Những tình tiết bất ngờ
Trong 3 ngày diễn ra phiên xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm, nhiều yếu tố bất ngờ đã xuất hiện.
Ngay từ đầu phiên tòa, các luật sư đề nghị triệu tập các nhân chứng là người nước ngoài gồm phía đối tác bên Nga của Vinalines, ông Goh, Gíam đốc Cty AP và lái xe của ông Sơn.
Tuy nhiên yêu cầu của các luật sư không được đáp ứng.
Phiên tòa diễn tiến với một vài tình tiết mới: Luật sư Trần Đình Triển nộp tòa bản tuyên thệ của ông Goh. Nội dung bản tuyên thệ này có nhiều mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Sơn tại tòa và tại cơ quan điều tra.
Được mời đến tòa với vai trò là giám định viên của vụ án, đại diện Bộ Tài chính cho rằng các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan đã không làm sai.
Về phía bị cáo Dương Chí Dũng, tại phiên phúc thẩm, ông ta thề thốt đủ điều, cho rằng mình không nhận số tiền “lại quả” 10 tỷ đồng từ bị cáo Sơn.
“Đến khi cơ quan điều tra thông báo, bị cáo mới biết đến số tiền “lại quả”. Cái này có trời Phật biết”, lời khai của ông Dũng tại tòa.
Giống như Dương Chí Dũng, bị cáo Mai Văn Phúc cũng một mực cho rằng mình không hề nhận tiền từ bị cáo Sơn.
“Toàn bộ lời khai của Sơn là sai sự thật”, lời ông Phúc.
Về phía bị cáo Sơn, khi được hỏi: “Các bị cáo khác không nhận đã nhận tiền từ bị cáo, bị cáo có suy nghĩ gì không?”, ông Sơn đáp: “Chả có chứng cứ gì cả”.
Trong suốt phiên tòa, bị cáo Sơn bị các luật sư của ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc xoay hỏi rất nhiều. Bị “quay” nhiều, có lúc bị cáo này đã phải thốt lên: “Tôi không nhớ được. Khổ quá!”.
Bị cáo này thường né những câu hỏi của các luật sư bằng câu trả lời: “Tôi giữ nguyên lời khai ở cơ quan điều tra. Tôi xin xác nhận lời khai tại cơ quan điều tra. Tôi không nhớ, tôi không rõ...”.
Khi các luật sư chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo này thì ông ta cho rằng, có thể cán bộ điều tra đã ghi sai ý mà mình đã trình bày!?
Nóng phần tranh luận
Diễn biến phiên tòa khá nóng ở phần tranh luận giữa các luật sư và đại diện VKSND Tối cao.
Trong phần luận tội, VKS cho rằng: Đủ cơ sở xác định, Dương Chí Dũng và đồng phạm đã “Cố ý làm trái” trong việc mua ụ nổi, gây thiệt hại 367 tỷ đồng.
Trong đó, 4 bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều đã tham ô 1,666 triệu USD.
Theo VKS, bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kháng cáo kêu oan của các bị cáo không được chấp nhận.
Phải có sự thỏa thuận của Dũng và Phúc với ông Goh mới có số tiền 1,666 triệu USD. Sơn không thể nhận và chiếm hưởng một mình số tiền này.
Theo VKS, lời khai của Sơn phù hợp với lời khai của các nhân chứng khác, phù hợp với các chứng từ của ngân hàng... Đồng thời Chiều cũng nhận đã nhận tiền “lại quả” do Sơn đưa cho.
Cấp sơ thẩm truy tố 4 bị cáo tội ‘Tham ô’ là có căn cứ, đúng người đúng tội, không oan. Nên kháng cáo kêu oan của các bị cáo là không có cơ sở.
Tranh tụng với VKS, các luật sư của ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đồng loạt đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại.
Theo các luật sư, cơ quan điều tra không cung cấp được chứng cứ gì cho thấy các bị cáo bàn bạc với nhau về khoản tiền 1,666 triệu USD.
Hoàn toàn chỉ dựa vào lời khai đơn phương từ một phía bị cáo Sơn.
Ngoài ra, bị cáo Sơn và các nhân chứng có quan hệ ruột thịt gần gũi với nhau. Đứng trước tình huống người thân đang đứng trước bản án nghiêm khắc, có lẽ tâm lý bình thường là khai báo có lợi cho người thân của mình.
Những nhân chứng đã khai báo khi được tự do, họ hoàn toàn có thể trao đổi với nhau.
Theo các luật sư, để kết tội tham ô, cần làm rõ mối quan hệ giữa ông Dũng, Phúc, ông Goh. Ai là người đàm phán trong suốt quá trình diễn ra thương vụ 83M?
Chiều 25/4, HĐXX không tuyên án như dự kiến mà đột ngột quay lại phần thẩm vấn. Thêm một lần nữa, bị cáo Sơn bị “dồn hỏi”. Và câu trả lời của bị cáo này phần lớn là: “Tôi không nhớ. Tôi không rõ”.
Sáng nay (28/4), phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Bị cáo Dương Chí Dũng khai tại tòa sơ thẩm về việc bỏ trốn sang Campuchia: