Món ăn xa xỉ
Từ xa xưa, trứng cá tầm đã nằm trong top 10 món ăn xa xỉ nhất hành tinh. Trứng cá tầm, nổi tiếng là cá tầm Nga và có 3 loại, cá tầm trắng (beluga), cá tầm đen (osetra) và cá tầm sevruga. Hiện nay, một kg trứng cá tầm đen có giá bán dao động từ 1.500-6.000USD, còn với trứng cá tầm trắng (beluga) có giá lên tới 10.000USD.
Một trong những lý do làm cho trứng cá tầm trắng đắt là trung bình một con cá tầm trắng phải có trên 20 năm tuổi mới bắt đầu có trứng. Do đó, rất hiếm để thưởng thức được trứng cá tầm tươi. Các chuyên gia cho biết, trước đây số lượng cá tầm tự nhiên khá lớn nên việc khai thác còn dễ dàng và sản lượng trứng hàng năm có thể đạt tới 3.000 tấn, nhưng cá tầm tự nhiên ngày càng khan hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nên việc khác thác ngày càng giảm, chỉ dựa chủ yếu vào sản lượng nuôi.
Tuy nhiên nuôi cá tầm lấy trứng thường mất nhiều thời gian sinh trưởng do nền nhiệt độ thấp. Cụ thể ở Pháp, Italia, Thụy Sỹ, Nga ... phải nuôi từ 12-15 năm cá mới đẻ trứng. Vì vậy, những nước có truyền thống về nuôi cá tầm kể trên lại không phải là nước cho sản lượng lớn.
Theo các số liệu thống kê thì sản lượng trứng cá tầm trên thế giới hiện đã giảm mạnh, chỉ đạt 100 tấn/năm, trong khi nhu cầu lên tới khoảng 3.000 tấn/năm, vì vậy luôn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu.
Mới đây, cơ quan thủy sản liên bang Nga đã ban bố lệnh cấm đánh bắt cá tầm tại vùng biển Caspian, do việc đánh bắt quá mức đã dẫn đến cuộc tàn sát loài cá này. Biển Caspian là nơi cung cấp hơn 90% sản lượng đánh bắt cá tầm trên toàn thế giới. Lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, kéo dài trong vòng 5 năm. Với lệnh cấm đánh bắt cá tầm ở Caspian lại càng làm cho sản lượng trứng cá tầm sụt giảm và trở nên khan hiếm, đắt đỏ hơn, sẽ là cơ hội để các nước đã nuôi thành công cá tầm lấy trứng xuất khẩu thu ngoại tệ.
Đưa cá tầm về xứ nhiệt đới
Hiện nay, cá tầm đã được nhiều địa phương coi là một trong những đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, góp phần vào khai thác tối đa nguồn lợi nước lạnh. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm vừa qua tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới.
Ban đầu nuôi cá tầm ở Việt Nam không khả quan. Với suy nghĩ cho rằng cá tầm là loại sinh vật nước lạnh sẽ chết nếu nuôi ở nhiệt độ vượt quá 24 độ C nên phải tìm nơi có nước thật lạnh nuôi nên không phù hợp. Tuy nhiên sau phát hiện cá tầm cần môi trường nước có nhiệt độ ấm hơn để phát triển nhanh và sớm ra trứng sớm hơn, thì mọi chuyện đã thay đổi.
Từ đó, thay vì nuôi ở môi trường nước lạnh, tại Việt Nam phần lớn cá tầm được nuôi ở điều kiện nhiệt độ 16 – 28 độ C. Với dải nhiệt độ này cho thấy tốc độ sinh trưởng của cá nhanh hơn từ 1,5 – 2 lần so với cá nuôi tại các nước ôn đới và chỉ cần nuôi 4-6 năm, cá đã có trứng. Thời gian nuôi rút ngắn nên chi phí cho thức ăn, cho chăm nuôi... thấp hơn. Không những thế, năng suất nuôi cá tầm trong 5 năm trở lại đây được cải thiện một cách đáng kể, từ 7-10 kg/m3 trong những năm đầu tiên đã tăng lên tới trên 50 kg/m3 và có tỷ lệ sống đạt trên 90%.
Hiện hầu hết các hồ thủy điện tại miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên đều có thể nuôi được cá tầm lấy trứng, bởi có dòng nước sạch, lưu lượng chảy và nhiệt độ thích hợp để cá sinh trưởng nhanh và cho ra trứng. Hơn nữa, nuôi cá tầm ở các hồ thủy điện vừa khai thác được mặt nước rộng lớn lại tạo được rất nhiều việc làm cho người dân địa phương còn khá nghèo.
Nếu tận dụng tốt thế mạnh mới, sẽ mở ra lĩnh vực kinh doanh có giá trị gia tăng rất cao. Theo tính toán, với điều kiện tự nhiên của Việt Nam, có thể nuôi tới hàng triệu con cá tầm cho sản lượng trứng lên tới 40 tấn/năm chiếm khoảng 1 nửa sản lượng trứng toàn thế giới. Nếu lấy giá bán trung bình trứng cá tầm là 1.000 USD/kg thì doanh số thu về hàng năm không hề nhỏ.
Bà Irina Laskova một chuyên gia nuôi cá tầm (Nga) cho biết, sau một thời gian công tác ở Việt Nam thì tôi thực sự bất ngờ về tiềm năng phát triển nuôi cá tầm ở đây. Tôi biết, nhiều nước vốn có thế mạnh về nuôi cá tầm cũng thấy lo ngại trước tiềm năng xuất khẩu trứng của Việt Nam.
Hiện một số nhà đầu tư ở châu Âu, nơi tiêu thụ trứng cá tầm lớn nhất thế giới đã sang Việt Nam tìm hiểu với ý định hợp tác nuôi cá tầm và nhập khẩu trứng. Họ đã khảo sát rất kỹ và đánh giá cao chất lượng trứng cá tầm Việt Nam.
Tuy nhiên nuôi cá tầm lấy trứng không hề đơn giản, nó đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực lớn, dài hơi, cùng với việc am hiểu và chăm sóc cá theo quy trình nghiêm ngặt, đi cùng với đó là các công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến, xây dựng thương hiệu riêng tốn kém.
Nuôi cá tầm tại Việt Nam phần lớn vẫn là tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi, dịch vụ hậu cần, bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Nếu phát triển tràn lan chạy theo số lượng và cạnh tranh không lành mạnh thì khó có thể trở thành cường quốc về trứng cá tầm hàng đầu thế giới. Khi đó, giấc mộng ‘vàng đen’ sẽ thành hiện thực...