Liên quan đến cái chết của bé Phạm Khánh Nhi (5 tuổi, ở Đông Khê – Ngô Quyền – Hải Phòng), phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại diện lãnh đạo bệnh viện để tìm hiểu về loại kháng sinh gây sốc phản vệ. Bệnh viện khẳng định đã làm đúng các bước điều trị cho cháu bé.
Người nhà bức xúc đòi tìm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé.
Ông Nguyễn Tuấn Tú – Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện trẻ em Hải Phòng – đã cho biết: “Khi vào viện, bệnh nhi này được chẩn đoán là viêm phổi kéo dài, theo dõi viêm phổi thùy. Sở dĩ chẩn đoán viêm phổi thùy vì cháu bé đã có tiền sử bệnh này, trước đó khoảng 1 tháng bệnh nhi này đã vào điều trị 15 ngày. Với những chẩn đoán này, bệnh nhi được chỉ định tiêm kháng sinh. Chúng tôi đã phối hợp 2 loại kháng sinh để tiêm cho bé. Loại thứ nhất là Cefotaxim lọ 1gram, tiêm 2 lọ, có chỉ định là tiêm tĩnh mạch chậm. Loại thứ hai là Zangmetaxim lọ 4ml gram, tiêm 2 ống, tiêm bắp. Đây là những loại kháng sinh chỉ định với bệnh viêm phổi kéo dài, phù hợp với phác đồ điều trị".
Giấy báo tử viết cháu chết do sốc phản vệ, viêm phổi nặng.
Ông Tú giải thích: "Buổi sáng, lúc 11 giờ 15 phút ngày 19/9, bệnh nhi được tiêm bắp. Tại sao lại chỉ định tiêm bắp trước khi tiêm tĩnh mạch, vì chúng tôi cũng sợ bệnh nhân sốc thuốc. Với Cefotaxim này có tiên lượng về phản ứng không mong muốn của thuốc, đó là hay có biểu hiện dị ứng ở bệnh nhân. Chúng tôi không tiêm tĩnh mạch ngay mà tiêm bắp trước để thử xem cơ thể của cháu có phản ứng hay không. Ở cữ tiêm này, bệnh nhi không phản ứng gì.
Đến 16 giờ cùng ngày, bệnh nhi được tiêm bắp mũi Zangtamexim, 2 ống 4ml gram. Và trước khi tiêm tĩnh mạch thì bệnh nhi được thử test mũi Cefotaxim. Test này âm tính, đủ điều kiện tiêm tĩnh mạch chậm. Như vậy, sự cần thiết về chuyên môn của chúng tôi đã đảm bảo đầy đủ quy trình để hạn chế phản ứng có hại của thuốc, mà một trong số đó gọi là phản ứng dị ứng quá mức. Sau mũi tiêm vào tĩnh mạch, bệnh nhi có biểu hiện sốc. Bác sĩ ở đó đã phát hiện kịp thời, tiêm cho cháu thuốc Alverin, đây là thuốc chỉ định bắt buộc đối với bệnh nhân sốc phản vệ. Với bệnh nhi 17kg, sau khi tiêm, kíp trực đã thực hiện đúng phác đồ điều trị sốc và cho thở oxy. Nhưng do tình trạng cơ thể bệnh nhi không đáp ứng thuốc nên các bác sỹ đã chuyển cháu xuống khoa hồi sức cấp cứu, lúc này là 16 giờ 25 phút.
Tại khoa hồi sức cấp cứu, bệnh nhi vẫn tiếp tục các biểu hiện theo chẩn đoán là sốc phản vệ của thuốc nên đã được tiêm nhắc lại thuốc Alverin. Sau khi tiêm, bệnh nhi có biểu hiện khá hơn. Thường thì các trường hợp phản ứng với thuốc, biểu hiện như vậy là tốt. Nhưng riêng với bệnh nhi Phạm Khánh Nhi này thì sau một thời gian lại bị sốc lại, tình trạng nặng hơn. Chúng tôi tiếp tục cấp cứu với tất cả những gì có thể làm được. Toàn bộ quá trình cấp cứu được lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ bệnh án. Bộ hồ sơ này đã được niêm phong ngay sau khi xảy ra việc cháu bé tử vong, đảm bảo sự nguyên vẹn, không có sửa chữa, có sự chứng kiến của gia đình bệnh nhân”.
Cháu bé tử vong, phía bệnh viện và cá nhân y, bác sĩ đã tới phúng viếng, chia sẻ với gia đình.
Vụ việc đang được phía bệnh viện và cơ quan chức năng làm rõ. Phía bệnh viện khẳng định, sẽ có kết quả kiểm thảo tử vong trong 2 tuần nữa.