Ngày 3-11, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Văn Khương (SN 1950), nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Công ty ) để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản” theo Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Vụ khởi tố này liên quan đến việc mở rộng công tác điều tra vụ án “Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;
Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty Vinashinlines.
Tháng 8 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố bị can đối với Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương (Vinashinlines) về hành vi “Tham ô tài sản”.
Trần Văn Liêm hiện đang chấp hành hình phạt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án 19 năm tù.
Tàu Hoa Sen
Việc khởi tố bổ sung tội danh với Trần Văn Liêm được tiến hành sau gần 2 tháng Cơ quan An ninh điều tra bắt được Giang Kim Đạt (SN 1977, quê quán huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vinashinlines, vào đầu tháng 7 vừa qua, sau 5 năm bỏ trốn.
Sau khi bị bắt, Giang Kim Đạt đã khai nhận về hành vi phạm tội tham ô, chiếm đoạt số tiền lên tới gần 19 triệu USD.
Trần Văn Liêm được xác định là đồng phạm với Giang Kim Đạt trong việc trực tiếp đàm phán mua tàu Cartour của Italia (tàu Hoa Sen) sai trình tự thủ tục, trái với chủ trương của Chính phủ...
Tàu Hoa Sen là tàu biển cũ đã qua sử dụng nên việc mua không phù hợp với quyết định của Thủ tướng, gây thiệt hại ít nhất 550 tỉ đồng.
Hiện Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang tích cực điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của bị can Trần Văn Liêm và những người có liên quan để xử lý trước pháp luật.
Điều 278. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.