Viện KSND tối cao vừa tống đạt cáo trạng vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ÁChâu (ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố 7 bị can ra TAND TP Hà Nội để xét xử theo pháp luật.
Bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, bị truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.
Bầu Kiên bị cáo buộc gây thiệt hại 1.696 tỷ đồng, chưa kể hơn 433 tỷ đồng tiền lỗ kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam đến nay chưa trả được.
Đại gia bí ẩn
Nổi lên là một doanh nhân thành đạt, nhưng những thông tin quanh Nguyễn Đức Kiên có vô vàn điều bí ẩn. Người ta chỉ thực sự biết đến con người này sau những tuyên bố mạnh miệng trong làng sân cỏ vào năm 2011.
Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, Gia Lâm, Hà Nội), xuất thân trong một gia đình có bố mẹ đều là những giáo viên nổi tiếng cả miền Bắc khi đó.
Không theo nghề sư phạm, năm 16 tuổi, ông Kiên thi đỗ Đại học Kỹ thuật quân sự (Khóa 15). Một năm sau đó, ông được cử đi học ngành thông tin tại trường Kỹ thuật quân sự Zalka Maté ở Hungary (1981-1985).
Năm 1986, khi về nước, Nguyễn Đức Kiên làm cán bộ tại Tổng công ty dệt may- Bộ Thương mại.
Năm 1994, khi mới 30 tuổi, Nguyễn Đức Kiên trở thành Phó Chủ tịch HĐQT của ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam và giữ vị trí này trong suốt 14 năm (đến 2008).
Dù không phải là người sáng lập ACB ngay từ những ngày đầu, nhưng tỷ lệ góp vốn của cá nhân ông Kiên vượt xa sở hữu của các sáng lập viên khác...
Trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, ông Nguyễn Đức Kiên cùng vợ và 3 người em nắm giữ 9,03% vốn điều lệ, trong đó riêng ông là 3,8%.
Dù nổi tiếng trong giới tài chính ngân hàng, nhưng thông tin về sự giàu có của bầu Kiên chỉ dừng lại ở những đồn đoán.
Người ta chỉ biết rằng, Nguyễn Đức Kiên có "nhiều tay", khi đảm đương những chức vụ quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực.
Ngoài làm Phó Chủ tịch HĐQT ACB, ông Kiên còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT; Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam; Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex, Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Chợ Lớn, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh…
Những thông tin lan truyền và bản thân ông Kiên cũng từng thừa nhận có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác...
Tuy nhiên sau khi bầu Kiên bị bắt giữ, những ngân hàng này đồng loạt lên tiếng phủ nhận sự liên quan cũng như vai trò của bầu Kiên.
Năm 2010, ông Kiên lọt vào danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam với tài sản 805,9 tỷ đồng, ít hơn năm 2008 gần 200 tỷ. Còn tổng số tài sản của gia đình ông Kiên (tính theo thị trường chứng khoán năm 2010 là khoảng 2.000 tỷ đồng).
Ông bầu bạo chi
Được xem là một trong những doanh nhân đầu tiên làm bóng đá, ông Kiên nổi tiếng bạo miệng và bạo chi cùng nhiều phát ngôn gây chấn động làng túc cầu nước nhà.
Cái tên bầu Kiên hay Kiên "đầu bạc" cũng xuất phát từ đây, gắn với tên tuổi của CLB bóng đá Hà Nội ACB.
Vào tháng 9/2011, dù không được mời tham dự trong lễ tổng kết mùa giải của Liên đoàn bóng đá VN (VFF), bầu Kiên đã có một bài phát biểu được đánh giá là táo bạo chưa từng có, gây chấn động khi công kích thẳng những tiêu cực tồn tại từ lâu của VFF và bóng đá Việt Nam.
Ông chủ Hà Nội ACB trở thành “thần tượng” trong mắt không ít người hâm mộ bóng đá.
Vài ngày sau đấy, bầu Kiên tiếp tục gây “sốc” với thương vụ “giật” tiền đạo số 1 Việt Nam Lê Công Vinh khỏi tay Hà Nội T&T, chỉ một ngày trước khi đội bóng của bầu Hiển tổ chức lễ ký kết hợp đồng với chân sút xứ Nghệ.
Số tiền chuyển nhượng không được người trong cuộc tiết lộ, tuy nhiên vào tháng 4/2012, mẹ của Công Vinh cho biết, bầu Kiên đã chi 13 tỷ để "giật" Công Vinh.
Ngày 4/11/2011, tại đại hội thường niên, VFF đã buộc phải thừa nhận đề án thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), trong đó bầu Kiên là Phó chủ tịch.
Ông Kiên cũng được biết đến trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình với VFF và Công ty Cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (AVG).
Ông Kiên từng tuyên bố: “Chúng tôi xem AVG như một đài địa phương...” nhưng đến tháng 4/2012, bầu Kiên lại bất ngờ đình chiến và bắt tay với AVG về bản quyền truyền hình.
Vào tháng 8/2012, sau khi CLB trẻ Hà Nội trụ hạng thành công ở giải hạng Nhất, bầu Kiên vung tay thưởng nóng tới 1 tỷ đồng, trong khi trước đó, chính bầu Kiên là người đưa ra quy định cấm các CLB thưởng quá 500 triệu.
Kinh doanh trái phép, trốn thuế
Ngày 20/8/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên về hành vi kinh doanh trái phép (3 tội danh còn lại được khởi tố bổ sung sau này).
Việc bắt giữ đã gây chấn động dư luận và làm chao đảo thị trường tài chính.
Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, nhưng là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, Nguyễn Đức Kiên đã giữ vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ngân hàng này.
Với quyền uy sẵn có, Nguyễn Đức Kiên tiếp tục lập 6 công ty với vai trò là Chủ tịch HĐQT, HĐTV gồm: Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP đầu tư thương mại B&B (B&B), Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty CP đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN).
Cả 6 công ty này đều không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng bầu Kiên vẫn chỉ đạo tiến hành giao dịch vàng, mua bán trái phiếu như thường.
Từ 2007 - 2012, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 5 Công ty: B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.
Tại Công ty Thiên Nam, dù không được cấp phép kinh doanh vàng nhưng chỉ tính từ 30/11/2009 - 30/7/2010, bầu Kiên đã chỉ đạo thực hiện 49 lệnh giao dịch với số vàng lên tới 75.000 ounce thông qua tài khoản ACB. Kết quả bị lỗ tới hơn 433 tỷ đồng.
Về hành vi trốn thuế tại công ty B&B, công ty này cũng không được phép kinh doanh vàng tại nước ngoài, tuy nhiên bầu Kiên đã chỉ đạo ký các hợp đồng ủy thác, đầu tư tài chính có nội dung kinh doanh vàng ngoài lãnh thổ với ngân hàng ACB và bà Nguyễn Thúy Hương (em ruột Nguyễn Đức Kiên).
Theo biên bản ký kết, bà Hương chỉ phải trả 1% lợi nhuận cho B&B sau khi trừ đi các khoản chi phí theo quy định.
Trong vòng 6 tháng (12/2008 - 6/2009), B&B đã thu lợi nhuận hơn 68,8 tỷ đồng. Khi quyết toán thuế năm 2009, B&B chỉ kê khai khoản thu nhập 1% (hơn 688 triệu đồng) được chia chứ không có khoản hơn 68 tỷ đồng đã chi trả cho bà Hương.
Trên thực tế, hợp đồng ủy thác của bà Nguyễn Thúy Hương và B&B là không hợp pháp vì công ty này không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
Do đó, toàn bộ số lãi 68,8 tỷ đồng phải do B&B chi trả (tương đương 25 tỷ đồng). Tuy nhiên bằng cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp sang cho cá nhân, Nguyễn Đức Kiên đã ẵm trọn số tiền 25 tỷ này.
Thao túng ngân hàng ACB
Vào cuối năm 2009, khi giá cổ phiếu của ngân hàng ACB bị giảm sút, bầu Kiên cùng thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Công ty ACBS (Công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) để mua cổ phiếu của ACB.
Nguyễn Đức Kiên cùng với Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang và ông Trần Xuân Giá bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, ngân hàng ACB cấp cho ACBS 1.500 tỉ đồng rồi công ty này tiếp tục chuyển cho 2 công ty của "bầu" Kiên là ACI và ACI – HN để 2 công ty này đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB.
Tính đến thời điểm này, mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc, còn lại 1.193 tỷ đồng chưa thu về được, trong khi cổ phiếu ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2010 đến 11/2011, do ACB dư tiền tồn đọng, không có chỗ đầu tư, Nguyễn Đức Kiên tiếp tục cùng các thành viên HĐQT ACB gồm: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải ra chủ trương để ACB ủy thác nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác để hưởng lãi.
Theo lệnh, 19 nhân viên ôm gần 719 tỷ gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM và chi nhánh Nhà Bè. Số tiền này sau đó đã bị bị can Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ.
Việc làm này là trái quy định tại điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011).
Cùng trong vụ việc này, các bị can Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên phó chủ tịch ACB; Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB cũng bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỷ đồng
Nguyễn Đức Kiên trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp và quyết định của HĐQT công ty để bán lại hơn 22 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, số cổ phiếu này đang được ACBI thế chấp cho ACB.
Hành vi của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tiền của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát theo Điều 139 Bộ Luật hình sự.
Diễn biến vụ Nguyễn Đức Kiên:
- Ngày 20/8/2012, khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Đức Kiên để điều tra hành vi kinh doanh trái phép tại 3 công ty B&B, ACBI và ACB-HN.
- Ngày 23/8/2012, khởi tố và bắt tạm giam Lý Xuân Hải về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Ngày 17/9/2012, khởi tố bổ sung đối với bị can Nguyễn Đức Kiên; khởi tố và bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Ngày 27/9/2012, khởi tố bị can đối với các ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang; khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Ngày 31/5/2013, khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên tội “trốn thuế”.
- Tháng 8/2013, cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận điều tra, đề nghị VKSND tối cao truy tố 8 bị can nói trên.
- Ngày 12/12/2013, Viện KSND tối cao đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang, hoàn tất cáo trạng, truy tố 7 bị can nói trên với 4 tội danh (Ngày 31/12/2010, ông Cang đã có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB).