với một cô gái trẻ đẹp tại Sài Gòn và bị rút ruột hết. Riêng về vợ và năm đứa con, hắn không hé một đồng và mỗi khi mở miệng ra lại bắt đầu bằng trò rên rỉ. Thậm chí, vợ con nghèo đói, hắn lại còn về bòn rút để đem đi cung phụng bồ nhí.
Riêng tên Phước, một người thân trong gia đình hắn, cho biết hắn có một người vợ sống chung suốt 40 năm và có 4 người con. Vợ của hắn có dáng vẻ rất khổ sở. Bởi sau khi kết hôn, gã đã ba lần vào tù vì tội trộm cắp tài sản. Một mình vợ gã phải tự gánh cuộc sống của cả gia đình. Một mình chị phải vừa làm mẹ, vừa làm cha để dạy dỗ các con.
Chị làm thuê bất kể việc gì để có tiền nuôi các con. Không chỉ thế, hằng tháng, chị lại phải tích cóp tiền để lên trại giam thăm nuôi chồng. Có lẽ, với chừng ấy chuyện, cuộc sống của chị cũng đã bi đát. Vậy mà khi về già, thêm một lần nữa, chị lại sững sờ khi hay tin chồng bị bắt vì hành vi cướp vàng man rợ. Có lẽ, vốn là một người phụ nữ tần tảo, để trọn nghĩa vợ chồng, từ nay, chị lại phải cần mẫn làm việc hơn để có tiền chăm nuôi chồng với những tháng năm còn lại ngồi trong trại giam.
Về phần Nhãn, do được chia chác trong các phi vụ cướp tiệm vàng nên hắn lao vào cuộc sống buông thả cùng các cô gái giang hồ. Chính vì điều này, khi bị bắt, hắn đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Lúc mới bị bắt, khi điều tra viên hỏi về số vàng được chia chác, hắn ngậm tăm trong khoảng thời gian dài.
Do bị “khủng bố” tinh thần quá nhiều, cuối cùng hắn lí nhí cho biết: “Tôi dành toàn bộ số tiền đó vào việc truyền nước biển”. Ngày hắn ra tòa, chúng tôi tìm hiểu và được biết, vợ hắn năm nay 58 tuổi có 5 người con. Tuy nhiên, cả sáu người hiện đang sống lay lắt vì bệnh tật bởi không có tiền mua thuốc chữa trị.
Băng cướp này một thời khiến những chủ tiệm vàng trên địa bàn phải thót tim bởi lo sợ không biết đến lúc nào mình sẽ rơi vào tầm ngắm của bọn chúng. Đến nay, bọn chúng đã sa lưới, có cái kết cuối cùng, nhưng nỗi mất mát, đau đớn chúng gây ra vẫn còn hiện diện mãi trong lòng người bị hại cũng như người dân xung quanh.