Bi kịch thôn nữ rơi vào lưới tình của công nhân ngoại quốc

Nhiều mảnh đời của thôn nữ đã bị "vùi dập" bởi những mối tình chớp nhoáng với công nhân ngoại quốc ở các khu vực khai thác khoáng sản.

Phận nghèo đánh đổi “tình yêu”!

Cách trung tâm tỉnh Tuyên Quang chưa đầy nửa giờ xe chạy, là vùng quặng sắt ở thôn Thanh Vân (thuộc xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên). Tại đây, chúng tôi tìm gặp người phụ nữ có tên Đặng Thị Minh. Thanh Vân là xã nghèo nhất của Hùng Đức và hộ nghèo nhất có lẽ chính là gia đình của Đặng Thị Minh.

Lúi húi, sắt tỉa những lát sắn lỡ mùa cho vào nồi để nấu ăn người mẹ trẻ có tên Đặng Thị Minh này vẫn hết sức hồn nhiên kể về đứa con mới được mấy tuần tuổi với một người đàn ông nước ngoài sang đây làm khoáng. Bố đứa trẻ, tên A Nhóc hay A Nhóng gì đó. Thú thực tới nay Minh cũng chưa biết chính xác tên của người đàn ông ấy.

A Nhóc là người Trung Quốc được thuê sang thăm dò khoáng sản. Mới đầu Đặng Thị Minh cũng cảm thấy lạ lẫm và sợ với những người như A Nhóc. Nhưng sau đó, có người biết cả tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam dẫn đến giới thiệu. Từ hôm giới thiệu này, tối nào A Nhóc cũng tìm xuống núi với Minh.

“Mình chả biết “yêu” A Nhóc từ lúc nào” – Đặng Thị Minh hồi tưởng – “Nó không biết tiếng mình, mình không biết tiếng nó. Mình với nó chỉ “nói chuyện” bằng tay thôi. A Nhóc nó cũng tốt. Mình nghèo, nó xuống, lúc thì nó cho ít tiền mua gạo, lúc nó cho ít tiền mua thịt. Thế rồi mình “yêu” nó lúc nào không biết. Rồi mình cho nó “nằm cùng”. Rồi có con với nó. Con chưa kịp ra đời thì nó phải về nước. Nó đi mình không biết. Chỉ lâu không thấy nó xuống, cho tiền mua gạo, mua thịt nữa, nhớ quá mình tìm lên bãi quặng. Hỏi thì thấy bạn nó bảo nó về nước rồi”.

“Hôm trước, mình gặp thằng A Châu bạn nó. Mình có bảo với A Châu là nếu về nước, gặp A Nhóc thì nhắn tin là nó đã có con ở Việt Nam. A Châu về, sang bảo với mình, nói chuyện với A Nhóc rồi. Nhưng A Nhóc bảo là nó không sang được Việt Nam nữa. Có con tự đẻ, tự nuôi thôi”, Minh tâm sự.

Đứa con được mấy tuần tuổi nhưng Minh chưa biết đặt tên con là gì. Cũng như nhiều phụ nữ ở đất này, có “con với mỏ”, nghĩa là con với những người đàn ông nước ngoài làm công trên đó thì cứ lấy họ mẹ và đặt cho con thôi. Minh suy tính, mấy hôm nữa, kiếm đủ gạo ăn cho tuần tới, Minh cũng sẽ ra xã làm giấy khai sinh cho con. Trong giấy khai sinh của đứa con, phần khai về cha sẽ là: Con ngoài giá thú!


	Đặng Thị Minh và đứa con chưa kịp đặt tên trong ngôi nhà nghèo.

Đặng Thị Minh và đứa con chưa kịp đặt tên trong ngôi nhà nghèo.

Cũng lỡ dại như Minh, nhưng với Lý Thị Mai có vẻ may mắn hơn. Là một thiếu nữ trẻ, lại có sắc đẹp nên Mai cũng nhanh chóng được những người đàn ông nước ngoài nơi đây đưa vào “tầm ngắm”. Khác Đặng Thị Minh, trong quá trình yêu đương “bằng tay”, Mai đã biết tên tuổi cụ thể của gã người yêu mình. Láy Săn Huy là cái tên và cũng là những gì mà cô sơn nữ Lý Thị Mai này biết về “người yêu”.

Mai bảo, mới đầu có biết gì đâu. Nhưng nó hay tìm đến và hay giúp mình. Ngoài tiền tiêu pha, nó còn giúp mình hẳn 30 triệu đồng để xây nhà đấy. Rồi mình có con với nó.

Mối tình bất đồng ngôn ngữ này đang ngập tràn hạnh phúc và sự tự hào với dân bản thì đùng một cái, cũng như A Nhóc, Láy Săn Huy cũng bặt vô âm tín, để lại Mai và cái thai đang đến kỳ sinh nở. Mai lại lên bãi quặng để tìm “chồng”. Nhưng thấy bảo, hết thời gian, nó về nước rồi. Nó bảo nó cho cái nhà và tự phải nuôi con thôi.

Con của Mai giờ đã tròn 5 tháng tuổi. Mai đã lựa chọn, lấy họ mình và họ của “người yêu” để làm họ của con và đặt cho nó một cái tên khá hay: Lý Láy Phong. Cái tên của bé Phong này được người mẹ ý tứ ghép từ họ mẹ với họ bố, còn phần khai về người cha vẫn chỉ là những chữ: Con ngoài giá thú!

Những đứa trẻ không cha

Vùng đất giàu tiềm năng về mỏ này có hàng chục số phận oan nghiệt của những người vợ không chồng, con không cha.

Một người đàn bà đã từng bán nước ở mỏ quặng cho biết: “Bây giờ còn ít đấy vì công nhân nước ngoài rút về gần hết rồi. Bây giờ chủ yếu là công nhân người Việt mình thôi. Người lớn ăn no rồi làm bậy, giờ chỉ khổ những đứa trẻ mới lớn trong bản thôi. Trao tình cho chúng nó rồi chúng nó đi, biết đâu mà tìm. Giờ người ít người dám nhận đó là con của công nhân của người nước ngoài lắm.”

Ông Trưởng thôn Bàn Văn Năng cho biết: “Thanh Vân là thôn nghèo, trước khi người ta đến, tôi cũng đã bảo với dân, nhất là những cô gái trẻ rồi. Bảo chúng nó, dân mình nghèo nhưng đừng vì cái nọ cái kia mà yêu với chả đương. Tốt nhất là nên tìm những đứa trong thôn, trong xã mà lấy. Dù sao nó cũng là người ở đây, chúng nó mới có thể giúp mình và giúp con mình. Nhưng chúng nó có nghe đâu. Vẫn yêu, vẫn hẹn hò. Giờ mới thấy trắng mắt ra. Nhà nghèo, đất không có, giờ phải đi mót quặng hay làm đủ mọi thứ để nuôi con đấy. Nhưng vẫn đói khổ lắm”.


	Lý Thị Mai cùng đứa con rơi nơi đại ngàn

Lý Thị Mai cùng đứa con rơi nơi đại ngàn

Ông Lương Minh Sơn, Phó thôn ngậm ngùi: “Chúng tôi chưa thống kê được trong toàn thôn hiện nay có bao nhiêu phụ nữ và bao nhiêu đứa trẻ như vậy. Vì họ xấu hổ, họ không dám nói thật. Mới lại đây là quyền của họ, mình không dám “điều tra”. Nhưng thực tế là có nhiều đấy. Không chỉ những cô gái, những phụ nữ trẻ ở đây nhẹ dạ cả tin mà có cả giáo viên mầm non cũng “dính vào”. Nhưng khi hỏi thì bảo có con do đi thụ tinh trong ống nghiệm. Nói như thế thì trẻ con quá! Chưa chồng, tiền không có thì lấy đâu ra để đi thụ tinh”

Theo Bí thư xã Hùng Đức - ông Ngô Minh Hòa thì: “Những trường hợp có con với lao động người nước ngoài là có thật. Mỏ quặng sắt của thôn Thanh Vân đi vào hoạt động từ năm 2011. Mới đầu do phải xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với việc khai thác thăm dò nên có một lực lượng lớn công nhân người nước ngoài có mặt trên địa bàn. Có thời điểm số lượng người lao động Trung Quốc có mặt trên địa bàn là 40 người".

Trước tình hình phức tạp này, xã Hùng Đức cũng đã tuyên truyền cho người dân trên hệ thống loa đài, qua Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên.... Nhưng do nhận thức hạn chế nên vẫn còn xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vậy…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại