Án oan chưa được bồi thường
Tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ( TANDTC) Trương Hòa Bình về việc bồi thường án oan sai đối với ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình.
Vụ việc đã kéo dài hơn 11 năm kể từ khi ông Phi làm đơn yêu cầu bồi thường vào 2004, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
“Thiết nghĩ thời gian kéo dài như vậy là quá đủ để gây thêm nỗi đau cho người bị oan và gia đình họ. Chánh án có biện pháp gì và liệu có cam kết giải quyết dứt điểm trong năm 2015?
Nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, trách hiệm cá nhân liên quan như thế nào, nhất là trách nhiệm bồi hoàn tiền cho Nhà nước vì để oan sai”, đại biểu chất vấn.
Trả lời về vấn đề này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, đây là vụ oan sai, bồi thường phải theo pháp luật.
"Ông Phi bị truy tố về 2 tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và trốn thuế, phiên xét xử sơ thẩm tuyên phạt ông Phi tổng cộng 17 năm tù.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Phi kháng cáo, bản án phúc thẩm tuyên ông Phi không chiếm đoạt tài sản XHCN, và hủy 1 phần bản án trốn thuế điều tra lại, Viện kiểm sát đình chỉ về hành vi trốn thuế, vì thế tòa án có trách nhiệm bồi thường.
Ông Phi được Tòa án bồi thương 660 triệu đồng về số ngày bị tạm giam, thiệt hại về thời gian, thuê luật sư, sức khỏe… bản án đã thi hành xong.
Tuy nhiên, đến tháng 1/2013, ông Phi tiếp tục yêu cầu bồi thường 54,1 tỷ đồng bởi thiệt hại do 3 cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Vì thế, quá trình giải quyết vụ án bắt đầu khởi kiện vụ này từ năm 2013 chứ không phải hàng chục năm", ông Bình cho hay.
Sau phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Thái Bình đề nghị TANDTC thẩm định lại bản án. Toà án tối cao có quyết định kháng nghị với bản án nêu trên với lý do vi phạm, sai lầm nghiêm trọng trong định giá tài sản, giá phát mãi tài sản của ông Phi không chính xác.
Bản án sau đó được huỷ và đưa ra xét xử lại. Năm 2015, toà án TP Thái Bình xét xử buộc Toà án tỉnh Thái Bình bồi thường số tiền gần 23 tỷ đồng.
Khi bản án chưa có hiệu lực thi hành thì ông Phi tiếp tục kháng cáo tiếp nên việc giải quyết vụ án này phải tiếp tục theo trình tự phúc thẩm.
“Đến nay, theo quy định của pháp luật vụ án đang được giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Cách giải quyết duy nhất là theo trình tự tố tụng và thẩm quyền giải quyết phúc thẩm, HĐXX chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ Chánh án TANDTC không có quyền can thiệp mà chỉ có quyền yêu cầu xử lý đúng pháp luật.
Đó là theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật”, ông Bình khẳng định.
Về nguyên nhân vụ việc kéo dài, Chánh án Trương Hoà Bình cho biết: “Vụ án đầu giải quyết xong, vụ án sau đang giải quyết theo trình tự.
Quan điểm là đã gây ra oan sai cho người dân thì Chánh án yêu cầu nâng cao xét xử không làm oan và nếu để oan thì phải bồi thường và giải quyết nhanh nhưng đúng pháp luật”.
Chưa thấy vai trò của Chánh án
Không đồng tình với phần trả lời của Chánh án Trương Hoà Bình, ĐB Bùi Văn Xuyền nói: “Nếu trả lời như Chánh án thì tôi không cần phải chất vấn và chưa thấy vai trò của Chánh án ở đâu, vì Chánh án nói làm theo luật, cũng như trả lời không đúng diễn biến vụ án”.
Theo ông Xuyền, oan sai từ 1999 và ông Phi khởi kiện cả dân sự, hình sự từ 2004.
Tuy nhiên do Toà án tối cao và Viện KSND tối cao không xác định được cơ quan nào bồi thường nên sự việc phải đưa ra Quốc hội và UBTVQH năm 2006 quyết định toà án nhân dân phải là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.
Lúc đó toà mới bắt đầu đứng ra bồi thường. Bản án cuối cùng buộc toà án tỉnh bồi thường 23 tỷ đồng. Toà án tỉnh kháng cáo, nguyên đơn là ông Phi cũng kháng cáo nên vụ việc kéo dài.
“Tất nhiên hai bên thương lượng nhưng không đồng tình. Giờ nếu toà rút đơn thì nguyên đơn cũng sẽ rút đơn vì thời gian quá sức chịu đựng và mệt mỏi quá rồi.
Đồng thời, mong Chánh án kiểm tra xem xét lại để chỉ đạo, còn bồi thường bao nhiêu là theo luật", ông Xuyền nói.