Sập bẫy bọn buôn người
Nguyễn Thị L. sinh ra trong một gia đình nghèo khó, là chị cả trong gia đình nên từ nhỏ, cô gái này đã phải phụ cha mẹ kiếm tiền nuôi em ăn học.
Bản thân gắng gượng mãi, học xong cấp 2 L. cũng phải nghỉ học, rời xa gia đình vào miền Nam làm osin cho một người họ hàng. Lớn hơn một chút, L. xin đi làm công nhân tại một công ty gỗ của người nước ngoài tại Bình Dương.
Mưu sinh được một thời gian, làm ăn khó khăn, công ty cắt giảm công nhân nên L. đành phải trở về quê vào đầu năm 2011. Trong thời gian nhàn rỗi ở quê, L. lại nghe theo người chị họ, trở ra Bắc, xin vào làm công nhân tại một công ty bánh kẹo ở Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên).
Công việc khá ổn định, L. cùng một người bạn đồng hương thuê trọ ở xã Bạch Lam, huyện Mỹ Hào. Cũng từ đây, mọi biến cố cuộc đời bắt đầu ập đến đối với cuộc đời cô gái trẻ này.
Nguyễn Thị L. tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.
Trong kí ức hãi hùng về quá khứ, L. gắng chắp nối bằng nỗi ám ảnh tột độ, rằng em chuyển đến trọ được vài tháng thì bất ngờ được bà chủ tên Hằng tỏ ra săn đón, quan tâm.
Theo lời bà này, với nhan sắc lẫn năng lực như L. thì em có thể kiếm nhiều tiền hơn so với công việc làm công nhân ở nhà máy kẹo. Bà Hằng khoe có người quen làm công ty điện tử ở Quảng Ninh, nếu L. muốn công việc nhàn hạ, lương cao thì bà này sẽ nói đỡ cho.
Chẳng mảy may nghi ngờ, L. đã nghe theo và cùng người chị họ bỏ ngang hợp đồng công nhân để ra Móng Cái tìm chân trời mới với hy vọng đổi thay cuộc sống.
Nhưng tất cả chỉ là màn kịch của bọn buôn người táng tận lương tâm, biết hoàn cảnh gia đình L. khó khăn, cần nhiều tiền nên chúng đã giăng bẫy và em đã nhanh chóng sập bẫy.
Tỉnh dậy sau giấc ngủ thấy mình đã ở trên đất Trung Quốc, L. cố van nài, kêu khóc được trở về song chỉ nhận được sự lạnh lùng, vô cảm.
Tại xứ người, L. bị nhốt vào căn nhà tối cùng một số thiếu nữ Việt Nam khác, sau đó là chuỗi ngày dài bị ngược đãi, ép buộc lao động khổ cực từ sáng sớm đến tận khuya. Mọi liên lạc với gia đình và bên ngoài đều bị kiểm soát gắt gao.
“Em nhớ nhà quá, nài nỉ gọi điện về thăm nhà nhưng ông bà chủ nhất quyết không cho. Đến lúc em nói dối là cần số CMND của mẹ để gửi tiền về chữa bệnh cho cha, họ mới cho phép, song không được nói đang ở Trung Quốc. Dưới sự giám sát chặt chẽ đó, em cũng chỉ dám nói dối đang ở Quảng Ninh”, L. xót xa nhớ lại.
Nhập viện tâm thần sau khi được giải cứu
Trong khi đó, đang chăm con tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị B., mẹ của L. cho biết, bỗng dưng thấy con gái ít liên lạc với gia đình nên chị sinh nghi, gọi điện thì không liên lạc được.
Ngày 27/9/2012, bố L. đã vay mượn tiền bạc, ra Hưng Yên thăm con gái thì được bà chủ trọ cho hay, từ vài tháng nay L. đã bỏ chỗ trọ đi biệt đâu không rõ. Thương con, ông T. đã ở lại đây, tối thuê trọ tá túc, ban ngày đi tất cả các khu nhà trọ, công ty trên địa bàn tìm con.
Trong khoảng thời gian đó, bất ngờ có một số điện thoại lạ gọi vào máy ông T. với nội dung thông báo, con gái đang ở Trung Quốc hưởng cuộc sống sung sướng và khuyên ông này đừng nên tìm kiếm nữa.
Linh cảm điều chẳng lành đang đến với con gái, ông T. đã mang số điện thoại có mã vùng nước ngoài này đến công an trình báo. Xác định được đây là mã vùng của Trung Quốc, công an Mỹ Hào đã cử cán bộ xuống nơi L. thuê trọ để xác minh, điều tra.
Biết công an vào cuộc, bà Hằng đã âm thầm cho người đưa L. trở về nước. Bà này cũng đã trả lại cho L. chiếc điện thoại di động và số tiền 1,6 triệu đồng đã thu giữ của em trước đó.
Mặc dù đã được giải cứu trở về, song càng ngày L. càng trở nên lầm lì, ít nói. Cô gái trở nên xanh xao hơn trước nhiều, thần sắc và tâm lý của em trở nên điên loạn. Trước khi đi làm công nhân cho công ty bánh kẹo, L. 49kg nhưng bây giờ chỉ còn 38 kg.
Đầu năm 2013, em bắt đầu đổ bệnh, chân tay run lẩy bẩy, nói mê sảng thường xuyên khiến gia đình phải đưa cháu ra bệnh viện Việt Đức Hà Nội để điều trị. Nhưng bệnh tình không thuyên giảm, có những lần quá hoảng loạn, L. chui xuống gầm giường hét lên: “Đừng bắt tôi, đừng bắt tôi”.
Hai mẹ con chị Nguyễn Thị B. tại bệnh viện.
Bà B., mẹ L cho biết thêm: “Sau khi trở về, nó không được bình thường như trước, miệng cứ lẩm bẩm về một người đàn bà nào đó. Chúng tôi đã vay mượn và bán tất cả những gì đáng giá trong nhà để điều trị cho cháu.
Tôi cũng đã mua sắm lễ đi hết các chùa chiền để cầu phúc cho con, nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi tôi cũng đưa con đến chữa trị nhưng vô ích.
Đã bao đêm tôi khóc ròng, L. đi làm để kiếm tiền chữa bệnh cho tôi, không ngờ nó lại rơi vào tình cảnh như vậy”.
Được biết, gia đình bà B. đã chịu nhiều bất hạnh, đứa con đầu vừa sinh ra đã bị chết yểu, đứa em thứ hai thì bị bệnh nặng. Chỉ còn L. thông minh, lanh lẹ hơn lại bị rơi vào cạm bẫy tiền bạc.
Bị ảnh hưởng tinh thần nặng, từ khi trở về đến nay, em gần như dị ứng với tất thảy những gì liên quan đến đồ Trung Quốc. Ngay cả khi ngồi nói chuyện, khi nghe nói đến chữ phòng trọ, L. luôn miệng nói “không đi” rồi chửi bới, đập phá.
Hiện tại, vợ chồng chị B. đã dốc kiệt gia sản, bỏ bê công việc mưu sinh tập trung chăm sóc L. với hy vọng em sớm ổn định tâm lý, để trở lại nhịp sống bình thường.
Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết: “Bệnh nhân Nguyễn Thị L. nhập viện điều trị vào đầu tháng 4/2013 với các triệu chứng hoảng loạn, la hét, đập phá đồ đạc và không làm chủ được bản thân. Theo chuẩn đoán ban đầu, L. bị rối loạn tâm lý nặng".