Bà mang dòng máu của người Cor, tộc người sống ẩn mình dưới đỉnh Ngọc Linh huyền bí.
Nhiều đời nay tại quê cũ của bà, xã Trà Ca (Bắc Trà My), nơi người Cor, người Ca Dong cùng sinh sống, một hủ tục hà khắc, tàn nhẫn vẫn lay lắt tồn tại như bóng ma kinh hãi, như bệnh dịch nguy hiểm không thể tiễu trừ.
Bà không biết gọi tên hủ tục ghê rợn ấy là gì, chỉ biết với những người bởi quá yêu, lỡ hái lầm trái cấm thì hủ tục ấy là thảm họa, là “đòn trừng phạt” kinh hoàng.
Lỡ ăn trái cấm
Bà họ Nguyễn, tên Mai. Họ ấy là của người Kinh. Người dân tộc ở đây nhiều người lấy họ của người Kinh. Người Kinh ở đồng bằng lên làm cán bộ, làm thầy giáo, được dân tin, dân quý nên mượn họ để tiện gọi tên.
Từ ngày lấy chồng ngoài thị trấn, bà ít về quê. Nỗi nhớ cố hương khi âm ỉ, khi bùng cháy dữ dội nhưng bà không muốn, không dám về. Chốn ấy, cảnh cũ người xưa khiến bà sợ hãi. Bà sống hệt như trốn chạy.
Xã Trà Ca, quê của bà Mai, nơi từng có vụ tế sống kinh hãi.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ yên ắng ở ngay đầu trung tâm xã Trà Ca là ông Nguyễn Văn Tự, anh trai bà Mai. Ông Tự nguyên là là trạm trưởng trạm y tế Trà Ca vừa mới nghỉ hưu.
Ông Tự bảo, nhà ông có cả thảy 6 anh em. Ông là thứ 4, còn bà Mai là thứ 5.
Theo ông Tự, bi kịch của gia đình ông bắt đầu từ việc gia đình đồng ý cho em gái ông ra thị trấn học. Ngày ấy, chuyện sơn nữ Cor ở Trà Ca vượt rừng ra phố huyện tìm cái chữ vô cùng hiếm.
Cùng ra phố huyện học năm ấy ở Trà Ca còn có chàng thanh niên Hồ Văn Thiên. Thiên chạc tuổi Mai, vốn là chàng trai sáng dạ, ở bản được nhiều cô gái thầm thương trộm nhớ.
Ông Tự đau đớn kể chuyện xảy ra với em gái mình.
Ra huyện, Mai thấy nhớ nhà, nhớ làng da diết. Nỗi nhớ ấy khiến Mai và Thiên thấy gần nhau hơn. Bất cứ khi nào ai có chuyện buồn hay vui cũng tìm nhau tâm sự. Tình đồng hương, tình bạn đã biến thành tình yêu lúc nào không hay.
Khi ấy, Thiên đã bảo, khi nào học xong hai người sẽ về bản làm đám cưới. Chắc chắn rằng, đám cưới đó sẽ được nhiều người mong đợi và đám con trai, con gái ở làng sẽ có nhiều người tị ghen.
Tình lên cao vút, vào một đêm trăng sáng vằng vặc như trăng ở quê nhà, Thiên và Mai đã không giữ được mình. Chuyện đó ở quê là một sự cấm kỵ tuyệt đối.
Con trai, con gái ở quê yêu mấy thì cũng chỉ dám cầm tay, lửa tình ngùn ngụt thì cũng chỉ dám gửi trao bằng ánh mắt chứ chẳng dám bước chân vào chốn địa đàng.
Cuộc tình của đôi trẻ xa quê cứ ngày một gắn bó và hình hài trong bụng cô nữ sinh người dân tộc cũng ngày một lớn lên. Ông Tự bảo, ngày ấy mới lớn em ông nào có biết gì.
Khi ấy, trước những biến đổi bất thường của cơ thể, em gái ông lại cứ nghĩ mình bị bệnh nào đó chứ chẳng nghĩ rằng mình đã mang bầu.
Hủ tục kinh hoàng
Mùa xuân năm đó (1981), khi đôi trẻ dắt díu nhau về bản thì bụng Mai đã lùm lùm. Tưởng rằng yêu nhau, tưởng rằng sẽ gắn bó với nhau như cá dưới suối, chim trên trời thì cái thai trong bụng, kết quả của tình yêu vụng dại sẽ chẳng có vấn đề gì, nhưng đôi trẻ đã lầm.
Ông Tự kể, khi ấy chuyện của Mai và Thiên khiến cả làng chao đảo. Tất thảy mọi người đều cho rằng, đôi trẻ đã gây tội tày đình. “Làng họp nhiều lắm, ai cũng sợ bị Giàng trừng phạt mà”, ông Tự nhớ lại.
Trở lại câu chuyện của Mai và Thiên, chẳng hiểu vì sao sau nhiều cuộc họp, làng đã đưa ra một quyết định kinh hoàng. Làng bảo, cái thai trong bụng Mai là “con ma ác”, nó sẽ đem tai họa đến cho làng nếu được sinh ra.
Cũng bởi cái lý này mà ngay sau khi ở trường về, Mai bị cả làng trục xuất. Cô phải dựng lều sống cô độc trong rừng. Bụng mang dạ chửa, cô phải tự mình lần mò kiếm cái bỏ cái ăn, nước uống.
Không ai được tiếp tế lương thực, hay giúp đỡ Mai bất cứ vật dụng gì. Ngày ấy, người ta sợ “con ma trong bụng” Mai hơn là sợ luật làng hà khắc.
Những hình phạt như thế tưởng cũng đã là quá đủ với cô gái mờ mắt vì yêu, nào ngờ… Ông Tự kể, ngày đó, không biết có phải do làng vướng vào bệnh dịch hay tại cây lúa trên nương không cho nhiều hạt mẩy mà các thầy cúng bảo, dân làng đang phải đón nhận cơn thịnh nộ của Giàng.
Trước tai ương trên, chức sắc trong làng lại họp. Người ta cố tìm nguyên do khiến đất trời nổi đóa và chuyện của Mai và Thiên lại được khuấy lên.
Ai cũng cho rằng, đôi trẻ này là căn nguyên của mọi chuyện không may đang diễn ra ở làng. Và rồi, trong cơn bấn loạn, các chức sắc trong làng đã đi đến một quyết định hãi hùng.
Họ bắt đôi trẻ phải chết. Họ muốn hai kẻ “tội đồ” ấy phải đền mạng như để chuộc tội với Giàng.
Cuộc hành quyết rùng rợn giữa rừng già
Ngay sau quyết định trên, đám thanh niên đã đi lùng bắt Hồ Văn Thiên trói lại. Mai đang ở ngoài rừng cũng bị dân làng lùng bắt.
Trước đó, bởi một mình sống giữa rừng thiêng nước độc, lại thêm phần tâm trí lúc nào cũng căng thẳng bởi nỗi sợ hãi tột cùng, Mai đã sảy thai. Dân làng tìm thấy cô khi cô một mình nằm kiệt sức trong căn lều dựng tạm không dấu chân người.
Ông Tự dẫn chúng tôi ra cánh rừng nơi bà Mai và ông Thiên từng bị hành quyết. Cánh rừng đó giờ nằm ngay cạnh lối đi dẫn vào xã nhưng rậm rạp um tùm. Những tán cây lớn vẫn tỏa bóng xum xuê. Xung quanh tán rừng ấy người ta đã phát quang để trồng keo, trồng rẫy.
“Không ai dám vào tán rừng ấy đâu, người già cũng chẳng dám vào nữa”, ông Tự bảo.
Cánh rừng nơi bà Mai và người yêu từng bị tế sống giờ vẫn không ai dám đặt chân.
Theo trí nhớ của những người già ở Trà Ca thì Mai và Thiên bị dân làng đưa ra hành quyết vào một đêm giữa tháng 4 năm 1981. Đêm đó, mỗi người bị trói vào một gốc cây để chờ thầy cúng hành lễ.
Dân làng bu quanh, ai cũng nhìn đôi trẻ bằng ánh mắt hằn học, căm thù. Người thân, họ hàng của Thiên cũng đứng ở đó, nhưng chẳng ai nhỏ lệ xót đau bởi khi đó, như bao người, họ nghĩ Thiên phạm tội thì phải nhận sự trừng phạt.
Chỉ có nhận sự trừng phạt trên thì họ và cả Thiên nữa mới thấy mình thanh thản.
Sau khi thầy cúng hành lễ xong thì buổi hành quyết bắt đầu. Đám thanh niên cứ nhắm những chỗ hiểm của chàng trai tội nghiệp trên mà vung gậy. Chỉ sau vài phút hứng chịu cơn bạo tàn trên, Thiên đã vĩnh biệt cõi đời trong đau đớn.
Hành quyết Thiên xong, những ngọn đuốc trong tay lũ làng mới rọi về phía gốc cây nơi Mai bị trói. Tuy nhiên, tới nơi thì mọi người đã vô cùng kinh ngạc khi không thấy Mai đâu.
Mọi người đâu biết rằng, lợi dụng đêm tối, nhân lúc mọi người đang nhốn nháo, một toán thanh niên khác đã nhẹ nhàng xuất hiện giải cứu rồi cõng Mai phóng vọt vào rừng. Người tổ chức cuộc giải cứu ngoạn mục đó không ai khác chính là ông Tự.
Ông Tự bảo, ngày ấy, thương em nên ông đã bất chấp tất cả. Giải cứu được em mình, ông đã đưa thẳng ra thị trấn Trà My để trốn.
Ông Tự là người đã liều lĩnh giải cứu em mình.
Sau này, khi vụ tế sống trên bị phát hiện, công an rồi các cơ quan đoàn thể khác từ ngoài huyện đã nhanh chóng có mặt tại Trà Ca. Cũng bởi sự có mặt kịp thời của các cán bộ ngoài huyện nên dân làng không truy lùng Mai nữa.
Bóng ma đeo đẳng
Xã Trà Ca ngày nay đã đổi khác rất nhiều. Ông Hồ Ngọc Ân (Chủ tịch xã) cho biết, xã chỉ có vỏn vẹn 396 hộ dân, với 1858 nhân khẩu.
Hỏi về vụ án đau lòng trên, ông Ân bảo, ông cũng chỉ nghe người già kể lại chứ không lắm rõ dù ông Thiên, người mất mạng vụ trong vụ tế sống đó là họ hàng nhà ông.
Ông Ân cũng tiết lộ thông tin bất ngờ là ở xã ông bây giờ vẫn còn tục phạt con gái chửa hoang. Theo đó, khi người con gái không chồng mà chửa sẽ bị trưởng bản “hỏi cung” nhiều lần.
Nếu khai thành thật, nói rõ ai là “tác giả” của cái thai trong bụng thì cô gái đó chỉ bị phạt gà, heo và rượu. Còn nếu không chỉ rõ người gây hậu quả thì sẽ bị phạt cả con trâu.
Cũng giống như chuyện của Mai, trước đây, nhiều cô gái trót ăn lầm trái cấm cũng phải ra ngoài rừng để sinh nở chứ không được ở làng.
Ông Ân kể, vào năm 2014, chị Đinh Thị T. (SN 1983), ở thôn 1 cũng bỗng dưng… mang bầu. Bởi không chịu khai ai là “thủ phạm” nên gia đình chị T. đã phải nộp cho làng 1 con trâu để cúng Giàng.
Nộp vạ xong, chị T. đã phải khăn gói ra cánh rừng ở rìa làng làm chòi để chờ ngày khai hoa nở nhụy. Sau khi “thi hành án”, bởi không chịu được điều tiếng, chị T. đã bỏ làng ra đi. Ông Ân bảo, nhiều người nói chị T. đã lấy chồng ở Sa Kỳ, Quảng Ngãi.
Theo ông Hồ Ngọc Ân, ở xã Trà Ca, dân làng vẫn phân biệt đối xử với những phụ nữ không chồng mà chửa.
Cũng theo ông Ân, trước chị T. thì ở làng cũng có nhiều người từng bị phạt vì chuyện ăn cơm trước kẻng. Điều khá trớ trêu ngay bản thân ông Ân cũng ủng hộ việc phạt vạ này.
Ông Ân bảo, ông ủng hộ việc phạt vạ là bởi muốn trai gái nghiêm túc hơn trong quan hệ yêu đương. Tuy nhiên, ông không tán thành việc làng bắt chị em sinh nở ngoài rừng.
“Sinh nở ở ngoài sẽ vô cùng nguy hiểm cho trẻ và cho cả người mẹ nữa. Tôi ủng hộ chuyện phạt nhưng không đồng ý để chị em sinh nở ở ngoài”, ông Ân quả quyết.
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)