20 năm mơ 1 giấc ngủ
Trên con đò chòng chành từ bến đò Bạch Đằng ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam chúng tôi vượt sông Thu Bồn tìm đến thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim để gặp anh Nguyễn Hùng (SN 1970).
Trong căn nhà tình nghĩa được chính quyền và người dân xây tặng, nhiều năm qua chỉ có cái tivi cũ, 1 cái giường ọp ẹp và mấy cái ghế đẩu, anh Nguyễn Hùng chia sẻ:“Năm tôi lên 9 tuổi thì thấy đau nhức dưới 2 bàn chân. Lúc đó gia đình đưa tôi đến khám ở bệnh viện thì được cho biết là tôi bị bệnh u chai bàn chân. Nhưng vì khi đó gia đình khó khăn, bố mẹ đi kinh tế mới ở Đắc Lắc, còn tôi ở nhà nương nhờ bà ngoại nên không có tiền điều trị. Lúc đầu thì căn bệnh còn nhẹ nên tôi đi lại bình thường nhưng càng về sau thì đau nhức kinh khủng, không thể đi lại được”.
20 năm nay, anh Hùng đã đi phẫu thuật tổng cộng 4 lần nhưng bệnh u chai bàn chân vẫn không thuyên giảm mà có dấu hiệu ngày càng trầm trọng thêm. Thậm chí, có khoảng thời gian anh hoàn toàn bại liệt, không đi lại được.
20 năm qua, anh Hùng không có một giấc ngủ trọn vẹn vì bệnh u chai bàn chân
Phải mất một thời gian dài điều trị và tập luyện anh mới có thể tập tễnh bước đi: "Giờ tôi đi lại nhẹ nhàng thế này chứ nếu dẫm phải hòn đá, hay hòn sạn là đau buốt tận tim, không sao chịu nổi. Khổ nhất là 20 năm nay tôi chưa từng có được 1 giấc ngủ ngon lành. Cứ chợp mắt được một tí là bàn chân đau buốt, lại dậy, lại thức trắng đêm. Trung bình 1 đêm tôi ngủ chưa đến 1 tiếng đồng hồ", anh Hùng bộc bạch.
Đưa 2 bàn chân lên cho chúng tôi xem, anh Hùng bảo cứ vài hôm lại phải dùng dao lam cắt bỏ phần da chết đi 1 lần nếu không sẽ đau đớn vô cùng. Trên đôi bàn chân anh Hùng, chúng tôi thấy những thớ da thịt bị cắt gọt vẫn còn mới nguyên, từ gót chân cho đến mu bàn chân chỗ nào cũng có dấu cắt.
Nỗi lo về đứa con ngớ ngẩn
Dù bệnh tật nhưng may mắn là anh Hùng vẫn cưới được vợ là chị Phạm Thị Ánh, quê ở xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Anh Hùng cho biết, hồi trẻ anh có đi phụ hồ ở xã Điện Phương, một xã giáp ranh xã của anh nên “đã gặp và nên duyên vợ chồng với cô ấy”. Một năm sau ngày cưới, đôi vợ chồng mừng rỡ khi biết tin chị có thai.
Nhưng số phận thật trêu ngươi anh chị khi đứa con đầu lòng Nguyễn Thị Cẩm Trinh mới sinh ra đã không bình thường. “Lúc mới chào đời, bé Trinh nó nhỏ lắm, chưa bằng 1 bàn tay tôi. Gia đình đã cố nuôi nấng cháu nhưng đến khi được 28 tháng cháu cũng nhỏ như cái ống chân mà thôi. Gia đình tôi đưa cháu đi khám thì bác sĩ cho biết cháu bị bệnh bẩm sinh, dạng như bệnh đao”, anh Hùng nghẹn ngào.
Đến giờ dù đã 20 tuổi nhưng Trinh vẫn như một đứa con nít, suốt ngày ngơ ngẩn. Mọi sinh hoạt của Trinh từ ăn uống đến tắm giặt vẫn phải nhờ mẹ hoặc người em gái là Nguyễn Thị Cẩm Tiên, năm nay 18 tuổi, chăm sóc.
Bé Trinh, con gái lớn của anh Hùng, dù đã 20 tuổi nhưng vẫn ngây ngô, không biết gì
Hôm chúng tôi đến thăm nhà, gặp chúng tôi bé Trinh cười cười mà không nói năng gì, rồi sau đó lại bỏ vào buồng trong. “Nó vậy chứ tội lắm. Ăn uống thế nào cũng được. Có hôm nhà hết gạo, tôi qua hàng xóm xin cho nó bát cơm nguội về bỏ thêm ít muối hạt, nó cũng ăn ngon lành”, anh Hùng cho biết thêm.
Cần lắm những tấm lòng hảo tâm
Ngồi trò chuyện một lúc, không thấy chị Ánh ở nhà, chúng tôi hỏi thì anh Hùng cho biết, gần 1 năm nay chị Ánh xin được công việc rửa chén thuê ở quán cơm đầu xã, thu nhập được 20.000 đồng/ngày. Người đàn ông 44 tuổi nói như mếu: “Tôi là trụ cột gia đình mà bệnh tật thế này, không làm chi được hết. Tất cả việc nhà từ ăn uống, giặt giũ đến chăm sóc con cái đều phải nương nhờ vào đôi tay tháo vát của vợ. Nhiều khi tôi nghĩ cũng buồn và đau khổ lắm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đứa con gái thứ hai của anh Hùng là Nguyễn Thị Cẩm Tiên, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, dù rất ham học nhưng cũng phải bỏ dở việc học từ năm lớp 10. Thời gian gần đây, bé Tiên xin đi phụ bán quán cơm ở bên phố Hội An để có tiền mua sắm và tự lo cho bản thân, đỡ đần phần nào nỗi vất vả của bố mẹ.
“Con bé Tiên tội lắm. Nó đi làm, tiền công không được bao nhiêu đồng mà thi thoảng tích góp được ít nó lại về gửi mẹ phụ giúp mắm muối cho gia đình. Nhiều lần tôi khuyên nó, hay con đi tìm học cái nghề để tự lo bản thân thì nó bảo phải đi làm để có thêm thu nhập giúp gia đình, chứ giờ đi học nghề thì không có thu nhập lại tốn tiền nữa. Mà nhà mình đâu có tiền”, anh Hùng tâm sự.
Thi thoảng ông An - bố anh Hùng lại phải dùng dao lam gọt bỏ phần thịt chết trên bàn chân giúp con trai
Nói về hoàn cảnh khốn khó của anh Hùng, ông Huỳnh Thức, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim cho biết, cả thôn Trung Hà có 256 hộ dân thì có đến 24 hộ thuộc diện hộ nghèo. Trong đó, “hộ anh Hùng thuộc diện hộ nghèo nhất của thôn, mà chắc cũng là của toàn xã nữa”.
“Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn của gia đình anh Hùng. Vì thế mà hơn 10 năm nay, gia đình anh Hùng luôn được chọn là hộ nghèo nhất của thôn để nhận được những ưu đãi của các cấp cũng như có bảo hiểm y tế để đi chữa trị bệnh tật”, ông Huỳnh Thức cho biết.
Cũng theo ông Huỳnh Thức thì hiện nay mỗi tháng anh Hùng được nhận 180.000 đồng tiền hỗ trợ, con gái đầu Nguyễn Thị Cẩm Trinh của anh cũng được hỗ trợ 280.000 đồng/ tháng. “Ở góc độ địa phương thì chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ gia đình anh Hùng mức đó thôi, để gia đình anh đỡ phần nào cơm áo gạo tiền thường nhật. Chỉ mong sao có các nhà hảo tâm động lòng thương giúp đỡ thêm để anh Hùng có điều kiện chữa trị bệnh cho bản thân anh và cô con gái lớn”, ông Huỳnh Thức chia sẻ.
Chia tay gia đình anh Hùng, chúng tôi không sao khỏi ám ảnh về những chia sẻ của anh: “Tôi thì sao cũng được. Chỉ sợ một ngày nếu vợ chồng tôi chết đi, không biết con bé Trinh sẽ như thế nào. Em nó rồi cũng có chồng, có con. Nó phải lo cho gia đình nó trước đã chứ. Mỗi lần cứ nghĩ đến điều đó thì dù không bị mất ngủ vì bệnh tật, người làm cha như tôi cũng sao chợp mắt nổi”.