Bất ngờ tìm thấy "người cha" đã chết tại phiên chợ đồ cũ

Nguyễn Hương |

Định mệnh đã cho anh Cung, một Việt Kiều Canada "tìm được" người cha đã mất từ thời chiến tranh trong một lần tình cờ ghé phiên chợ đồ cũ ở đường Nơ Trang Long cách đây vài năm.

Có lẽ cái duyên của nghề đã run rủi cho tôi gặp anh Cung tại phiên “chợ ve chai triệu đô” này vào một sáng Chủ nhật cuối năm 2015.

"Mẹ ơi, con tìm được ba rồi"!

Đó là câu anh Cung nói với mẹ trong cái giờ phút định mệnh ấy. Câu nói của anh khiến cả người bán và nhiều khách hàng đang xem đồ cùng anh khi đó rớm nước mắt.

Anh Cung đã ngoài 50 tuổi. Cha anh vốn là quân nhân. Gia đình anh ở Bến Tre. Trong một lần giao tranh với quân kháng chiến, cha anh trúng đạn pháo chết mất xác.

Vào Tết Mậu Thân, quân kháng chiến tấn công vào Sài Gòn. Trong trận chiến năm ấy, nhà anh ở Bến Tre trúng tên lửa cháy rụi. “Không còn tấm mái lá nào, nói gì là hình ảnh của ba tui”, anh Cung kể.

Sau năm 1975, gia đình anh sang Mỹ rồi di chuyển qua Canada. Mẹ anh ở vậy nuôi con, cố gắng chăm chỉ làm ăn để nguôi ngoai nỗi nhớ chồng.

Sau này, khi các con đã lập gia đình, ở riêng cũng là lúc mẹ anh thấm thía nỗi cô đơn và dằn vặt mãi vì không giữ được một kỷ vật nào của người chồng quá cố. Lâu dần, bà sinh bệnh, phải vào viện mấy lần mà không khỏi.

Anh Cung hay đi về làm dự án nông nghiệp ở Việt Nam, anh cũng chú ý tìm lại những bức ảnh, kỷ vật của cha mình ngày xưa nhưng không thấy.

Thế rồi có một lần, anh dạo web và phát hiện những món đồ gần gũi với tuổi thơ mình ngày xưa trên diễn đàn vechaisaigon. Từ diễn đàn này, anh tìm được đến với phiên chợ đồ cũ.

Và thật bất ngờ, trong một gian hàng chuyên bán đồ lính như nón cối, cặp lồng, thẻ bài, vỏ đạn, xẻng công binh… anh đã tìm được một cặp thẻ bài với tên Nùng Thế Khiêm, tên cha anh cùng ngày nhập ngũ và nhóm máu trùng với nhóm máu của cha anh.

Trên chiếc thẻ bài kia (một chiếc thẻ bài tự chế) có khắc tên mẹ anh là Huỳnh Thị Ngọc Ngà và địa chỉ nhà cũ ở Bến Tre.

Lúc đó, tôi hoang mang lắm. Tôi chỉ đi tìm hú họa, nhằm mua được mấy thứ hồi xưa cha mẹ từng mua cho mình như mấy cây kèn tây harmonica, mấy lon guigoz … chứ đâu dè. Lúc thấy tôi khóc, người chủ gian hàng cũng rớm nước mắt", anh Cung nhớ lại.

Mặc dù đang có khách, chú Hy (chủ hàng) vẫn nói tranh vào: "Lúc có người bán cho tôi một xâu nặng toàn thẻ bài của biệt động quân ngày xưa, chỉ có cái thẻ bài của cha chú Cung lạ nhất, vì có móc kèm với thẻ bài tự chế có tên mẹ chú ấy nữa".

Cũng nhờ cái lạ đó mà chú Hy đã giữ lại không bán, để trưng chơi chơi vậy thôi. Ai ngờ... đó lại là sự sắp đặt của định mệnh để cha con anh, cha mẹ anh còn gặp lại nhau. "May mà duyên số của cha mẹ tôi còn chưa dứt”, anh Cung nói.

Chú Hy lại kể: “Hôm đó, tôi tặng không cho chú ấy cặp thẻ bài. Thẻ bài bán không được bao nhiêu nhưng đó là kỷ vật cuối cùng mà chồng, cha người ta còn lại cho gia đình. Coi như làm phúc, mà từ đó tôi làm ăn cũng ổn".


Quang cảnh một gian hàng trong phiên chợ đồ cũ

Quang cảnh một gian hàng trong phiên chợ đồ cũ

Buôn bán không tính lời – lỗ

Phiên chợ đồ cũ này nổi tiếng với cái tên "chợ ve chai triệu đô" đã 6 năm nay. Chợ nằm trong khuôn viên của một quán cà phê khá rộng, chừng 250m2. Tại đây, mỗi sáng Chủ nhật lại tấp nập những người có thú vui sưu tầm và mua bán đồ cũ.

Gọi là đồ cũ chứ không phải đồ cổ là vì những món hàng ở đây có niên đại chỉ khoảng 70, 80 năm trở lại.

Từ những món linh tinh như chén, đĩa, cốc, thìa, nĩa… bằng đồng, bạc có giá từ vài chục nghìn đến 200 nghìn trở lại, cho đến những chiếc radio từ thời Bảo Đại, hoặc những chiếc hộp quẹt Zippo phiên bản hạn chế giá từ vài trăm nghìn đến gần 2 triệu đồng.

Điểm đặc biệt ở phiên chợ này là sự tin tưởng. Người bán người mua chẳng quen biết gì nhau nhưng cũng sẵn sàng bán... thiếu.

Tôi chứng kiến một chị mua hàng người phốp pháp, phúc hậu kỳ kèo từng 10 nghìn một với người bán để mua chiếc bàn ủi than hiệu Con Gà Trống từ thời Pháp thuộc.

Anh bán hàng tuổi ngoài 30 nhưng kinh nghiệm sưu tầm và buôn bán đồ cũ lên đến gần 15 năm. Anh cũng viện dẫn đủ mọi lý lẽ cho chiếc bàn ủi, rằng nó còn mới, không có chỗ nào lên mốc, rỉ đồng không bám tới mặt ủi… để kê giá.

Trong khi chị mua hàng cũng trình bày vô số lý do đến ép giá đến “tận cùng bằng số”, nào là bàn ủi chỉ để ngắm chơi, không có sức để ủi, xài than rất độc… cho đến khi cả hai đồng ý giá 430.000 đồng.

Thế nhưng, một tình huống không ngờ tới lại xảy ra vào phút chót, khi người mua móc tiền ra trả mới ngã ngửa: “Thôi chết, tui lo đi mua mấy thứ kia còn có 350.000 hà anh ơi, hay là…”.

Không đợi khách năn nỉ, kèo nài hay hủy giao dịch, anh Quang, chủ gian hàng khoát tay: “Không sao, cho chị thiếu 130.000 đồng đó, tuần sau lên gặp tui thì trả”.

Chị mua hàng thắc mắc là tại sao lại cho thiếu tới tận 130.000 thì được một câu trả lời rất đẹp lòng người “Thì để chị còn 50.000 về xe, chứ lấy hết 350.000, giữa đường về chị hết xăng thì sao”.

Khi cuộc giao dịch đó đã xong, anh Quang mới tâm sự: “Phiên chợ này không nói đến lời lỗ, vì mỗi người ở đây đều có công ăn việc làm khác. Một số rất ít mới sống bằng cái nghề này thôi.

Ở đây ai cũng quen mặt nhau hết. Cùng một đam mê, cùng một thú vui, trải hết sóng gió ngoài xã hội rồi, còn có một chỗ để là chính mình, phải tin nhau mới dễ sống”.

Dò hỏi nhiều gian hàng ở đây, tôi nghiệm thấy một điều, dường như phiên chợ này là một nơi để mọi người xả đi hết những lo toan, muộn phiền thường ngày để học hỏi kinh nghiệm mua bán, tìm hiểu lai lịch các món hàng … chứ không ai nghĩ gì đến chuyện lời lỗ.

Khách đến mua, khách tham quan, người bán hàng, khách uống nước khi đến quán ai cũng phải bỏ ra 30.000 đồng mua nước để vào phiên chợ. Ai đi xe thì tốn thêm 5.000 gửi xe bên ngoài.

"Sở hụi cả ngày có 35.000 đồng, ai mà tính bán được hay không. Có đến được là vui rồi”, chú Huy, một người bán hàng chuyên về đồng hồ tại đây cho biết.


Hình ảnh một số mặt hàng được bày bán trong phiên chợ

Hình ảnh một số "mặt hàng" được bày bán trong phiên chợ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại