Bi kịch của nông dân: Được mùa vẫn khóc!

Lưu Thủy |

(Soha.vn) - Chi phí loại vật tư nông nghiệp lớn, tiền thuê nhân công mỗi vụ khá cao, trong khi giá lúa gạo trên thị trường lại đang giảm mạnh khiến nhiều hộ nông dân trồng lúa ở miền Bắc bị thua lỗ nặng.

Được mùa vẫn… lỗ

Vụ đông xuân 2013, gia đình ông Nguyễn Văn Bình (xã Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) có hơn 12 sào lúa gieo sạ giống lúa Q5. Ông Bình cho biết, nhờ nguồn giống tốt, tưới tiêu được đảm bảo nên bình quân (mỗi sào Trung Bộ là 500m2) lúa sau khi đã thu hoạch, phơi khô đạt 380kg, tăng từ 30 – 40kg so với vụ sản xuất năm 2012. Tuy nhiên, chưa kịp mừng vì được mùa thì ông Bình lại lo lắng vì suốt trong vòng 2 tháng qua, giá lúa gạo trên thị trường liên tục giảm mạnh.

Ông Bình cho biết: "Nhờ năng suất tăng nên vụ chiêm năm nay tổng sản lượng lúa mà tôi thu về từ 12 sào ruộng đạt khoảng 4,5 tấn thóc khô. Để có tiền trả công thu hoạch, thanh toán khoản nợ mua phân bón, thuốc trừ sâu và trang trải cuộc sống gia đình, tôi quyết định bán bớt 3 tấn thóc khô. Thế nhưng, khi kêu các tư thương đến nhà cân thì họ đưa ra mức giá quá thấp”.

Dù được mùa nhưng nhiều hộ nông dân miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn bị thua lỗ do giá lúa trên thị trường giảm mạnh.
Dù được mùa nhưng nhiều hộ nông dân miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn bị thua lỗ do giá lúa trên thị trường giảm mạnh.

Trước mùa gặt, giá lúa Q5 (giống lúa nhà ông trồng) trên thị trường được bán với giá 550 – 580.000 đồng/tạ, nhưng trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá lúa này đã giảm xuống chỉ còn 440 – 460.000 đồng/tạ. Nếu bán với mức giá nói trên, gia đình ông sẽ phải chịu lỗ từ 500.000 – 800.000 đồng/sào lúa, nên vụ chiêm năm nay dù được mùa nhưng vẫn bị lỗ là điều chắc chắn.

Cũng theo ông Bình, lý do bị lỗ là do chi phí để sản xuất lúa vào thời điểm gieo trồng như giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thủy lợi…) và giá thuê nhân công (cày, bừa, gieo cấy,…) cao, trong khi lúa bán ra với giá thấp, nên sự chênh lệch quá lớn. Với giá lúa gạo giảm như hiện nay, nếu trừ tất cả chi phí, hầu hết những nông dân trồng lúa không những không thu được lãi mà còn chịu lỗ.

“Hiện nay, chi phí thuê cày, bừa bằng máy cho mỗi sào lúa mất khoảng từ 250 – 300.000 đồng, công thuê gieo cấy là 200.000 đồng, chưa tính đến chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, tưới tiêu, chi phí thuê nhân công thu hoạch, phơi sấy, tiền nộp sản cho Nhà nước… Nếu bán theo giá lúa gạo hiện nay (đang giảm – PV) thì người nông dân cầm chắc thua lỗ.

Đó là lý do hiện nay nhiều gia đình nông dân không còn mặn mà với việc trồng lúa. Song không trồng lúa thì biết trồng cây gì, muốn chuyển đổi sang cây trồng khác thì cũng đòi hỏi phải có vốn, phải có đầu ra cho sản phẩm, thị trường phải ổn định, chứ nếu không thì cũng lỗ”, ông Bình ngán ngẩm.

Bỏ trồng lúa đi làm ô-sin!

Dù gia đình có 5 sào lúa nhưng chị Đinh Thị Thu, (xã Gia Lập, Gia Viễn, Ninh Bình) vẫn quyết định “nói lời chia tay” cây lúa, chấp nhận ra Hà Nội xin làm giúp việc gia đình. Trong khi đó, chồng chị, anh Đinh Văn Thành thì xuôi tàu vào Nam để làm công nhân cạo mủ cao su ở Bình Dương. Theo chị Thu, nguyên nhân khiến vợ chồng chị buộc phải, mỗi người một nơi đi kiếm sống là do không thể sống và gắn bó với cây lúa.

“Nhà tôi có 5 sào lúa, là làm cả năm mà vẫn không đủ ăn. Mỗi vụ dù có thu hoạch được gần 2 tấn lúa nhưng tất tần tật mọi chi phí, chi tiêu sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào nó nên không đủ sống. Chi phí cho mỗi vụ sản xuất lúa đều cao, thu hoạch xong, đem đi bán thì giá lại rẻ bèo. Không chỉ không có lãi mà còn lỗ.

Nhà làm 5 sào lúa mà có năm lúc giáp hạt vẫn phải đi ăn gạo đong vì lúa đã bán hết ngay sau mùa để trả nợ công cày bừa, gặt hái, phân tro,… chuyện thật mà như đùa”, chị Thu tâm sự.

Có một nghịch lý đang tồn tại trong ngành xuất khẩu gạo của nước ta: Dù chất lượng gạo được cho là không hề thua kém sản phẩm gạo của Ấn Độ, Thái Lan nhưng giá gạo khi xuất khẩu vẫn thấp hơn các nước khác.
Có một nghịch lý đang tồn tại trong ngành xuất khẩu gạo của nước ta: Dù chất lượng gạo được cho là không hề thua kém sản phẩm gạo của Ấn Độ, Thái Lan nhưng giá gạo khi xuất khẩu vẫn thấp hơn các nước khác.

Cũng theo chị Thu, sau vụ chiêm năm ngoái, chị quyết định không trồng lúa nữa, toàn bộ diện tích 5 sào chị chuyển nhượng lại cho người em gái. Đổi lại, sau mỗi vụ thu hoạch, người em gái sẽ trả cho chị 50kg lúa khô/sào để chị lấy gạo ăn.

Chị Thu chia sẻ: “Bây giờ cháu lớn nhà tôi đang học đại học năm thứ hai ở ngoài này (Hà Nội – PV), cháu nhỏ thì đang học lớp 8, các khoản chi phí học hành cho các cháu mỗi tháng đâu phải là nhỏ. Tôi với chồng tôi phải bàn nhau và quyết định đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con ăn học, chứ bám vào cây lúa quả thực là không đủ sống chứ đừng nói là đủ đóng tiền học cho con”.

Ở một số địa phương, dù biết thua lỗ nhưng người nông dân vẫn phải tiếp tục trồng lúa. Thua lỗ liên tiếp lũy tiến qua các năm khiến nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh nợ nần đầm đìa, thậm chí, phải đi làm thuê. Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương cũng không phải là dễ.

“Sống chung” với cây lúa: Không dễ!

Trao đổi với PV, ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Hiện nay tại nhiều địa phương, người trồng lúa không có lãi, thậm chí bị lỗ vì chi phí đầu vào cho mỗi vụ lúa rất cao, trong khi giá cả sản phẩm khi bán ra lại khá thấp. Thực ra việc vào vụ mùa, giá lúa gạo hạ cũng là điều dễ hiểu, song hạ chỉ một chừng mực nào đó thôi thì còn có thể chấp nhận được, chứ rớt giá đột ngột như thời gian vừa qua sẽ khiến người nông dân bị “sốc”.

Làm gì để người nông dân hôm nay có thể
Làm gì để người nông dân hôm nay có thể "sống chung" được với cây lúa?

Về nguyên nhân khiến giá lúa gạo rớt giá trong thời gian gần đây, ông Quảng cho rằng là do cả nước đang vào vụ mùa thu hoạch, nhân đó tư thương ép giá. Ngoài ra, một phần còn do tác động từ chính sách mua tích trữ lúa gạo của nhà nước, hạn chế xuất khẩu nên khiến cho giá lúa gạo trên thị trường càng giảm mạnh. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm lúa gạo của Thái Lan ngay trên sân chơi nội địa cũng khiến sản phẩm lúa gạo của Việt Nam chịu nhiều sức ép.

Ông Quảng cho rằng: “Việc đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng đầu ra cho sản phẩm lúa gạo, đẩy giá lúa gạo tăng lên để tránh gây thua lỗ cho người nông dân lúc này là điều nên làm, song nó chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời. Còn về lâu dài thì đòi hỏi nhà nước cần phải có những giải pháp, những nhóm chính sách tổng thể mang tính dài hơi thì mới có thể ổn định được thị trường lúa gạo và mới giúp người trồng lúa có lãi”.

“Thực ra đây cũng không còn là câu chuyện mới, mà là vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay, vấn đề là vẫn chưa tìm ra được nhóm giải pháp đồng bộ để giải quyết. Phải có cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người trồng lúa, nhất là đừng bao giờ để người nông dân phải khóc khi được mùa”, ông Quảng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại