37 năm trôi qua, bảy đời chủ tịch xã thay nhau gìn giữ, bảo vệ báu vật với lời thề, tuyệt đối không tiết lộ về nơi cất giữ báu vật thiêng này...
Kho báu “vàng hời” của người Chăm cổ
Ngày nay Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) gần như bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại duy nhất một mảng tường tháp không nguyên vẹn mà người dân quanh vùng gọi là Tháp Sáng.
Nhưng với kiến trúc đồ sộ của kinh đô Phật giáo một thời, người đời vẫn tin rằng trước khi dời đi, người Chăm nhất định đã chôn giấu kho tàng của mình ở một địa điểm bí mật trên vùng đất này.
Câu chuyện còn được thêu dệt thêm bằng những truyền thuyết ly kỳ về những vệt sáng lấp lánh trên đỉnh núi Ngang.
Người ta đồn rằng vệt sáng ấy chính là những đàn gà, heo bằng “vàng hời” đội đất chui lên từ kho báu cổ của người Chăm thi nhau nhảy múa vào những đêm trăng sáng.
Có cả câu chuyện về cây duối trắng (thân, rễ, lá của cây duối đều toàn màu trắng - PV) trong tấm bản đồ cổ.
Kho vàng đuợc chôn cạnh cây duối trắng bên một dòng suối nhỏ cách tháp cô khoảng 500m đường chim bay.
Nếu tìm đuợc cây duối trắng sẽ tìm được nơi cất giấu kho vàng... Chính vì lẽ đó, hàng ngàn, hàng vạn người ở tứ xứ, lũ lượt kéo nhau đến Đồng Dương kiếm tìm kho báu.
Có người còn mang theo bản đồ, tìm gặp những người dân bản địa để hỏi về vị trí những ký hiệu phức tạp trên bản đồ để xác định phương hướng... Thế nhưng, hết thảy đều tay trắng trở về!
Không chỉ người Việt “khát” kho báu của người Chăm, mà Đồng Dương cũng trở thành địa chỉ đỏ cho các đoàn thám hiểm, khảo cổ nước ngoài tìm đến.
Năm 1901, Louis Finot đã công bố trên tạp chí Viễn Đông Bác cổ-Pháp (L'EFEO) về 229 tác phẩm tìm thấy tại Đồng Dương.
Một năm sau đó, Henri Parmentier, một nhà khảo cổ người Pháp, tìm thêm được rất nhiều tác phẩm quý hiếm khác trong khu tháp chính của Đồng Dương.
Thế nhưng một câu hỏi được đặt ra là tại sao trong số những hiện vật tìm thấy lại không có pho tượng chính Laksmindra-Lokesvara mà bia ký Đồng Dương đã đề cập đến?
Sau đó, có rất nhiều đoàn khảo cổ đã đến nhưng rồi lại lặng lẽ ra đi, mà câu hỏi ấy vẫn thực sự là một bí ẩn đối với họ. Cho đến một ngày...
Mối lương duyên kỳ lạ
Người làng Đồng Dương vẫn nhớ như in ngày 10/8/1978. Ông Trà Tấn Vụ (61 tuổi, Trưởng thôn Đồng Dương) nhớ lại:
“Đó là một bữa trưa nắng như đổ lửa, người làng trở nên nhốn nháo bởi thông tin ông Huỳnh Tấn Kết, một người trong thôn phát hiện tượng phật Bồ Tát nặng hơn trăm kg, trong lúc đào gạch thẻ dưới chân Tháp Sáng.
Khi chúng tôi đến nơi thì lớp quách phía trên tượng Phật đã bị phá bỏ. Một pho tượng Bồ Tát lờ mờ hiện ra trong lớp cát mịn phủ phía trên”.
“Các cụ cao niên trong làng họp khẩn, rồi quyết định lấy hết lớp cát phía trên thì mới phát hiện bức tượng Bồ Tát cao đến hơn lm, nặng hơn trăm kg, dưới đế có khắc dòng chữ Tará.
Không biết tượng đúc bằng chất liệu gì, nhưng khi mới quật lên thì một màu xanh đen tỏa rạng quanh bức tượng.
Một người trong làng lấy rựa, gọt sâu vào thân tượng thì lớp ri xanh đen bao phủ bên ngoài biến mất, bên trong hiện rõ màu đỏ quạch, nhìn giống y như vàng non.
Người làng thấy vậy mới cho rằng tượng Phật Tará được đúc bằng vàng”, ông kể tiếp.
Ngay lập tức thông tin trên được cấp báo lên chính quyền. Hiện trường để mang tượng Phật về nhà ông Tám Nhỏ đuợc tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt.
“Tôi lúc đó đang phục vụ trong đội du kích của xã nên cũng được lệnh mang súng ống, bảo vệ nghiêm ngặt bức tượng suốt đêm.
Bức tượng Bồ Tát cũng bình thường thôi, nhưng điều kỳ lạ nhất là đôi mắt của tượng phát sáng.
Thứ ánh sáng màu xanh phát ra từ bức tuợng càng về đêm càng sáng. Các cụ trong làng đến xem, cho rằng đôi mắt tượng Bồ Tát làm bằng ngọc...”, ông Vụ cho biết thêm.
Đối với bà con tộc Trà ở Đồng Dương, bức tượng phật Bồ Tát Tará là một báu vật thiêng của cộng đồng người Chăm.
Người dân luôn tâm niệm rằng tổ tiên của họ đã phù hộ, độ trì hiển linh tìm một người trong tộc Trà để phát ngộ vị trí bức tượng.
Chính vì lẽ đó, suốt hơn 1.000 năm, hàng vạn người đã đến tìm kiếm nhưng chẳng một ai có duyên “thức tỉnh" đuợc Bồ Tát trên.
Sống dể bụng, chết mang theo
Không lâu sau khi phát hiện bức tượng, chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cử một đoàn cán bộ xuống Đồng Dương đưa về bảo tàng điêu khắc Chăm và lưu giữ cho đến nay.
Sau này, nhiều học giả đều đồng nhất quan điểm cho rằng bức tượng Tará mà dân làng Đồng Dương tìm thấy chính là pho tượng Laksmindra-Lokesvara mà người ta đã tìm kiếm và chờ đợi trong nhiều năm dài.
Tượng Laksmindra- Lokesvara cao 1,148m, không phải làm bằng vàng như người dân đồn thổi mà được đúc bằng đồng thanh.
Nguyên mẫu tượng Laksmindra-Lokesvara đứng thẳng, thân hình cân đối, hai tay đưa ra phía trước như ban phước lành.
Tay phải cầm đoá hoa sen, tay trái cầm con ốc biển úp ngược. Tuy nhiên, khi bức tượng được đưa về bảo tàng thì đóa hoa sen và con ốc biển úp ngược đã biến mất.
Liệu rằng, hai vật này có thực sự tồn tại hay chỉ là những họa tiết mô phỏng trên, tranh... không ai lý giải được bí ẩn này.
Mãi tới gần đây, sự thật về đoá hoa sen và con ốc biển úp ngược mới được kiểm chứng.
Hóa ra, chúng thực sự tồn tại, chỉ khác là tồn tại dưới một cái tên khác là hai “quả lựu”!
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trương Văn Việt, nguyên Chủ tịch xã Bình Định Bắc xác nhận:
“Theo tài liệu thì tên gọi chúng là đóa hoa sen và con ốc úp ngược nhưng người dân ở đây quen gọi chúng theo cách dân dã là hai “quả lựu”.
Bởi vì trông chúng giống hai “quả lựu”, to bằng nắm tay.
Vào năm 1978, lúc phát hiện tượng thì một người dân trong làng đã nhanh tay bẻ mất hai vật đính trên tay Bồ Tát đem về nhà cất giữ. Lúc cán bộ tỉnh về đưa tượng đi cũng không hề hay biết về sự mất mát này”.
Mấy ngày sau, người này mới đem hai “quả lựu” giao nộp cho ông Huỳnh Thế Công (Chủ tịch xã lúc bấy giờ - PV).
Ông Công tổ chức họp thường vụ Đảng ủy xã và giao cho một đồng chí chịu trách nhiệm bảo vệ hai vật trên.
Khi nào kết thúc nhiệm kỳ thì sẽ bàn giao cho Ban thường vụ nhiệm kỳ mới. Để đảm bảo an toàn, thông tin về hai “quả lựu” được tuyệt đối giữ bí mật.
Việc giữ hai “quả lựu” thì chỉ có người trong thường vụ biết, còn điểm cất giữ thì chỉ mỗi mình đồng chí được chỉ định cất giữ biết...
Thông lệ trên được thực hiện từ đời ông Công, đến giờ là nhiệm kỳ của anh Trà Tấn Túc (Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc hiện tại-PV), nay đã tròn 37 năm với bảy đời Chủ tịch”.
“Đã có lần bà con Đồng Dương kiến nghị lên tỉnh những thắc mắc về pho tượng thiêng của làng.
Đến nỗi chính quyền tỉnh phải cho xe chở gần trăm người dân về tận bảo tàng Chăm để xem pho tượng đó có phải là bức tượng được tìm thấy tại làng Đồng Dương không?
Thế nhưng với chính quyền xã Bình Định Bắc thì bà con lại hoàn toàn tin tưởng. Chưa bao giờ bà con đòi xã đưa ra để xem.
Nhưng, như thế chủ tịch mình càng lo hơn. Bởi người dân đều cho rằng hai “quả lựu” đó đều được làm bằng vàng, nếu để mất thì mang tiếng cả một đời.
Vì thế, làm Chủ tịch xã, chúng tôi luôn tâm niệm “sống để bụng, chết mang theo”, tuyệt đối không tiết lộ thông tin ra bên ngoài.
Vì thế cũng thông cảm vì chúng tôi không thể cho PV chụp hình hai “quả lựu” này được”, ông Việt chia sẻ.