"Bị chặt chém là do dân không chịu đọc báo"

Minh Anh - Hạnh Thúy |

Trước thông tin phản ánh nhiều quán cơm phở bình dân nằm trên quốc lộ 1A thuộc địa phận thành phố Phủ Lý - tỉnh Hà Nam có hành vi “chặt chém”, lãnh đạo UBND thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho rằng, bị “chặt chém” là do người dân không chịu đọc báo, không chịu nghe đài…

Quán phở "chặt chém" hoạt động ngang nhiên

Trước phản ánh của một số người dân về tình trạng nhiều quán phở nằm dọc trên quốc lộ 1A thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam có hành vi “chặt chém” tiền của du khách, sáng 17/2, PV báo VietNamNet đã về trực tiếp địa chỉ trên để tìm hiểu tình hình.

Qua quan sát, những quán phở được người dân phản ánh trên nằm ở khu vực ngã ba Hồng Phú thuộc thôn Hồng Phú, xã Thanh Châu, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Dọc đường này có tới 5, 6 quán cơm, phở, bánh cuốn nằm liền kề nhau. Tuy nhiên, các quán ăn đều không có địa chỉ cụ thể và bảng niêm yết giá, thực đơn.

Sau khi quan sát, phóng viên VietNamNet đã quyết định vào một quán bất kỳ để tìm hiểu rõ thực hư.

Có khoảng 5, 6 quán cơm phở nằm liền kề nhau nhưng không có địa chỉ cụ thể
Có khoảng 5, 6 quán cơm phở nằm liền kề nhau nhưng không có địa chỉ cụ thể

Chỉ 5 phút sau khi gọi 1 bát phở bò và 1 bát mỳ bò, chủ quán đưa ra 2 bát nước dùng, 1 đĩa mỳ kèm thịt bò và 1 đĩa phở khô kèm thịt bò. Ăn xong, PV choáng váng khi phải trả tiền với giá 280 nghìn/ 2 bát.

Giải thích cho cái giá “cắt cổ” này, chị chủ quán cho biết, “đây là giá rẻ nhất ở đây, chứ các hàng bên cạnh, 1 bát phở sẽ có giá từ 150 nghìn trở lên”.

Bát phở bò và bát mỳ bò được gọi tại quán ăn này
Bát phở bò và bát mỳ bò được gọi tại quán ăn này
Quán phở chém 280 nghìn cho 1 bát phở và 1 bát mỳ bò
Quán phở "chém" 280 nghìn cho 1 bát phở và 1 bát mỳ bò

Được biết đây không phải lần đầu tiên tình trạng “chặt chém” xảy ra ở Phủ Lý, Hà Nam. Nhiều năm trước, nhiều du khách đi qua địa phận này và dừng lại ăn uống cũng đã bị “chặt chém” không tương tiếc.

Một chị bán nước (xin được giấu tên) ngồi đối diện những quán ăn trên (bên kia đường -pv) cho biết: “Tình trạng tăng giá bán cho khách khi vào ăn phở đã có hàng chục năm nay. Dân ở đây ai cũng biết nên không ai vào ăn, những khách bị “chặt chém” chỉ là những khách đi đường”.

Khi biết chúng tôi vừa bị “chém” 280 nghìn cho 1 bát phở và 1 bát mỳ bò, chị hàng nước không lấy làm lạ. Chị động viên chúng tôi “vui vẻ mà trả tiền” và “lần sau đừng dại mà vào đó”.

Theo lời của chị, đã rất nhiều lần, khách vào ăn và bị chặt chém nhưng không vui vẻ bỏ qua nên đã kéo người đến đánh nhau. Tuy nhiên, việc chống đối, kéo người đến đánh nhau như thế chỉ khiến khách rước họa vào thân vì phần thắng vẫn thuộc về các chủ quán.

“Bị chặt chém là do dân không chịu đọc báo”

Trước vấn đề này chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với các cơ quan chức năng của thành phố Phủ Lý để làm rõ sự việc.

Ông Lê Nguyên Ngọc, Phó chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam xác nhận, những sự việc như độc giả thông tin là có thật. Tuy nhiên, ông cho rằng còn xảy ra tình trạng chặt chém như trên là do người dân không chịu đọc báo, nghe đài.

Ông Ngọc thông tin: “Từ những năm 1998, một đồng chí lãnh đạo tỉnh có ăn bát phở tại một quán ăn ở địa chỉ trên với giá 50 nghìn. Vị lãnh đạo đã quyết định dẹp bỏ quán ăn "chặt chém" đó.

Tuy nhiên sau đó, các hộ gia đình lại tiếp tục mở quán và tình trạng “chặt chém” lại tiếp diễn. UBND thành phố Phủ Lý cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc này. "Chúng tôi đã cho cắm biển cấm dừng dỗ, công bố đường dây nóng và giao phường Thanh Châu lưu ý xử lý” - ông Ngọc nói.

Thêm vào đó, ông Ngọc nhấn mạnh: “Trong nhiều năm trở lại đây, hết báo lại đến ti vi đều thông tin về sự việc này, các bài báo còn lưu ý độc giả phải hỏi giá cả trước khi ăn nhưng dân không đọc không nghe, khi đi qua vẫn vào ăn rồi lại kêu đắt".

Ông Trần Thanh Bình, trưởng công an phường Thanh Châu thì cho rằng: “Chúng tôi chỉ có thể có cơ sở để xử lý khi nhận tin báo của người dân. Khách qua đường bị "chặt chém" nhưng họ không phản ánh thì chúng tôi chịu. Chúng tôi làm cái gì cũng phải có căn cứ.

Công an đã công bố số điện thoại của công an TP, công an phường để người dân gọi rồi. Tuy nhiên, từ năm 2015, đầu 2016, không có cuộc gọi nào của người dân thông báo về tình trạng chặt chém như phản ánh”

Ông Bình cũng khẳng định: hiện tại, các hộ dân đều ký cam kết không bán hàng với giá cao.

Biển báo số điện thoại của công an thành phố và công an phường được cắm ngay trước đoạn đường vào dãy hàng quán chặt chém
Biển báo số điện thoại của công an thành phố và công an phường được cắm ngay trước đoạn đường vào dãy hàng quán "chặt chém"

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Tuyên, Phó chủ tịch UBND phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý – Hà Nam cho rằng, tình trạng “chặt chém” như độc giả phản ánh là có, và các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này.

Tuy nhiên, vì còn nhiều vướng mắc nên hiện tại, các quán ăn này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ông Tuyên lấy ví dụ: khách hàng vào ăn và bị chặt chém, nhưng không gọi cho cơ quan chức năng hoặc khi cơ quan chức năng xuống tới quán thì khách đã đi khỏi và tiền đã thu xong nên không có cơ sở để xử phạt.

Ngoài ra, số tiền mà quán ăn chặt chém ở khách không đủ để khởi tố hình sự nên có chăng cũng chỉ xử phạt hành chính.

Vì thế, để có thể ngăn chặn triệt để tình trạng này, ông Tuyên đề ra 2 giải pháp. Một là, cắm thêm biển cảnh báo cho người dân không vào ăn ở các quán này. Hai là đưa các gia đình này vào diện giải tỏa như kế hoạch đã trình lên thành phố từ trước đó.

“Có như thế thì tình trạng "chặt chém" mới không còn tiếp diễn nữa” – ông Tuyên nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại