Trong một chuyến công tác ở xã Đạm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng, chúng tôi may mắn được người dân giới thiệu và gặp ông Nông Ích Đăm (SN 1923), một người dân tộc Tày đã biết 5 thứ tiếng.
Được một cán bộ xã dẫn đến tận nhà, gặp chúng tôi ông Đăm niềm nở đón chào. Năm nay, ông đã 90 tuổi cũng là một trong những người cao tuổi nhất trong làng. Tuy nhiên, nhìn ông còn khá minh mẫn và khỏe mạnh.
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Đăm hớn hở: Từng tham gia kháng chiến chống Pháp tại khu vực Trùng Khánh khi tuổi đời còn rất trẻ, ông Đăm có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, học tập và trau dồi được nhiều kiến thức tiến bộ. Giờ đây ông Đăm là kho sử liệu sống về những câu chuyện từ xa xưa đến ngày nay trên mảnh đất quê hương.
Thông thạo tới 5 thứ tiếng là tiếng Kinh, tiếng Tày, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung. Chính vì thế UBND xã thường mời ông tham gia một số buổi lễ, trò chuyện với thế hệ trẻ tại các thôn bản, ông Đăm tiết lộ.
Thắc mắc về khả năng học ngoại ngữ của ông Đăm. Ông cho biết: “Thời còn nhỏ, tôi may mắn được gia đình cho ra trường huyện Trùng Khánh để học. Thời đó, chúng tôi bắt buộc phải học tiếng Pháp. Tôi học được 3 năm rồi sau đó tự học.
Ngoài ra, năm 1945-1946, tôi tham gia kháng chiến chống Pháp và có cơ hội được tiếp xúc với một số sách vở, tài liệu.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tôi lại lấy sách ra học. Khi gặp người Pháp tôi tìm cách trò chuyện để mở mang kiến thức và học hỏi, khi học tiếng thì cần chịu khó và tiếp xúc nhiều sẽ nhanh biết hơn”, ông Đăm chia sẻ.
Trước khi chứng minh tài năng lời nói của mình, ông Đăm hỏi chúng tôi có biết tiếng Pháp hay tiếng Anh gì không?
Sau đó ông chào chúng tôi bằng tiếng Anh và ghép từ "chào" – “hello”, “tên bạn là gì” – “what you name” hay bằng tiếng Pháp và ghép từ “chào” - "bonjour" và rất nhiều các danh từ xưng hô khác nhau.
Không chỉ có thế, ông còn nói những câu như hỏi thăm về quốc tịch, sức khoẻ, công việc, gia đình...
Chưa dừng lại ở đó, ông Đăm còn đưa chúng tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông cho hay vì từng tham gia tuần tra tại biên giới Việt - Trung và tham gia buôn bán nhỏ ở biên giới hai nước nên ông còn biết cả tiếng Trung Quốc.
Ông trổ tài nói bằng tiếng Trung Quốc, dù không biết ông nói gì nhưng chúng tôi hiểu được những tài năng của ông là có thật.
Cuộc đời của ông Đăm cũng đã gặp khá nhiều khách du lịch và tiếp xúc nhiều với khách nước ngoài. Tuy nhiên, có những kỷ niệm mà trong cuộc đời ông Đăm khó có thể quên được.
Một lần ông Đăm dẫn đoàn khách Pháp vào thăm động Ngườm Ngao vào năm 2010. Khi vào trong hang, đang đứng ở vị trí của nhũ đá có hình cây san hô biển khổng lồ thì đột nhiên có một con rắn hổ mang nhỏ xuất hiện ngay dưới khe đá. Cô gái người Pháp đứng gần đó hoảng hốt bỏ chạy thì bị con rắn bất ngờ mổ vào bắp chân.
Với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng, ông Đăm nhanh chóng trấn an đoàn khách và chạy ra vệt cây rậm ngoài cửa hang hái một ít lá rừng, nhai nát ra và đắp vào chân cho cô gái. Khá may là vết cắn không sâu nên không bị chảy nhiều máu và không nguy hiểm đến tính mạng cô gái.
Buổi trưa hôm đó, cả đoàn khách đã nghỉ ngơi và ăn trưa với gia đình ông Đăm. Cha mẹ cô gái vô cùng cảm kích và biết ơn ông vì đã giúp con gái mình.
Sau khi về nước, những vị khách đó còn viết thư và gửi ảnh cho ông. Vui chuyện, ông Đăm còn đọc và dịch cho tôi nghe bức thư họ gửi.
Bức thư có nội dung: "Chào ông Đăm. Chúng tôi rất vui khi gửi cho ông những hình ảnh khi đến thăm nhà ông. Ông đã đón tiếp chúng tôi với lòng tốt tuyệt vời và chúng tôi đã có những kỉ niệm không bao giờ quên.
Những hình ảnh chúng tôi gửi cho ông tuy hơi muộn nhưng hi vọng sẽ làm ông vui. Chúng tôi cảm ơn lòng hiếu khách và sự giúp đỡ của ông.
Ông đã khiến chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi sẽ thường xuyên nhắc đến ông và gia đình ông. Chúng tôi có thể sẽ trở lại Việt Nam, khi đó rất mong sẽ gặp được ông".
Cuối bức thư có ghi tên của người gửi là Léon Pragassam et Francoisi Nicolle.
Động Ngườm Ngao là một hang động toạ lạc trong lòng một quả núi, cách thác Bản Giốc 5km. Hang động Ngườm Ngao có tổng chiều dài 2.144m, có 3 cửa chính, trong động có nhiều nhũ đá và măng đá với các hình dạng phong phú đa dạng mô phỏng lại cuộc sống của thiên nhiên tuyệt đẹp.