Bi kịch rơi xuống từ "núi tiền"

Lê Đình Dũng |

Vào một ngày, "xứ ngàn cau" giật nẩy mình khi dự án thủy điện Đakđrinh được xây dựng trên sông Đakđrinh. Tiền đền bù nhiều lắm. Tiền như trên trời rơi xuống mà xưa nay người Kadong, H’re chưa tưởng tượng đến cái mức giá đó. Được đền bù, người ta không kiểm soát nổi mình khi bỗng dưng được giàu…

Tiêu cho thỏa sự giàu

Những ngôi nhà to hoành tráng mọc lên. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Những ngôi nhà to hoành tráng mọc lên. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Dự án thủy điện Đakđrinh triển khai từ năm 2007 với vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng. Khoảng 570 ha đất bị ngập trong lòng hồ thủy điện (thuộc các xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Dung, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kong Plong tỉnh Kon Tum) là hàng trăm hộ dân được đền bù giải tỏa và hỗ trợ tái định cư; người ít vài trăm, người nhiều vài tỉ.

Người ta còn kể rất nhiều câu chuyện chơi sang của anh Đinh Văn Trãi (26 tuổi, ở xã Sơn Liên) sau khi được nhận tiền đền bù từ thủy điện.

Ngay sau khi nhận được tiền đền bù gần 5 tỉ đồng, anh Trãi mua xe ô tô Innova 700 triệu để khoe cái sự giàu có và leo núi chơi cho vui. Người ta còn kể, lúc đó Trãi chỉ việc ôm cục tiền khủng và đánh xe xuống phố chơi liên tù tì, sẵn sàng mua cho em út điện thoại sang, cặp thêm đào...

Trong lúc đó, nhà cửa, vợ con nheo nhóc nhưng Trãi không lo lắng gì. Không những vậy, Trãi tiếp tục lấy em ruột của vợ sinh một người con. Bây giờ hai chị em ruột có chung một chồng. Cuộc sống dần khốn khó khi tiền tiêu xài vô hạn độ. Nay Trãi đã phải bán đi chiếc ô tô.

Việc tiêu xài không lo làm ăn, nhậu liên tục rộ lên từ khi bà con nhận được tiền đền bù lớn. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Việc tiêu xài không lo làm ăn, nhậu liên tục rộ lên từ khi bà con nhận được tiền đền bù lớn. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Không chỉ mình anh Trãi, rất nhiều người được nhận tiền đền bù từ thủy điện cũng xài sang, tiêu tiền như chưa bao giờ được tiêu. Có người mua ô tô, có người xây nhà khủng, sắm dàn karaoke…Còn chuyện ăn nhậu bù khú suốt ngày thì nói không hết.

Nhưng rồi, tiền nhiều quá đối với những người quanh năm chỉ sống chân chất với rừng, với nương cũng sinh ra bi kịch. Mới đây, cái chết của ông Đinh Văn Sò (SN 1976, trú khu tái định cư Đak Lang, xã Sơn Dung) khiến không ít người tái mặt.

Ông Sò buồn chuyện tình cảm gia đình nên ăn lá ngón tự tử. Nhưng sau cái chết của ông này, là món nợ từ việc xây nhà lớn chưa được trả khiến nhiều chủ nợ bỗng nhiên mất tiền.

Một chủ nợ cho hay, từ khi được lọt vào danh sách nhận tiền đền bù thủy điện với số lớn, nhiều người đã tự nguyện cho ông Sò mượn tiền để tiêu. Nhiều người khác thì xây nhà lớn cho ông này, đến lúc nào ông Sò nhận tiền thì trả lại.

Cái chết của ông Sò cũng chôn theo bao nợ nần trước đó. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Cái chết của ông Sò cũng chôn theo bao nợ nần trước đó. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Khổ ở chỗ, ai cho vay ông Sò cũng nhận. Vậy là chủ nợ nào cũng tin rằng chỉ có mình cho nợ nên 100 triệu mình cho vay thì thấm gì với cả tỉ ông Sò sẽ được nhận đền bù. Đến lúc nhận tiền thì mới vỡ lẽ khi nhiều chủ nợ đến cùng lúc.

Và cả ở cái xứ huyện này, rất nhiều trường hợp như vậy. Nên có nhiều người nói nửa vui mà rất đau lòng, nếu lỡ không may có người nào đó có tiền đền bù buồn đời mà tự tử cái thì cũng khối anh ‘chết’ theo vì mất tiền.

Bây giờ, đã thấy thưa vắng. Nhưng tầm này năm ngoái, ở Sơn Tây nhộn nhịp lắm cảnh ăn nhậu, hát hò um núi rừng. Ai cũng bảo rằng, khổ nhiều rồi, phải hưởng thụ, phải cho giống ở miền đồng bằng.

Nhu cầu ăn nhậu, chơi bời nhiều; vậy là có cả những người chuyên cung cấp bia, rượu, đồ nhậu từ xuôi lên. Rồi kiếp nghèo lại ngập về trong những cơn say bù khú triền miên ngày tháng…

Trở lại kiếp nghèo

Những khu tái định cư vẫn thưa vắng người ở. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Những khu tái định cư vẫn thưa vắng người ở. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Ông Nguyễn Viết Chưởng, phó trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Tây xác nhận có chuyện nhiều trường hợp các hộ dân diện đền bù thủy điện đang tái nghèo do tiêu xài thả ga và không chịu làm ăn.

Thượng tá Trần Minh Thành, phó trưởng công an huyện Sơn Tây cho biết: “Hiện, công an huyện đang giữ thẻ với số tiền tiết kiệm hơn 14 tỉ đồng của 10 trường hợp do còn chưa xác minh được tranh chấp nợ nần được giữa các hộ được đền bù và chủ nợ. Huyện đang chờ công an tỉnh xác minh các tranh chấp này để đứng ra chi trả giúp người dân rồi mới giao thẻ cho họ”.

Trước đó, vào năm 2013, núi rừng Sơn Tây cũng chấn động vì những vụ giật tiền đền bù của các hộ nhận tiền đền bù buộc công an phải vào cuộc.  Lý do là những hộ nhận đền bù trước đó đã vay mượn hoặc mua chịu của các chủ nợ để tiêu xài.

Từ khi bỗng dưng được giàu, người đồng bào ở đây ăn nhậu dữ hơn truyền thống xưa nay. Thậm chí theo thượng tá Thành, đến mùa này nhiều người đã đi thế sổ trợ cấp hàng tháng để mua rượu uống.

Bây giờ, đi vào các khu tái định cư tập trung, đã thấy rất nhiều nhà bỏ hoang. Hỏi ra mới hay người dân đã quay trở lại gần chỗ cũ dựng nhà sống lại kiếp xưa.

Người lớn đã vậy, con em người dân tộc ở đây càng đáng lo hơn. Thượng tá Trần Minh Thành cho biết: “Ở đây bà con làm lâm nghiệp là chính, trẻ em đến tuổi lao động không có công ăn việc làm nên rất nhiều trường hợp đã nghỉ học giữa chừng ra bắc, vào nam, xuống đồng bằng kiếm việc”.

 

Hai em Phương và Yên sau khi được đưa trở về nhà. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Hai em Phương và Yên sau khi được đưa trở về nhà. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Gần đây nhất, công an huyện Sơn Tây phối hợp với công an tỉnh Hải Dương đã đưa được hai em học sinh lớp 8 (trường THCS Sơn Long) là Đinh Thị Phương và Đinh Thị Yên bị lừa đi làm ăn xa về lại với gia đình.

Hai em này được Đinh Thị Phin, người cùng quê giới thiệu đi làm trong một công ty ở TP.Hồ Chí Minh với lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nghe có công việc nhẹ nhàng mà lương cao, Phương và Yên đã theo sự giới thiệu của Phin đi cùng một người phụ nữ tên là Hồng đưa đi qua xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà. Sau đó ngủ lại tại đây 1 đêm; rồi đón xe buýt xuống Quảng Ngãi. Lên xe đi rất lâu, Phương và Yên ngủ quên cho đến khi thức dậy thì đã ở tỉnh Hải Dương.

Bữa cơm của học sinh Sơn Tây. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Bữa cơm của học sinh Sơn Tây. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Qua liên lạc với các thầy cô ở trường học bằng điện thoại, Phương và Yên cho biết các em bị lừa đưa đến một quán cà phê massage ở thôn Hội Xá (xã Tân Quang, huyện Ninh Giang, Hải Dương).

Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp cụ thể trẻ em vùng Sơn Tây nghỉ học giữa chừng đi làm ăn. Nhưng tuổi còn nhỏ, kiếm được công việc ra tiền với các em là không dễ.

Với những người học nghề ra cũng không khá hơn. Phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Tây xác nhận, năm nay tỉnh giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho huyện là 40 người nhưng chỉ xuất khẩu được 8 người. Bởi vì, tác phong công nghiệp của con em ở đây chưa có, trình độ thấp, giỏi lắm chỉ có lao động được ở Malaysia.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây xác nhận có trường hợp người dân diện nhận đền bù tiêu xài không đúng mực khiến giờ thiếu nợ, đang nghèo trở lại.

“Chuyện hỗ trợ người dân hậu tái định cư huyện đã nỗ lực rất nhiều bằng cả hệ thống vào cuộc. Nhưng vì chưa thể thay đổi suy nghĩ và thói quen của đồng bào ngày một ngày hai nên cũng có nhiều trường hợp người dân tiêu pha không đúng mức, gây khó khăn cho cuộc sống gia đình. Chúng tôi đang và sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm ổn định tốt nhất đời sống nhân dân, tăng cường tuyên truyền vận động, đẩy mạnh giáo dục nhằm thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của bà con để hướng tới phát triển kinh tế, làm giàu bền vững”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại