Hiện tại đã có 8.521 ca sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 3.136 trường hợp dương tính với sởi và ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi đã xác định trên 112 trường hợp tử vong và nặng xin về liên quan tới sởi tại các bệnh viện tính từ đầu năm 2014 tới nay. Số tử vong chủ yếu ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó số trẻ tử vong do sởi tại Hà Nội chiếm khoảng 50%. Chưa ghi nhận trẻ tử vong do sởi tại khu vực miền Nam.
Đó là nội dung công văn hỏa tốc của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch sởi vào ngày 17/4.
Bộ Y tế nhận định số mắc và tử vong do sởi sẽ tiếp tục gia tăng.
Trên thực tế, các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải bởi một ngày có rất nhiều bệnh nhân nhi nhập viện điều trị do sởi, thậm chí tại một số bệnh viện phòng Phó trưởng khoa, phòng nhân viên cũng phải “trưng dụng” làm phòng cấp cứu. Cán bộ y tế cũng… kiệt sức vì sởi.
Hiện tại, cả nước đã có 61/63 tỉnh thành được xác định là có sởi với hai điểm nóng nhất là Hà Nội và TP. HCM. Số bệnh nhân tăng cao cục bộ tại một số bệnh viện tuyến Trung ương Hà Nội như: Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nguyên nhân do các bà mẹ đã đưa trẻ tới khám chữa bệnh vượt tuyến tại các bệnh viện tuyến trung ương gây hiện tượng quá tải và sự nhiễm khuẩn chéo làm trẻ em có thể mắc bệnh sởi và mắc các bệnh đường hô hấp khác.
Đây là nguyên nhân chính làm trẻ mắc bệnh nặng và tử vong cao, gây quá tải ở bệnh viện Nhi trung ương trong thời gian qua.
Các bệnh viện quá tải do bệnh nhân nhi nhập viện điều trị sởi (Ảnh: internet)
Cụ thể tại các bệnh viện:
Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 257 ca sởi (trên tổng số 1.358 bệnh nhân từ đầu vụ dịch đến nay. Từ sáng tới chiều 17/4 có 38 bệnh nhân nhập viện trong đó có 5 ca nhập viện mới và 33 ca chuyển từ khoa khác sang (do lây chéo trong BV). Số bệnh nhân đang phải thở máy là 20, có 2 bệnh nhân nặng xin về.
Tại bệnh viện Bạch Mai có 49 bệnh nhân đang điều trị với 9 bệnh nhân nặng, 4 bệnh nhân phải thở máy. Tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 60 ca sởi với 1 ca nặng. Trong ngày 17/4 đã có 17 ca nhập viện mới.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xuất cấp 12 máy thở chức năng cao thuộc nguồn dự trữ quốc gia để trang bị cho 3 bệnh viện ở Hà Nội là: bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Đống Đa) để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh. Đồng thời số máy này cũng để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, bổ sung kinh phí hơn 80 tỷ đồng cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi đó, tới thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch và trong công văn hỏa tốc cũng nêu rõ: “Yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tham mưu lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về việc quyết định công bố dịch hay không căn cứ vào tiêu chí, điều kiện căn cứ dịch của địa phương…
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin sởi mới đạt khoảng 50%. Kết quả tiêm vet vacxin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 17/4/2014 là 49,4%. Dịch sởi năm nay được ghi nhận nhiều ở trẻ em dưới 9 tuổi. Đây là hiện tượng bất thường. Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay các chủng virus sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của virus sởi.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Vụ BHYT đề xuất với BHXH VN thanh toán BHYT đối với các ca bệnh vượt trần thanh toán và đề xuất chế độ, chính sách bồi dưỡng cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống bệnh sởi.
Với tình hình dịch sởi ở Việt Nam, ông Kasai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế (WHO) thế giới tại Việt Nam khuyến nghị Bộ Y tế nên đặt tình trạng sởi hiện nay vào tình huống khẩn cấp và cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình hình.