Bất ngờ... mất điện khi tọa đàm về 6.700 cây xanh

Hoàng Đan |

Hội trường khách sạn Cầu Giấy - nơi diễn ra buổi tọa đàm về cây xanh Hà Nội bỗng nhiên mất điện trong vòng gần 20 phút khi chương trình bắt đầu.

Hàng cây có tuổi thọ 80 năm cũng bị chặt đi

Xung quanh vấn đề chặt cây xanh của Hà Nội, chiều nay (23/3), chương trình tọa đàm "Từ đề án 6700 nhìn lại quy hoạch cây xanh HN" đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về cây xanh, thiên nhiên.

Buổi tọa đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng tổ chức.

Trước khi chương trình bắt đầu khoảng 10 phút thì bất ngờ hội trường khách sạn Cầu Giấy - nơi diễn ra buổi tọa đàm bị mất điện.

Đến khoảng 15 phút sau khi tọa đàm diễn ra thì nguồn điện tại khách sạn mới được cung cấp trở lại.

Kỹ sư Phan Thanh Giang, chuyên gia về Lâm nghiệp đô thị bày tỏ sự hồ nghi về việc chọn cây của Hà Nội trong đề án này.

"Tôi hồ nghi về việc chọn cây của Hà Nội. Tôi lấy ví dụ cây vàng anh là cây mà vào các tháng 3 - 4 hoa vàng của nó rụng rất bẩn, nếu trồng xe kẽ thì được còn trồng hàng loạt thì tôi cho rằng không được", ông Giang chia sẻ.

Còn TS Nguyễn Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cây xanh là nơi trú ngụ của chim chóc, giúp thư giãn tinh thần.

"Cây và người trở thành bạn bè, cùng nhau lớn lên nên việc chặt cái cây không khác gì giết người bạn của tôi. Với cách làm của Hà Nội trong thời gian qua, tôi có thể gọi là thảm sát cây cối", TS Liêm nói.

Còn Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng cho rằng, việc chặt cây ở Hà Nội vừa qua là vấn đề nóng bỏng.

 GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng nêu ý kiến.

 GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng nêu ý kiến.

"Bản thân tôi rất bức xúc, tôi có cảm giác những năm vừa qua Hà Nội mở một chiến dịch tàn phá cây xanh. Có hàng cây có tuổi thọ 80 năm cũng bị chặt đi trơn tru hết rồi, buồn lắm!", ông Đăng nói.

Theo ông Đăng, lãnh đạo Hà Nội nói sự thay thế cây là do nhà tài tợ nôn nóng, việc thực hiện vội vã…

"Nhưng nói như vậy là chưa thấy được tác hại của việc chặt cây đối với xã hội, môi trường, niềm tin của người dân.

Sai lầm đó xuất phát ngay từ việc xây dựng đề án, người duyệt đề án, một đề án không có cơ sở khoa học và cơ sở thực hiện, không có cơ sở pháp lý.

Lãnh đạo Hà Nội dũng cảm thì phải xin lỗi người dân vì làm việc này phản khoa học và không hợp với lòng dân", GS Đăng nhấn mạnh.

Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc

Phát biểu tại đây, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, việc chặt cây xanh ở Hà Nội đã tạo ra bức xúc rất lớn trong dư luận nhân dân.

Theo GS Dũng, ông đã đi khoảng 30 nước và chưa có thủ đô nào rộng như Việt Nam. Thủ đô của chúng ta quá lớn nhưng so với các nước thì quá đẹp, đó là hồ và cây. Nhiều thủ đô nổi tiếng nhưng hồ và cây thì thua chúng ta.

"Với hồ, chúng ta đã lấp rất nhiều hồ và khi mưa, Hà Nội ngập đến tận bụng. Đó đã là một bài học đau xót. Với cây, việc chặt 6.700 cây, chiếm 1/7 cây xanh toàn thành phố.

Lấy ví dụ, nếu là tóc trên đầu tôi thì 1/7 thì tôi có thể hói. Nhưng điều mà tôi bức xúc đó là thành phố không thèm quan tâm đến ý kiến của nhà khoa học, người dân.

Con đường Nguyễn Trãi chặt hàng cây xót xa quá! Có nhất thiết phải chặt cây xanh không...", ông Dũng bày tỏ.

Ông Dũng cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm của các cá nhân đề xuất chủ trương này chứ không chỉ là kiểm điểm như Hà Nội đưa ra.

"Theo tôi, thanh tra ở đây không phải là trách nhiệm của Hà Nội mà phải là của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc để có thể xem xét trách nhiệm của các cá nhân, kể cả ở vị trí cao nhất của thành phố", ông Dũng đề nghị.

GS Dũng nêu ý kiến thêm, việc Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Quốc Hùng đưa ra các ý kiến trả lời và cho rằng, chặt cây là do nhà tài trợ nôn nóng là chưa được, đã bị phản ứng.

Còn TS Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm bảo tồn Thực vật Việt Nam khẳng định, ông đã trực tiếp quan sát tại hàng cây được cho là vàng tâm mới được trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh.

"Tôi đã đến tận đường Nguyễn Chí Thanh và xem xét kỹ thì đây không phải là cây vàng tâm mà là cây mỡ bình thường. Gỗ không tốt và xốp. Đường kính cây khoảng 20 cm và được dùng làm nguyên liệu giấy", TS Hiệp cho hay.

Đồng thời, TS Hiệp cũng nhấn mạnh, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Hà Nội thì cây không tồn tại được.

"Với loại cây mỡ này thì ban đầu hoa thoang thoảng thơm nhưng sau 15 ngày hoa rụng, mùi rất dở. Cây này trồng khả năng chết rất cao và nếu sống được cũng không nên trồng loại này", TS Hiệp khẳng định.

GS Phạm Ngọc Đăng nói: "Tôi từng tham gia trong Hội đồng thẩm định đề án tác động môi trường đến đề án đường trên cao ở Hà Nội.

Với dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh, tôi không thấy có báo cáo về việc chặt cây xanh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại