Bi hài chuyện đến chết vẫn phải… cưới vợ của người Khùa

Đối với người Khùa (hay còn gọi là người Bru - Vân Kiều), nếu chưa cưới được ba lần thì dù có chết đi, giữa người chồng và người vợ vẫn chưa thể được coi là vợ chồng.

Nửa đêm đi bắt… vợ

Bắt vợ là tập tục bao đời nay của người dân tộc Mông sống ở vùng cao phía Bắc. Nhưng cũng một nơi khác xa xôi hơn, miền biên giới Việt - Lào, ở huyện Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình cũng có văn hóa bắt vợ li kỳ không kém.

Giữa vùng biên ải những cơn gió thốc vào đến buốt xương, chúng tôi được già Mong kể chuyện và rủ đi… bắt vợ. Hôm nay, già Mong sẽ đi bắt vợ cho cậu con trai của mình. Bên bếp lửa hồng, một nhóm phụ nữ đang ngồi trò chuyện rôm rả. Phía nhà trên, gần chục người đàn ông ngồi quây tròn quanh chum rượu cần vừa uống, vừa hát hò. Khi những ngụm rượu cần đã ngấm, nhìn đồng hồ đã chỉ kim sang ngày mới, thì cũng là thời điểm đi “bắt vợ” cho con trai già Mong.

Gần chục thanh niên trai gái và người nhà già Mong đốt đuốc bước xuống cầu thang nhà sàn đến bản K’Ing (cách nhà trai gần 10km) để “bắt” cô dâu Hồ Thị Xuân. Đầu tiên, cả nhà trai và nhà gái sẽ mượn một nhà bên cạnh để nói chuyện. Tại đây, bên bếp lửa, những bình rượu cần, thuốc lá, thuốc lào đã được chuẩn bị sẵn, hai họ thỏa sức trò chuyện và uống rượu.

Khi mặt trời đã rọi sáng cảnh vật, lễ bắt dâu mới được tiến hành, lúc này chỉ có hai người phụ nữ họ nhà trai được lên nhà gái bắt dâu mà thôi. Còn lại, kể cả chú rể cũng phải ở dưới cầu thang. Khoảng 10 phút sau, cô dâu đã được bắt đi. Nhìn con gái theo người nhà trai về làm dâu, bố của Xuân, ông Hồ Liên dõi mắt nhìn theo như muốn khóc.

Quay mặt vào nhà, ông bảo: “Thôi, dù sao con gái mình đến tuổi cũng phải lấy chồng thôi. Thành lệ rồi, nhưng người Khùa đôi khi vẫn không thể quen với cảm giác “mất con” như rứa”.

Theo quan niệm và phong tục của người Khùa, đó gọi là “bắt vợ”, “trộm vợ” nhưng tất nhiên đã có giao ước từ trước, có ngày tháng, giờ giấc cụ thể. Còn đối với cô dâu, chú rể, họ cũng được tự do tìm hiểu, tự do yêu đương chứ không có chuyện ép buộc hay tự nhiên “bị bắt” gì cả.

 1

Cô dâu Hồ Thị Xuân được trang điểm chuẩn bị về theo chồng. Ảnh: P.B

Cưới vợ ba lần, mong cho hạnh phúc viên tròn

Sau khi “bắt” được dâu thì trời đổ mưa. Cơn mưa nặng hạt đã làm cho đoạn đường từ nhà gái về nhà trai khó đi gấp bội lần. Cả đêm, nhiều người không ngủ nên đã cảm thấy mệt mỏi, nhưng tiếng cười nói vì có cô dâu mới khiến cho không khí gia đình của già Mong thêm phấn chấn.

Ngoài những việc chính, mọi người tập trung và bận rộn chuẩn bị cho mâm cỗ mời bà con trong bản đến chúc mừng. Bên chum rượu cần, đôi vợ chồng trẻ cùng sum vầy quanh chiếc cà-tôốc (mâm đan bằng tre) đã được chuẩn bị hai sợi chỉ, người dân ở đây gọi nó là “sợi dây hạnh phúc”. Khi hai sợi chỉ được buộc vào tay của cô dâu chú rể thì tiếng vỗ tay của mọi người khiến cho lễ cưới thêm náo nhiệt.

Lúc này, người mai mối mới đại diện tuyên bố cô dâu là người của nhà trai. Sợi chỉ buộc hai người vào nhau chính là lời hẹn thề không bao giờ đứt. Nếu trong cuộc sống có điều gì bất hòa, mâu thuẫn thì người mai mối sẽ có trách nhiệm hòa giải. Theo già Mong, tập tục bao đời nay của người Khùa là phải cưới 3 lần mới xong. Sau lần cưới cuối thì người đó mới chính thức là vợ mình.

Trong đời người đàn ông Khùa, ai cũng phải cưới 3 lần mới được bản làng chính thức coi là đã có vợ hoặc nhìn nhận cặp trai - gái này là vợ chồng. Phong tục cưới lần 2 và 3 cũng gần giống lần đầu nhưng lễ vật giá trị hơn, bao gồm cả bò và lợn. Người Khùa coi đây là cách để trai Khùa cưới được vợ và khi ở với nhau thì mãi mãi hạnh phúc. Thời gian tổ chức lễ cưới lần hai, lần ba thì không cố định. Chỉ khi nhà trai có của ăn, của để, đủ tiền sắm lễ vật thì cưới. Vậy nên chuyện nhiều trai Khùa phải chờ đến mấy chục năm sau mới cưới xong vợ là chuyện bình thường.

Theo người dân ở đây kể lại, trong bản Hà Vi, ở xã Dân Hóa, có ông Hồ Thong, năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng mới có “vợ chính thức từ năm ngoái”. “Đó là chuyện thường ở đây thôi nhà báo ơi. Bản Hà Vi và nhiều nơi ở đây, gần như không có ai cưới xong vợ trước tuổi 40 cả”, ông Hồ Thong cười hóm hỉnh.

Theo tục của người Khùa, thông thường, con trai đến tuổi đôi mươi là có thể đi bắt dâu. Hai vợ chồng sau khi cưới lần một sẽ cặm cụi làm lụng, chắt chiu rồi mới tổ chức lễ cưới lần hai, lần ba. Chính vì phong tục ở đây như vậy nên gần như không có chuyện các cặp vợ chồng bỏ nhau. Thậm chí, khi đã “ở thế giới bên kia”, nhiều cặp đôi vẫn chưa thể là vợ chồng.

Chẳng hạn như bà Hồ Thị Bay, một trong những cô dâu “bị bắt” từ năm 19 tuổi, nhưng cưới xong lần hai thì đã hơn 70 tuổi. Gia đình, con cái nghèo khó nên khi chồng bà Bay mất mà bà Bay vẫn chưa thể là “cô dâu” của gia đình nhà chồng được. Và theo tập tục của người Khùa, trong đám tang của bố, con cái đã thay bố làm lễ cưới lần ba cho mẹ, lúc này bà Bay mới trở thành người… có chồng.

Giờ đây, khi xã hội phát triển, nhiều gia đình có con cái đi làm ăn xa cũng đã “văn minh” hơn hoặc nhiều gia đình có điều kiện, đám cưới 3 lần cũng được gộp thành 1. Tất nhiên, lễ vật vẫn phải đầy đủ chứ không thay đổi và điều tích cực là do tục cưới ba lần của người Khùa khá nặng nề nên đàn ông Khùa rất hiếm khi bỏ vợ.

Thậm chí, nếu phát hiện ra người vợ có ý với người khác thì người đàn ông còn chủ động đi gặp “đối thủ” để xin hòa giải. Đó có thể là một chai rượu hoặc một con gà rồi mời “đối thủ” sang nói chuyện. Nếu “đối thủ” thừa nhận thì người chồng sẽ buộc sợi chỉ vào cổ tay của “đối thủ” và yêu cầu hai bên chấm dứt quan hệ để họ được trở lại cuộc sống hòa thuận.

Phó Chủ tịch xã Trọng Hóa, ông Hồ Mi cho hay: Tục cưới vợ 3 lần của người Khùa (phổ biến ở hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa) được lưu giữ đến tận bây giờ.

Hiện nay, ở xã tỷ lệ cưới vợ 3 lần chiếm khoảng 10%, số còn lại thì do điều kiện khó khăn nên họ chỉ tiến hành cưới 2 lần mà thôi, một số ít có điều kiện thì cưới 1 lần.

Người Khùa ở xã có tiến bộ hơn trước là một số ít người dân đã đăng ký kết hôn trước khi cưới, số còn lại thì sau khi cưới hoặc khi đã có con mới đăng ký. "Là xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của Quảng Bình, điều kiện kinh tế eo hẹp nên vẫn còn tình trạng tảo hôn. Song tỷ lệ đó chiếm rất ít", ông Mi chia sẻ thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại