Tham vọng thống lĩnh thị trường bán lẻ
Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động (TGDĐ) đã công bố kế hoạch kinh doanh khá bất ngờ.
Đơn vị chuyên về điện thoại, điện tử nay quyết định “ném tiền” vào đầu tư thử nghiệm lĩnh vực thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh.
Thông tin này ngay lập tức khiến giới kinh doanh cũng như dư luận đặc biệt quan tâm.
Sở dĩ có quyết định này, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc TGDĐ chia sẻ: “Tầm nhìn của TGDĐ là trở thành công ty bán lẻ lớn mạnh nhất tại Việt Nam và việc bán lẻ thì không chỉ dừng lại ở nhóm hàng điện tử tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng nhanh và lớn hơn nhiều so với điện tử tiêu dùng, ước tính từ 20 đến 30 tỷ USD mỗi năm. Hơn nữa, thị phần của các nhà bán lẻ mô hình hiện đại hiện mới chỉ vào khoảng 15 – 20%”.
Theo thống kê của Bộ Công thương, cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm.
Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại này lại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Khu vực nông thôn, ngoại thành hầu như vắng bóng các hệ thống bán lẻ.
Chính vì thế, có thể nói, thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.
Tuy nhiên, thị trường này sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Năm 2014, hàng loạt phi vụ mua bán, liên kết hợp tác trong lĩnh vực bán lẻ đã diễn ra: Phi vụ mua lại Metro của Tập đoàn BJC Thái Lan tháng 8/2014; CityMart hợp tác với Aeon Nhật Bản và đổi tên là hệ thống bán lẻ AeonCityMart tháng 11/2014;
Gia tăng tìm kiếm thăm dò thị trường và các cơ hội đầu tư của một số tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Wall Mart (Mỹ), OuChan (Pháp)...
Năm 2014 cũng chứng kiến hàng loạt trung tâm mua sắm lớn của các tập đoàn nước ngoài khai trương và phục vụ như Aeon Mall Tân Phú Celadon ở TP. HCM tháng 1/2014; Aeon Bình Dương Canary tháng 11/2014...
Đặc biệt, vào cuối năm 2014, ông lớn ngành bất động sản Vingroup cũng bất ngờ lấn sân sang mảng này với việc thâu tóm Ocean Retail từ OceanGroup và đổi tên công ty thành Công ty cổ phần Siêu thị VinMart hiện nay.
Vingroup mới đây cũng đã đưa vào thử nghiệm trang mua sắm trực tuyến adayroi.com của VinEcom - thương hiệu mới đánh dấu sự gia nhập của Vingroup trong lĩnh vực thương mại điện tử - mà theo đánh giá sẽ góp phần nâng cao vị thế của Vingroup trong lĩnh vực bán lẻ.
Tuy vậy, dù cạnh tranh khốc liệt, lãnh đạo của TGDĐ vẫn khá tự tin khi tham gia vào lĩnh vực này.
Ông Doanh nói: “Thị trường nước ta có gần 100 triệu dân và tỉ trọng của bán lẻ hiện đại vẫn còn rất thấp. Thị trường sẽ cần rất nhiều ông lớn nữa tham gia vào để người tiêu dùng Việt Nam được phục vụ tốt hơn.
Sự gia nhập của Vinmart và bây giờ là TGDĐ vẫn được xem là…chưa có gì lớn lao cả”.
Với việc đầu tư vào hàng tiêu dùng nhanh, ông Doanh kỳ vọng: TGDĐ sẽ trở thành nhà bán lẻ có thị phần lớn nhất vào giai đoạn sau năm 2020.
“Kinh tế xét về ngắn hạn sẽ có lúc tốt, lúc không tốt nhưng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu thì không bị ảnh hưởng nhiều và sự phát triển của bán lẻ theo mô hình hiện đại là tất yếu” – ông Doanh tin tưởng vào việc đầu tư này là sáng suốt dù kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn.
“Thế giới di động không nên tham nhiều quá!”
Việc Thế giới di động tham gia vào thị trường hàng tiêu dùng nhanh, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, điều này càng tốt cho người tiêu dùng, có thêm nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: Doanh nghiệp cần phải làm ăn tử tế.
“Anh bán rau giờ sang bán thịt chẳng có vấn đề gì cả. Vinatex từ bán quần áo sang bán cả hàng tiêu dùng. Vingroup là doanh nghiệp bất động sản còn đi trồng rau và mở siêu thị.
Điều đó tốt cho việc cạnh tranh nhưng phải kiểm soát bản thân để gìn giữ thương hiệu của mình” – ông Phú nói.
Khi thị trường bán lẻ nội địa ngày càng cạnh tranh gay gắt và có nhiều sự đột biến khó lường, ông Phú cho rằng: có 3 yếu tố lớn nhất để đảm bảo cho Thế giới di động thành công trong lĩnh vực này.
Thứ nhất, Thế giới di động phải có vốn để trang trải mua sắm trang thiết bị, tìm kiếm, tổ chức nguồn hàng đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng cao…
Thứ hai, Thế giới di động cần có công nghệ quản lý để quản trị con người cho tốt, tăng năng suất lao động để hạ giá thành.
Cuối cùng là yếu tố con người, phải có đội ngũ nhân viên giỏi, có văn hóa kinh doanh, ứng xử với khách hàng tốt...
“Từ một ông bán điện thoại sang kinh doanh thực phẩm thì phải cẩn thận. Không nên tham nhiều quá. Quy mô mở ra ban đầu nên vừa phải, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi tạo thành chuỗi mới có thể hoạt động hiệu quả được” – ông Phú lưu ý.
Cũng theo ông Phú, hiện nay Việt Nam lực lượng dân số trẻ chiếm hơn một nửa, mức GDP trung bình của nước ta đang xấp xỉ gần 2.000 USD/người.
Trong tương lai giá trị này sẽ ngày càng tăng và đó là tiền đề cho sự phát triển của bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ hiện đại. Đây cũng là cơ sở để Thế giới di dộng dám “ném tiền” thử thách với lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng này.
“Miếng bánh thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, vấn đề chỉ là chúng ta làm cách nào để năm bắt được thời cơ, làm chủ được trận địa mà thôi!” – ông Phú nói.
Thế giới di động dự kiến sẽ mở thử nghiệm từ 30 – 50 cửa hàng tiêu dùng nhanh có diện tích từ 150 đến 400 m2, ở một phần của 1 quận tại Tp.Hồ Chí Minh.
Dự kiến cửa hàng đầu tiên sẽ được khai trương vào quý IV/2015 và hoàn tất thử nghiệm trong năm 2016. Ngân sách cho việc triển khai thử nghiệm dự kiến từ 20 - 50 tỷ đồng.