Nghị quyết của tập thể
Ông Nguyễn Tăng Cường, Anh hùng Lao động, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã bị khai trừ ra khỏi Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) sau khi có những phát biểu công khai tại một hội thảo của Bộ Công thương.
Nguyên nhân đưa ra được cho là ông Cường đã 2 lần phát biểu đòi giải tán Hiệp hội và phỉ báng lãnh đạo Hiệp hội tại hội thảo, đi ngược lại với ý kiến của đa số các thành viên khác. Ngoài ra, ông Cường còn có ý "chê" lãnh đạo của của Hiệp hội Cơ khí VN già.
Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Cường khẳng định, những phát biểu của mình hoàn toàn vì mục đích chung của Hiệp hội chứ không phỉ báng ai, ông cũng không đòi giải tán Hiệp hội.
Để rộng đường dư luận, vào sáng nay (17/12), chúng tôi đã có cuộc trao đổi rất cởi mở với ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam để làm rõ hơn các thông tin về sự việc này.
Theo ông Thụ, việc khai trừ đối với ông Nguyễn Tăng Cường, không phải do "lợi ích nhóm" hay tư thù cá nhân nào, mà đây là quyết định của tập thể đưa ra đối với những hành vi sai phạm của doanh nhân này.
"Chúng tôi làm tất cả đều minh bạch, công khai và theo nghị quyết của tập thể để thực thi.
Chúng tôi đối xử với ông Cường cũng như với tất cả các doanh nghiệp khác chứ không có gì phân biệt, nhưng trong hội thảo ngày 10/11 vừa rồi là bàn về quy hoạch, chiến lược cơ khí Việt Nam thì ông Cường phát biểu hai lần đề nghị giải thể Hiệp hội này đi.
Rồi ông Cường còn nói ông Thụ làm ba nhiệm kỳ còn bám lấy công việc, tham quyền cố vị, ông Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký thế nọ, thế kia...
Trước hội nghị không bàn về vấn đề Hiệp hội mà ông lại nói thế khiến nhiều Tổng Giám đốc các doanh nghiệp lớn rất bất bình.
Đến ngày 17/11, chúng tôi đã họp thường vụ để bàn về vấn đề tổng kết cuối năm cũng như nhiệm vụ trong thời gian tới, tại đây vấn đề của ông Cường đã được đưa ra và 31 người tại cuộc họp này đã nhất trí 100% phải đưa ông này ra khỏi Hiệp hội.
Ở đây, ông Cường đã vi phạm vào điều lệ cơ bản của Hiệp hội, bởi đây là Hiệp hội tự nguyện chứ không phải áp đặt, vậy mà lại phát biểu đòi giải thể, cá nhân anh có thể muốn nhưng cái đó phát biểu không đúng lúc, đúng chỗ.
Ông Cường còn xỉ vả Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký..., đó là hành vi vi phạm đạo đức của một thành viên, vì vậy, không nên đứng trong hàng ngũ của chúng tôi nữa...", ông Thụ nói.
Ông Thụ (ngồi giữa) phát biểu trong một buổi làm việc. Ảnh: VAMI
Ông Thụ cũng khẳng định, việc khai trừ ông Cường có biên bản, ghi âm, ghi hình đầy đủ của tập thể tại cuộc họp và "nếu ông Cường kiện thì cứ kiện cả tập thể".
Cũng theo vị Chủ tịch Hiệp hội này, không chỉ ở hội thảo này mà trước đây đã có nhiều doanh nghiệp phản ứng, kiện ông Cường.
"Mặc dù chúng tôi cũng quý ông Cường, đã từng đề xuất để bầu ông ấy vào ban thường vụ, ban chấp hành, nhưng các doanh nghiệp không tín nhiệm, không bầu.
Không chỉ thế, ông Cường làm với ai cũng gây sự, tạo ra mâu thuẫn", ông Thụ thông tin.
Mâu thuẫn do đâu?
Theo ông Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí VN, tất cả những mâu thuẫn bắt đầu từ khi doanh nghiệp của ông Cường chưa được Hiệp hội đưa vào chương trình nội địa hóa nhiệt điện.
"Khi chúng tôi đề xuất được chương trình nội địa hóa nhà máy nhiệt điện thì bản thân ông Cường cứ thắc mắc là không được đưa vào danh sách này. Nhưng khi ông làm về thủy điện, có hàng nghìn tỷ về các dự án thì không thấy nói gì.
Chúng tôi làm toàn bộ tự nguyện, hoàn toàn vì lợi ích tập thể và do mọi người bầu chứ chả ham hố gì", ông Thụ cho biết thêm.
Ông cũng chia sẻ, đến nhiệm kỳ vừa qua, cá nhân ông cũng không muốn làm thêm nhưng các đại biểu tham dự Đại hội tổ chức vào năm 2013 vẫn tín nhiệm bầu.
Đây là Hiệp hội tự nguyện, phi Chính phủ nên ông và mọi người làm việc đều không có lương và như người vác tù và hàng tổng chứ chẳng có lợi lộc gì.
"Chúng tôi chỉ là những người có kinh nghiệm, uy tín, nói được tiếng nói của anh em đến với Đảng, Nhà nước còn chủ doanh nghiệp mà làm thì không dám nói với Bộ chủ quản, với Chính phủ.
Nhiệm kỳ vừa rồi, tôi cũng không muốn làm nữa và nói rõ là chỉ cần 1 người phản đối là tôi nghỉ ngay, nhưng 100% đại biểu bỏ phiếu kín đều thống nhất bầu tôi.
Tôi cảm thấy mọi người còn tín nhiệm, sức khỏe vẫn tốt thì làm và đem hết tâm huyết để xây dựng Hiệp hội này. Bởi trong cơ chế như hiện nay, nếu không có Hiệp hội này thì không có người bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp...", ông Thụ nói.
Trước ý kiến ông Cường cho rằng, mình từng được "phong" lên làm Phó Chủ tịch Hiệp hội nhưng không có văn bản nào, đến khi "phế truất" cũng chẳng có văn bản nào, ông Thụ khẳng định, chưa bao giờ ông Cường là Phó Chủ tịch.
"Nói thực lòng là chúng tôi rất muốn ông Cường phụ trách mảng doanh nghiệp tư nhân vì ông ấy là người nhiệt tình mà tư nhân đã chiếm đến 60 - 70% trong Hiệp hội.
Vì thế, tại Đại hội III được tổ chức năm 2013, chúng tôi có đề cử đưa ông Cường lên làm Phó Chủ tịch phụ trách mảng này, nhưng khi đưa ra bầu cử bằng phiếu kín thì các đại biểu lại không bầu cho ông ấy.
Ông ấy còn được phiếu thấp nhất trong số 40 người vào ban thường vụ. Văn bản chúng tôi vẫn còn lưu giữ đầy đủ và theo nguyên tắc tổ chức.
Mặc dù, ông Cường còn không đến dự Đại hội nhưng lại không hiểu, vẫn cứ đinh ninh mình đã là Phó Chủ tịch...", ông Thụ cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng chia sẻ thêm: "Cá nhân tôi cũng rất buồn vì chuyện này, bởi tôi đi làm không công, giúp người ta với tinh thần vì nghề, vì sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam mà thế này bất công quá...
Còn ở đây, nếu anh thấy được mình sai, làm văn bản xin lỗi và xin gia nhập lại thì Hiệp hội cũng sẵn lòng chứ không phải khắt khe, chấp làm gì cả, bởi thực tế, giờ chúng ta còn mong các doanh nghiệp gia nhập để ngày càng phát triển hơn nữa...".